- Những ngày cuối năm, hàng nghìn xe nông sản vẫn ùn ở cửa khẩu chờ xuất qua Trung Quốc. Với vai trò quản lý nhà nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra giải pháp gì để hỗ trợ người dân?
- Việc ùn ứ xe nông sản ở cửa khẩu không phải bây giờ mới có, nhưng năm nay tình trạng căng thẳng nhất. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ Công Thương, các bộ, ngành, địa phương đã khuyến cáo hạn chế, điều tiết đưa hàng lên cửa khẩu, đồng thời điện đàm với phía Trung Quốc để đàm phám mở cửa, tăng thời gian thông quan.
Chúng tôi cũng kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng xem xét các chính sách ưu tiên theo kiến nghị của địa phương như khử khuẩn, kiểm tra hàng hóa; hỗ trợ địa phương đầu tư hạ tầng cửa khẩu, kho bãi, trung tâm trung chuyển, logistic, bảo quản nông sản.
Các địa phương cần nhanh chóng rà soát, khảo sát, thiết lập vùng đệm hàng hóa trao đổi với Trung Quốc để quản lý, kiểm soát chặt tình hình dịch Covid-19, cách ly người và hàng hóa mắc Covid-19 ngay tại đầu vùng đệm, không để phát hiện ở điểm giáp biên dẫn đến "đóng biên tức thời".
Nhìn những xe nông sản phải hạ xuống bán tại chỗ với giá rẻ, hoặc đổ bỏ để quay đầu, tôi rất đau xót. Vừa qua, sau khi có điện đàm giữa Thủ tướng Việt Nam và Thủ tướng Trung Quốc, hai bên đã phối hợp tốt hơn. Hy vọng tình trạng ùn ứ sẽ giảm dần trong thời gian tới.
Nông sản ùn ứ ở cửa khẩu khiến nhiều tài xế, thương lái phải đổ bỏ. Cần làm gì để khắc phục tình trạng này?
- Ý tưởng về một tổ hợp đa chức năng ở cửa khẩu để tập kết, bảo quản, sơ chế, bao gói phục vụ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đã được chúng tôi đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng. Nếu không có một trung tâm giao dịch nông lâm thủy sản đa chức năng thì dễ dẫn đến tình trạng càng sản xuất, càng rủi ro lớn do hàng hóa bị ùn ứ, không tiêu thụ được như đang diễn ra.
Với sự ủng hộ của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang trao đổi với tỉnh Quảng Ninh, cùng các bộ, ngành liên quan để có thể sớm triển khai dự án Trung tâm Giao dịch hàng hóa, nông, lâm, thủy sản châu Á - Thái Bình Dương tại thành phố Móng Cái, theo hình thức xã hội hóa. Mức độ hiệu quả của dự án sẽ là cơ sở để cân nhắc, xem xét triển khai các tổ hợp tương tự tại Lạng Sơn, Lào Cai...
Tổ hợp đa chức năng này góp phần quan trọng giúp phát triển kinh tế biên giới, vừa quản lý thị trường, tổ chức lại đội ngũ tham gia bốc xếp, vừa là khu vực cho doanh nghiệp đưa hàng hóa đến bảo quản, đóng gói, chế biến... Thậm chí, khâu kiểm dịch hàng hóa từ các đơn vị chuyên môn Trung Quốc có thể được thực hiện một lần duy nhất tại đây. Các hàng hóa đủ điều kiện sẽ không phải kiểm dịch hai chiều như hiện nay, vừa phức tạp, vừa tốn thời gian.
Ngoài các biện pháp ngắn hạn trên, quan trọng nhất vẫn là hệ thống cơ chế, chính sách lâu dài. Trong đó, có kết nối đa ngành và phối hợp liên ngành, từ sản xuất, chế biến, vận tải, chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa đến quản lý xuất nhập khẩu.
- Dự tổng kết công tác năm 2021 của ngành Nông nghiệp, Thủ tướng yêu cầu đa dạng thị trường xuất khẩu, thúc đẩy chính ngạch vì "không thể mãi trông chờ vào đường mòn lối mở". Bộ sẽ triển khai yêu cầu này thế nào?
- Xuất khẩu chính ngạch được xác định là giải pháp bền vững trong giao thương với Trung Quốc. Các doanh nghiệp, thương nhân đang dần quan tâm nhiều hơn đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc theo hình thức này (mua bán theo hợp đồng với các điều kiện giao dịch cụ thể, chi tiết, giao nhận rõ ràng, giao hàng tại cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính...). Thực tế cho thấy, trong những thời điểm khó khăn nhất, xuất khẩu chính ngạch ít nhiều vẫn được bảo đảm, trong khi xuất khẩu tiểu ngạch tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Thời gian tới, Bộ Nông nghiệp sẽ tiếp tục đàm phán với Trung Quốc để hướng dần tới chính ngạch. Vấn đề này cần kiên trì, vì muốn chính ngạch phải tổ chức lại nông sản trong vùng nguyên liệu, chứ không phải để lên biên giới rồi mới phân nhóm chính ngạch, tiểu ngạch.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng sẽ phân tích kịp thời thông tin thị trường, bao gồm: Những quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật, quy định thông quan hàng hóa, mùa vụ thu hoạch những nông sản Trung Quốc có thể sản xuất được. Bộ cũng tăng cường nâng cao nhận thức cho người dân, chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch để giảm thiểu rủi ro.
