Vui Trung thu tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam

Võ Việt
Trong 02 ngày, từ 23 đến 24/9, tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (đường Nguyễn Văn Huyên, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) đã diễn ra chương trình Trung thu 2023 với tên gọi: “Em yêu Trung thu - Em yêu khoa học”, với mục tiêu tạo ra một không gian cho các bạn trẻ vừa được vui chơi vừa được học tập qua qua các trải nghiệm tương tác.

Đã thành thông lệ, chương trình Trung thu tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam được duy trì hằng năm, nhằm giới thiệu mảng hoạt động gắn với các nghệ nhân dân gian làm đồ chơi Trung thu. Bảo tàng đã luôn đồng hành với các nghệ nhân để nghiên cứu, tìm tìm cách thức giữ gìn đồ chơi truyền thống. Các em nhỏ đến Bảo tàng có cơ hội được nghệ nhân dân gian trực tiếp hướng dẫn làm những món đồ chơi đêm rằm như: Đèn ông sao, đèn con thỏ, mặt nạ giấy bồi, ông đánh gậy, ông tiến sỹ giấy...

trung-thu-8-1695626262.jpg
Múa sử tử, một loại hoạt động không thể thiếu trong dịp Tết Trung thu

Cùng với các hoạt động làm đồ chơi, trẻ em còn có cơ hội chơi một số trò chơi vận động như: Nhảy bao bố, ném lon, bịt mắt đánh trống, nhảy dây, kéo co, đi à kheo, đi goòng... Các em còn được học những bài hát đồng dao thông qua chơi trò chơi Rồng rắn lên mây, Chơi chuyền. Bên các đó, khách tham quan có cơ hội thưởng thức những tiết mục múa lân sôi động.

trung-thu-5-1695626261.jpg
Cả gia đình thích thú với những sản phẩm tò he

Hoạt động trải nghiệm thử tài múa lân và rước đèn trung thu luôn thu hút các em nhỏ tham gia. Những bạn thích tìm hiểu và thưởng thức hương vị mùa thu qua ẩm thực có thể tự tay làm một chiếc bánh dẻo hay giã cốm bằng cối đá. Ngoài ra, du khách nào yêu thích văn hóa Hàn Quốc có cơ hội khám phá Tết Trung thu của Hàn Quốc qua mâm cỗ và video trong phòng trưng bày Hàn Quốc.

trung-thu-2-1695626261.jpg
Cùng chơi trò Rồng rắn lên mây

Bên cạnh những món đồ chơi Trung thu đã và đang được duy trì trình diễn nhiều năm, cũng có những món đồ chơi bị mất đi hoặc hiếm có cơ hội xuất hiện trước công chúng đã được Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam rất quan tâm. Một góc phòng khám phá dành cho trẻ em đã đã trưng bày những đò chơi này như: Tàu thủy sắt tây, điện thoại ống tre, rối tre, người đu xà... được bày trân trọng trên bục tủ. Các em nhỏ còn có co hội ngắm nhìn và trải nghiệm chơi ngay trong Phòng khám phá.

trung-thu-7-1695626261.jpg
Các bạn nhỏ hào hứng tìm hiểu về mâm cỗ Trung thu

Đặc biệt, trong khuôn khổ sự kiện Trung thu 2023 năm nay, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam còn hướng đến một số hoạt động mới áp dụng công nghệ trong việc khám phá văn hóa truyền thống thông qua không gian thực và ảo. VR Tour sẽ giúp du khách khám phá văn hóa của các dân tộc với những trải nghiệm mới đưa du khách đi tìm hiểu ý nghĩa của các đồ chơi dân gian bằng những trò chơi hấp dẫn. Các thông điệp, ý nghĩa gắn với đồ chơi Trung thu được truyền tải đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ. Công nghệ cũng tạo cơ hội cho du khách tham gia vào hoạt động quét mã QR “Đi tìm kho báu Trung thu” để khám phá những thông tin thú vị trong các không gian trưng bày của Bảo tàng.

