Mục tiêu này cũng thể hiện tham vọng lớn hơn của Việt Nam nhằm nâng cao vị thế quốc tế thông qua các quan hệ đối tác chiến lược, tăng trưởng kinh tế và khả năng ngoại giao linh hoạt. Quan trọng hơn, Hà Nội hiện đã sẵn sàng dẫn đầu khối sau 3 thập kỷ hội nhập, gìn giữ và phát huy phương thức của ASEAN.
Những thay đổi địa chính trị toàn cầu gần đây đã buộc Hà Nội phải có tầm nhìn xa hơn trong các vấn đề quốc tế. Ban lãnh đạo Việt Nam đang thực hiện những cải cách quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động. Những cải cách trong nước sẽ rất quan trọng để Việt Nam định hình chính sách ngoại giao phù hợp trong một thế giới đa cực.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII năm 2021, Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) đặt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Trước khi đạt được mục tiêu này, mọi nỗ lực sẽ hướng tới mục tiêu trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030.
Các mối quan hệ kinh tế của Việt Nam trong ASEAN đang tăng trưởng đều đặn. Thương mại với Indonesia đã vượt 14 tỷ USD vào năm 2023, khi cả hai nước đều nỗ lực hợp tác trong các lĩnh vực mới như xe điện, nền kinh tế số và đổi mới công nghệ. Thương mại của Việt Nam với Singapore đạt 9 tỷ USD, đưa Singapore trở thành nhà đầu tư quan trọng tại Việt Nam trong nhiều lĩnh vực như bất động sản, năng lượng tái tạo...
Ngoài lĩnh vực thương mại, Việt Nam, Indonesia và Singapore cũng chia sẻ cam kết về chủ nghĩa đa phương và ổn định khu vực. Ba nước có cùng quan điểm trong cách tiếp cận về các vấn đề chính như Biển Đông, ủng hộ một bộ quy tắc ứng xử thực tế và hiệu quả để đảm bảo hòa bình và ổn định trong khu vực. Việt Nam đã nhấn mạnh vai trò là một bên ổn định, với khả năng hợp tác với các cường quốc trong khi vẫn duy trì vị thế trung tâm của ASEAN.
Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm đang thăm Indonesia và Singapore để củng cố quan hệ và mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực quan trọng như thương mại, công nghệ và chuyển đổi số.
Những nỗ lực của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam hoàn toàn phù hợp với chính sách ngoại giao linh hoạt và cân bằng để xây dựng quan hệ thân thiết và đa dạng hóa các đối tác thương mại.

Với khát vọng vươn tầm ra ngoài khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đang tăng cường hợp tác với các cường quốc toàn cầu, bao gồm Mỹ và Trung Quốc; đồng thời tăng cường hợp tác kinh tế và quốc phòng để cân bằng các lợi ích chiến lược. Châu Âu cũng đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng phạm vi tiếp cận toàn cầu của Việt Nam. Khi Việt Nam tìm cách tăng cường dấu ấn toàn cầu, việc tận dụng mối quan hệ với cả khối kinh tế phương Tây và phương Đông sẽ rất quan trọng để duy trì tăng trưởng dài hạn và ổn định địa chính trị.