Hiện nay, dù nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn chiếm tỷ trọng nhiều nhất, nhưng các thị trường khác cho thấy tiềm năng tăng trưởng rất lớn. Trong đó, EU là một trong những thị trường xuất khẩu nông sản lớn, chiếm 13,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính.
Chúng tôi cũng đang dự thảo đề án đa dạng hóa thị trường xuất khẩu nông sản dựa trên lợi thế từ các hiệp định thương mại với Mỹ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EVFTA), Anh (UKVFTA)...
- Muốn vươn sâu, vươn xa đến các thị trường khó tính, nông sản Việt Nam phải đạt nhiều tiêu chuẩn về chất lượng, không chỉ ngon, đẹp mà còn đảm bảo dư lượng bảo vệ thực vật cho phép. Ngành Nông nghiệp sẽ thúc đẩy việc đạt chuẩn nông sản như thế nào?
- Đúng là thị trường các nước phát triển đòi hỏi chất lượng nông sản rất cao. Khi bắt đầu xuất khẩu sang Mỹ, một trong những điều kiện mà họ đòi hỏi là quy trình sản xuất đảm bảo theo yêu cầu từ giống, trồng trọt, chăm sóc, phòng trừ sinh vật gây hại, đảm bảo lượng nhất định chất bảo quản, tồn dư chất bảo vệ thực vật trong hoa quả.... Chuyên gia của họ sẽ sang kiểm tra, đánh giá và cấp mã số vùng trồng.
Không chỉ thị trường Mỹ, EU, mà tại thị trường Trung Quốc cũng yêu cầu cao về chất lượng hàng hóa. Vì vậy, chúng tôi sẽ đến từng địa phương để hướng dẫn chuẩn hóa vùng nguyên liệu, thay đổi cả tập quán, thói quen chăn nuôi, trồng trọt, nâng cao chất lượng, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, mã vùng trồng, mã vùng nuôi, đóng gói...
Cần có một cuộc cách mạng trong từng địa phương, đồng ruộng, người nông dân. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cùng với cơ quan liên quan, Tham tán thương mại của các nước tại Việt Nam xây dựng đề án chuẩn hóa vùng nguyên liệu để xuất khẩu qua từng thị trường. Các bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Ngoại giao, cùng cơ quan tham tán nước ngoài cũng thành lập liên minh của những doanh nghiệp xuất khẩu nông sản sang các thị trường để cùng ngồi lại, thảo luận chiến lược xuất khẩu nông sản.
Muốn tiếp cận thị trường nào thì cần nghiên cứu thói quen tiêu dùng của người dân ở đó, như người Trung Quốc rất thích thanh long ruột đỏ của Việt Nam nhưng một số nước khác lại thích thanh long ruột trắng. Từ đó, tìm cách để chăm sóc, nâng cao chất lượng sản phẩm.
- Có chuyên gia cho rằng Việt Nam xuất khẩu nông sản rất nhiều, nhưng dường như các sản phẩm vẫn "vô danh". Ông nghĩ sao về ý kiến này?
- Việt Nam hiện có hơn 10 mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực, có mặt tại 160 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, một số sản phẩm có giá trị xuất khẩu hơn một tỷ USD như cà phê, gạo, điều, thủy sản, cao su, rau quả, gỗ và đồ gỗ... Tuy nhiên, so với tiềm năng, số lượng nông sản xuất khẩu của Việt Nam còn khá ít, do chất lượng sản phẩm không đồng đều, chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường khó tính.
Năm 2019, gạo ST25 được trao giải gạo ngon nhất thế giới sau khi vượt qua các loại gạo của Thái Lan, Campuchia tại cuộc thi World's Best Rice. Cà phê Tây Nguyên, gạo Cần Thơ, dứa Đồng Giao, nhãn Ido, xoài Cát Chu, tiêu Phú Quốc, chuối Lào Cai, chè Shan Tuyết, Ô Long, Tân Cương... là những nông sản Việt được người tiêu dùng thế giới ưa chuộng.
Như vậy nói "vô danh" thì có phần chưa chính xác, nhưng đây cũng là điều mà tôi trăn trở. Chúng ta xuất khẩu nhiều, nhưng 90% số đó lại ở dạng thô, sau khi nhập về thì doanh nghiệp nước ngoài chế biến và sử dụng tên, thương hiệu của họ. 80% lượng nông sản của chúng ta cũng chưa xây dựng được thương hiệu, không logo, nhãn mác.
Tôi muốn nông sản Việt Nam phải được định vị, không thể mãi vô danh được. Muốn vậy, nông dân phải coi nông sản, thực phẩm không chỉ là sản phẩm thô mà cần được chuyển tải câu chuyện văn hóa, cảm xúc, hình ảnh. Cá nhân, doanh nghiệp cần quan tâm nhiều hơn đến vấn đề về pháp lý, thương mại hóa, quy định quốc tế... để bảo đảm quyền lợi khi tham gia "sân chơi", thị trường toàn cầu.