Cùng với các hoạt động áp dụng công nghệ, hoạt động khám phá khoa học qua đồ chơi dân gian cũng mở ra cách thức hoạt động khám phá khoa học qua đồ chơi dân gian cũng mở ra những cách thức học tập mới cho các em nhỏ qua Stem. Những đồ chơi giản dị của đêm Trung thu được các thầy cô giải thích dưới góc nhìn khoa học và đưa đến cho các em những hiểu biết nhờ kết nối từ tri thức dân gian đến kiến thức khoa học.

trung-thu-4-1695626261.jpg
Mẹ hướng dẫn các bé làm đèn con thỏ

Một lần nữa, những bài học ở trên lớp đã được làm sâu sắc hơn qua những trải nghiệm tại Bảo tàng. Các em có thể làm đèn kéo quân để học về đối lưu chất khí và hiểu nguyên lý chuyển động của đèn, các em có thể làm đèn cù để hiểu về lực ma sát, làm trống lắc để hiểu về hộp âm v.v... Có thể nói, nhờ những hoạt động tương tác trải nghiệm này, mà những bài khoa học lại trở nên đơn giản, dễ hiểu như vậy.

Ngoài ra, những hoạt động mang tính sáng tạo dựa trên trí thức dân gian cũng được Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam quan tâm. Góc trải nghiệm sáng tạo nghệ thuật với chủ đề ghép tranh Trung thu cùng Vụn Art, làm đồ trang trí từ các họa tiết hoa văn dân tộc và đồ chơi dân gian của các bạn trẻ áp dụng kỹ thuật Họa Kim Sa được giới thiệu với mong muốn ngày càng được nhiều bạn trẻ yêu quý, trân trọng các sản phẩm thủ công.

Một hoạt động mới nữa của chương trình, đó là Bảo tàng tạo một không gian âm nhạc mở để đưa cơ hội cho các bạn trẻ chủ động thể hiện tiếng nói của mình trước công chúng. Hoạt động này giúp Gen Z có nhiều cơ hội kết nối và chia sẻ cho nhau.

trung-thu-1-1695626261.jpg
Mẹ và bé cùng chơi trò chơi Gánh lúa qua cầu

Tiến sỹ Bùi Ngọc Quang, Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam chia sẻ: “Chương trình Trung thu năm nay được tổ chức với mục tiêu kết hợp giới thiệu, tôn vinh, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống với những hoạt động trải nghiệm khám phá khoa học, công nghệ. Bảo tàng muốn đem đến cho du khách trẻ tuổi có cơ hội học tập, trải nghiệm từ văn hóa dân gian đến hiện đại qua khám phá khoa học, công nghệ, đồng thời khuyến khích sự sáng tạo, tư duy phản biện và khả năng học hỏi thông qua các hoạt động trải nghiệm, tương tác, thực và ảo.

Chúng tôi tin rằng, sự kết hợp giữa truyền thống và công nghệ sẽ mang đến một trải nghiệm mới và hào hứng cho các bạn trẻ. Đồng thời, đây cũng là dịp đặc biệt để ông, bà, cha, mẹ ôn lại ký ức tuổi thơ và chia sẽ những hiểu biết của mình cho con cháu, qua đó gắn kết các thành viên trong gia đình. Với những hoạt động có ý nghĩa này sẽ góp phần quan trọng cho mỗi cá nhân, cho mỗi gia đình thêm hiểu biết và trân trọng giá trị của ông bà ta, từ đó góp phần vào việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong xã hội đương đại”.

trung-thu-6-1695626261.jpg
Các nghệ nhân trình diẽn múa rối nước

Chương trình đã mang đến một mùa Trung thu ý nghĩa cho các em thiếu nhi Thủ đô thông qua việc tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống và khám phá khoa học qua đồ chơi dân gian bằng các trải nghiệm thực và ảo.

Nguyễn Liên