Xu hướng nâng chất lượng trên thị trường việc làm

Đinh Thảo
Theo quy luật, thường sau dịp Tết, người lao động đang có xu hướng tìm cho mình những công việc phù hợp, thu nhập ổn định kèm các điều kiện về phúc lợi cao hơn. Để đáp ứng nhu cầu dịch chuyển lao động này, Hà Nội và các tỉnh lân cận đang liên kết đẩy mạnh kết nối cung cầu lao động nhằm hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp trong việc phục hồi sản xuất kinh doanh.

Dịch chuyển lao động

Dịch COVID-19 và tác động của cuộc chiến Nga –Ukraine khiến nhiều doanh nghiệp bị giảm đơn hàng, từ đó tác động tới lĩnh vực lao động - việc làm. Bước vào năm 2023, khi dịch bệnh đã ổn định, do đó, đây cũng là thời điểm người lao động bước ra khỏi “vùng an toàn” tìm kiếm công việc phù hợp, có cơ hội phát huy năng lực của bản thân.

vieclam180423-1-1681810390.jpg
Người lao động tìm kiếm thông tin việc làm tại một phiên giao dịch việc làm lưu động

Sau khoảng thời gian gắn bó với công việc bán mỹ phẩm tại Hà Nội với mức lương từ 6 - 7 triệu đồng/tháng, chị Lục Thị Hà (quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội) đã quyết định xin nghỉ việc để tìm kiếm cho mình một vị trí việc làm khác mức lương, thưởng cao hơn và các khoản phúc lợi được đảm bảo.

Sau 2 tháng tìm kiếm thông tin việc làm, mới đây, chị Lục Thị Hà đã phỏng vấn và trúng tuyển vị trí nhân viên bán hàng với mức lương, thưởng và các chế độ phúc lợi tương đối ổn định. “Trước đây do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên mình cố gắng làm việc để có nguồn kinh tế duy trì cuộc sống mà không quan tâm tới các chế độ chính sách của công ty và bản thân bị thiệt rất nhiều. Hiện tại vị trí tại công ty mới có các chế độ đảm bảo hơn”, chị Lục Thị Hà chia sẻ.

Cũng mong muốn tìm kiếm cơ hội việc làm mới, sau thời gian lĩnh trợ cấp thất nghiệp, anh Nguyễn Văn Triều (quận Đống Đa, thành phố Hà Nội) tranh thủ đến Sàn giao dịch việc làm Hà Nội tìm kiếm cơ hội việc làm liên quan đến lĩnh vực kinh doanh, bán hàng.

Anh Nguyễn Văn Triều từng có hơn 10 năm làm công việc liên quan tới lĩnh vực khảo sát nên phải thường xuyên đi làm xa nhà. Do đó anh Nguyễn Văn Triều tìm kiếm công việc gần nhà với công việc phù hợp, mức lương ổn định.

Không chỉ người lao động có nhu cầu tìm việc, hiện nay, nhiều doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố cũng đang tìm kiếm nguồn lao động để đáp ứng yêu cầu công việc. Đại diện Công viên nước Hồ Tây cho biết, công viên mở cửa theo thời vụ, do đó cần tuyển lượng lớn lao động thời vụ để đảm bảo công việc trong dịp hè, nhất là khi dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 đang tới gần.

Từ góc độ của nhà tuyển dụng, bà Dương Hồng Anh, chuyên viên nhân sự của Công ty TNHH Phúc Hưng Thịnh cho biết: “Việc chuyển dịch việc làm là chuyện bình thường trong thị trường lao động. Với ngành dịch vụ du lịch đang phục hồi thì lao động tuyển vào lĩnh vực này sẽ tiếp tục tăng. Đợt này công ty có nhu cầu tuyển 80 đến 100 nhân sự cho 6 cơ sở mới đưa vào hoạt động với các vị trí từ lễ tân, chạy bàn, nhân viên bếp, tạp vụ... với mức thu nhập 7 triệu đồng/tháng trở lên. Cùng với tuyển dụng qua các phiên giao dịch việc làm, đơn vị chúng tôi tuyển qua mạng xã hội, từ các trường trung cấp, dạy nghề. Bên cạnh đó, đơn vị đến các xã phường truyền thông về công việc tuyển dụng”.

Còn ông Nguyễn Việt Hùng, chuyên viên nhân sự của Tổng công ty May 10 cho biết: “Từ cuối quý I/2023, công việc của lao động ngành may ổn định hơn khi có nhiều đơn hàng hơn. Đợt tuyển dụng này, công ty tuyển 70 nhân sự, chủ yếu là lĩnh vực may, bên cạnh đó là các vị trí lễ tân, nhân viên maketing... với mức thu nhấp thấp nhất là 7 triệu đồng/tháng. Hầu hết nhân viên tuyển dụng ngành may đến 70% là chưa biết nghề và đơn vị phải đào tạo khoảng 3 tháng để có thể thành thục kỹ năng nghề”.

Sự thích ứng với yêu cầu mới

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp có được nguồn lao động phục hồi sản xuất kinh doanh, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội kết hợp với các tỉnh thành phía Bắc để tăng cường kết nối cung cầu thị trường lao động. Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết: “Hà Nội mạnh mảng thương mại – dịch vụ và rất cần tuyển lao động tại chỗ và các tỉnh. Từ sự kết nối trực tuyến sẽ giới thiệu việc làm tới người lao động. Bên cạnh đó, từ nguồn lao động đến làm thủ tục trợ cấp thất nghiệp, đơn vị cũng thường xuyên đẩy dữ liệu này qua sàn việc làm để các đơn vị sử dụng lao động tìm kiếm ứng viên phù hợp”.

vieclam180423-2-1681810390.jpg
Chuyên viên tuyển dụng của Công ty TNHH Phúc Hưng Thịnh đang tư vấn vị trí việc làm cho các ứng viên

Theo các chuyên gia, nhà tuyển dụng, những tác động sau dịch COVID-19, chuyển đổi số, biến động của tình hình thế giới phần nào đã định hình lại thị trường lao động, khiến xu hướng tìm kiếm việc làm, kỳ vọng của cả doanh nghiệp và người lao động đều có sự thay đổi.

Ghi nhận từ các phiên giao dịch việc làm được tổ chức gần đây tại Hà Nội cho thấy, mặc dù việc tuyển dụng nhân sự của doanh nghiệp cũng như tìm kiếm việc làm của người lao động không dễ dàng, song yêu cầu của cả hai bên trong quá trình tuyển dụng, tìm việc đều ngày càng cao. Cụ thể, doanh nghiệp mong muốn tìm kiếm được nhân sự có chất lượng, kỹ năng tốt hơn, người lao động lại đặt điều kiện về tiền lương và môi trường làm việc ổn định để gắn bó lâu dài và có lộ trình phát triển nghề nghiệp rõ ràng…

“Từ việc nắm bắt tâm lý, nhu cầu của người lao động, để thu hút và giữ chân người lao động, nhiều doanh nghiệp đã cố gắng cải thiện thu nhập, xây dựng môi trường văn hóa doanh nghiệp tốt. Còn từ góc độ người lao động cũng nâng cao kỹ năng, đáp ứng xu thế hội nhập, chuyển đổi số”, ông Vũ Quang Thành nhận định.