Bỏ lương 20 triệu, về quê làm nông nghiệp thuận với tự nhiên

Lương Đàm
Bỏ công việc thu nhập 20 triệu đồng/tháng, Nguyễn Văn Nhân về quê thuê 3,5 ha đất canh tác cây trồng không sử dụng hóa chất.

Khu đất Nhân thuê nằm ở xã Điện Hòa, thị xã Điện Bàn, giáp với một nhánh nhỏ của sông Vu Gia, xung quanh là hàng rào cây xanh, kênh mương. Hiện phía trong có hai đám ruộng rộng 5.000 m2 vừa gieo sạ; hai ao cá nằm cạnh khu chăn nuôi gia súc, gia cầm rộng 7.000 m2. Tiếp đến là khu rừng nhiều loại cây, phân tầng tán xanh ngắt xen lẫn cây hoa màu ngắn ngày vừa nẩy mầm.

Hai năm trước, nơi đây là vùng đất bỏ hoang, cỏ mọc um tùm. Chàng trai 30 tuổi, xã Điện Hòa, thị xã Điện Bàn, đã bỏ tiền của và công sức cải tạo.

trang-trai-rong-35-ha-tach-biet-voi-ben-ngoai-bang-hang-rao-sinh-hoc-voi-he-thong-cay-xanh-va-muong-nuoc-1641698832.jpg
Trang trại rộng 3,5 ha tách biệt với bên ngoài bằng hàng rào sinh học với hệ thống cây xanh và mương nước

Sinh ra trong gia đình thuần nông có hai anh em, trải qua tuổi thơ cực khổ, Nhân quyết tâm học tập với giấc mơ vào đại học, sau này kiếm việc làm ở thành phố. Năm 2014, Nhân tốt nghiệp ngành kỹ thuật Hóa học, trường Đại học Dầu khí Việt Nam và làm việc ở Bà Rịa - Vũng Tàu, mức lương 20 triệu đồng/tháng. Sau hai năm, anh nghỉ việc chuyển về Đà Nẵng để gần nhà, làm công việc văn phòng cho một doanh nghiệp thu nhập 10 triệu đồng/tháng.

Nhận thấy môi trường công sở không tự do, Nhân tìm ngã rẽ. Anh lên mạng tìm hiểu và thấy trồng rau thủy canh có triển vọng. Năm 2017, anh bỏ phố về quê làm rau thủy canh tại nhà. Đối diện nhiều áp lực khởi nghiệp và lời trách móc của bố mẹ "đầu tư cho con ăn học để kiếm việc làm ở thành phố, đằng này lại quay về làm nông dân", song anh không nản, vẫn quyết làm cái mình thích.

Bằng kiến thức được học, Nhân mua hóa chất về tạo ra dung dịch trồng rau trên diện tích 100 m2. Giàn, thùng rau làm ra cho năng suất, song chi phí đầu tư lớn nên Nhân dừng lại.

Con nhà nông, Nhân muốn làm cái gì lên quan đến nông nghiệp nhưng bền vững. Mô hình đó nương nhờ vào tự nhiên, không sử dụng hóa chất trong quá trình sản xuất. Tình cờ, Nhân đọc cuốn sách "Cuộc cách mạng một cọng rơm", tác giả Mansanobu Fukuoka, người khai sinh nông nghiệp tự nhiên của Nhật Bản và thế giới. Sau nhiều ngày nghiền ngẫm, anh quyết định xây dựng trang trại nông nghiệp thuận tự nhiên.

Giữa năm 2017, Nhân thuê 1,5 ha đất hoang hóa của một người dân cùng địa phương làm vườn rừng với tên gọi Rơm Vàng Farm. Anh huy động được bốn người góp vốn hình thành nông trại gồm cây lâm nghiệp, cây ăn quả, rau theo hình thức bền vững.

Sau hai năm, số cây trồng bắt đầu cho thu hoạch thì bất ngờ chủ đất lấy lại. Bỏ vốn đầu tư 400 triệu đồng, nhưng chỉ được bồi thường 70 triệu đồng, Nhân nhớ lại: "Tôi cắn răng chấp nhận bỏ lại cây cho họ, chứ không chặt phá những đứa con do mình làm ra". Sau đó chủ đất thuê Nhân làm việc để chuyển giao kỹ thuật, hoàn thành những thiết kế dang dở với mức lương 6 triệu tháng.

