Xây dựng thương hiệu vùng ĐBSCL từ những khó khăn, khắc nghiệt

Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, đã đến lúc ĐBSCL phải tự tin 10 năm, 20 năm nữa, thương hiệu vùng được xây dựng từ chính những khó khăn trong điều kiện khắc nghiệt.

Chiều 9/2, UBND tỉnh Bạc Liêu phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức họp mặt công tác đầu năm 2022 của ngành nông nghiệp 13 tỉnh, thành ĐBSCL.

nlntv-dsc1384-1644396169398-1644454589.jpg
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT họp mặt công tác đầu năm 2022 với lãnh đạo Sở NN&PTNT 13 tỉnh, thành ĐBSCL (Ảnh: CL).

Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho biết đây là dịp để lãnh đạo 13 Sở NN&PTNT cùng nhau chia sẻ về thực trạng sản xuất, cũng như những thuận lợi, khó khăn của năm 2021 và đưa ra kế hoạch hành động, đề xuất giải pháp thực hiện nhằm đạt các mục tiêu năm 2022 của ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL.

Chủ tịch Bạc Liêu mong muốn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các Bộ, ngành Trung ương, sự phối hợp, hỗ trợ chặt chẽ của các tỉnh, thành vùng ĐBSCL tiếp tục đồng hành, hỗ trợ cho sự phát triển của ngành nông nghiệp, nâng cao đời sống người dân vùng ĐBSCL nói chung, tỉnh Bạc Liêu nói riêng, quyết tâm hợp tác và liên kết thành một không gian kinh tế.

Tại buổi họp mặt, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, vấn đề đặt ra hiện nay là chúng ta phải chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Ngành nông nghiệp các tỉnh phải làm sao nhanh chóng lan tỏa tinh thần, tư duy đó. Trong đó, thiết thực nhất là thực hiện thông qua các mô hình, nổi bật như lúa thơm, tôm sạch ở vùng ĐBSCL.

nlntv-hoan-1644396233249-1644454633.jpg
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại buổi họp mặt (Ảnh: CL).

"Đã đến lúc ĐBSCL phải tự tin 10 năm, 20 năm nữa thương hiệu vùng được xây dựng từ chính những khó khăn trong điều kiện khắc nghiệt. Chúng ta cùng nhau phải vượt qua khó khăn và trở thành hình mẫu là một trong những đồng bằng thích ứng với biến đổi khí hậu trên thế giới", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Bộ trưởng NN&PTNT cũng mong muốn các địa phương nêu lên những điểm nghẽn, đóng góp những phát kiến từ thực tiễn địa phương. Để từ đó lãnh đạo trực thuộc Bộ có những góc nhìn, chia sẻ, hướng dẫn, điều chỉnh trong sản xuất.