Sau ba tháng làm công, Nhân đã chuyển giao trang trại vườn rừng theo thiết kế cho chủ đất và tiếp tục tìm kiếm mảnh đất khác. Anh may mắn ký hợp đồng thuê 3,5 ha, giá 35 triệu đồng/năm với chính quyền xã để mở trang trại với tên gọi trước đó Rơm Vàng Farm.

he-thong-vuon-rung-do-nhan-thiet-ke-trong-cay-phan-thanh-nhieu-tang-tan-1641698832.jpg
Hệ thống vườn rừng do Nhân thiết kế trồng cây phân thành nhiều tầng tán

Để có vốn, Nhân huy động ba người khác đầu tư, biến khu đất hoang thành trang trại xanh tốt. Nhân dành 5.000 m2 trồng lúa; 7000 m2 nuôi cá, bò, gà, lợn. Diện tích còn lại là vườn rừng với đa dạng sản phẩm. Vườn rừng được Nhân trồng theo hàng lối nhiều các cây keo tràm, ổi, mít, chuối, dứa. Mỗi lối cách nhau gần 10 m, khoảng đất trống được trồng đậu, lạc, vừng, ngô, rau củ quả.

Theo Nhân, cách làm này xây dựng hệ sinh thái có nhiều tầng tán, không gian để tận dụng lấy ngắn nuôi dài, giảm thiểu rủi ro về thiên tai, dịch bệnh. Quảng Nam thời tiết khắc nghiệt, mùa mưa thì bão lũ, mùa nắng thì hạn hán gây thiệt hại lớn cho nông nghiệp. Để cây trồng thích nghi với thời tiết cực đoan thì mô hình nông nghiệp vườn rừng sẽ bền vững hơn, Nhân chia sẻ.

Mỗi bụi chuối, Nhân không tham về số lượng mà quan tâm chất lượng. Một bụi mọc năm cây, Nhân chặt bỏ hai cây tấp dưới gốc cho mục nát tạo chất dinh dưỡng. Cây ăn trái ra quả sớm bị cắt bỏ nhằm tập trung dinh dưỡng cho quả đúng mùa vụ. "Nguyên tắc của tôi làm nông nghiệp bền vững là nương dựa vào tự nhiên để gieo trồng, lấy tự nhiên nuôi tự nhiên, không sử dụng bất kỳ hóa chất nào dù là các loại thuốc sinh học", anh chia sẻ.

Điều này đã chứng minh khi hai năm qua cây trồng trong trang trại ít bị sâu bệnh, phát triển tốt. "Khi đa dạng cây trồng thì cây này bị bệnh những loại khác không bị. Tôi chấp nhận ít về sản lượng, nhưng có nhiều loại sản phẩm", anh nói và cho biết năm 2019-2020 mưa lũ ngập sâu, gió bão quật mạnh, nhưng tỷ lệ cây chết thấp, chúng bị xơ xác rồi phục hồi nhanh.

Đối với lúa, Nhân bón phân chuồng, không phun thuốc, không sử dụng phân bón hóa học, song năng suất cao hơn lúa người dân sản xuất theo cách truyền thống. Trung bình một sào 500 m2, Nhân thu 375 kg, cao hơn người dân canh tác 25 kg; lạc năng suất khoảng 135 kg/sào, cao hơn cách truyền thống 10 kg.

nguyen-van-nhan-chia-se-ve-trang-trai-thuan-theo-tu-nhien-khong-su-dung-hoa-chat-nhung-cho-nang-suat-cao-1641698832.jpg
Nguyễn Văn Nhân chia sẻ về trang trại thuận theo tự nhiên, không sử dụng hóa chất nhưng cho năng suất cao

Nhân liên kết với một doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm bán đồ hữu cơ toàn quốc. "Sản phẩm thu hoạch được họ tiêu thụ hết, giá gần bằng rau quả hữu cơ nhập khẩu", Nhân nói. Sau hai năm đầu tư, số tiền Nhân bỏ vào trang trại hơn tỷ đồng, doanh thu mỗi năm 400 triệu đồng. Có lợi nhuận, Nhân tiếp tục đổ vào trang trại để hình thành hệ sinh thái đầy đủ cây con.

Trang trại của Nhân tạo công ăn việc làm cho năm người. Họ được lo ăn ở, thu nhập mỗi tháng hơn 5 triệu đồng; thời vụ thu hút hàng chục lao động. "Trồng cây thuận tự nhiên càng lâu thì đất càng được cải tạo, phục hồi. Càng về sau, cây trồng có nhiều chất dinh dưỡng, năng suất cao", Nhân nói và cho biết trang trại thu hút nhiều loại chim như cò, bìm bịp và thủy sản.

Từng trách móc khi Nhân quay về làm nông, giờ bố mẹ đã tin tưởng, ủng hộ, còn phụ giúp anh một số công việc ở Rơm Vàng Farm.