Việt Nam không còn là 'thiên đường' nhân công giá rẻ?

Doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam bởi nguồn lao động dồi dào và nhân công giá rẻ, tuy nhiên, đó dường như là chuyện của nhiều năm về trước.

Dạo quanh một vòng tại khu công nghiệp Đồng Văn (thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam), dễ dàng nhận thấy, trên tường, cổng của hầu hết các doanh nghiệp đều đang treo biển tuyển lao động, với mức lương thỏa thuận. Có doanh nghiệp còn ghi thẳng mức lương không hề thấp là từ 8 - 12 triệu đồng/người/tháng.

Theo chị Trần Hải Yến, cán bộ nhân sự Công ty TNHH Leo Jins Việt Nam, hơn 4 tháng nay, doanh nghiệp liên tục tuyển nhân sự với mức lương, thưởng, thu nhập và các chế độ cao hơn nhiều so với năm 2021

nlntv-e2c00f44fc8cfe45fb543aab32de03d3-1652228015.jpg
Treo biển nhiều tháng nay với mức chi trả cho người lao động từ 7-10 triệu đồng nhưng Công ty TNHH Leo Jins Việt Nam vẫn chưa tuyển đủ lao động.

Để khuyến khích người lao động đến nộp hồ sơ dự tuyển, đơn vị này đã ghi thẳng lên biển tuyển dụng nội dung “Công nhân may có tay nghề, nhận ngay 200.000 đồng sau 30 phút đến kiểm tra tay nghề”. Tuy nhiên, nhiều ngày qua vẫn không thấy bóng dáng người nào đến ứng tuyển.

“Chúng tôi rất cần tuyển hơn 300 lao động và đã tìm mọi cách thu hút nhân sự như treo bảng ngoài cổng, đưa thông tin tuyển dụng lên facebook, zalo, website và nhờ cả công ty tuyển dụng hỗ trợ với mức lương 7-10 triệu đồng/người/tháng nhưng vẫn chưa tìm được bất cứ ai”, chị Yến nói.

Một doanh nghiệp khác là Công ty TNHH Dosung Vina chuyên sản xuất linh kiện điện tử cũng treo bảng tuyển lao động thời vụ đi làm ngay, độ tuổi từ 18-45, thu nhập từ 8-12 triệu đồng, làm ca ngày, ca đêm và được hỗ trợ 100% hai bữa ăn, đồng thời công ty cũng không thu bất cứ khoản phí nào đối với nhân sự tuyển dụng.

nlntv-ee655d448b6a5b98133892619acd8dfb-1652228493.jpg
Công ty giày Thượng Đình (chi nhánh Hà Nam) gặp nhiều khó khăn khi tuyển nhân sự.

Anh Nguyễn Văn Đức, cán bộ nhân sự của doanh nghiệp cho biết, khi dịch bệnh bớt căng thẳng, đơn hàng từ nước ngoài về nhiều, công ty cần nhiều nhân lực để đẩy mạnh sản xuất. Để tuyển người, công ty đã đưa ra mức lương cơ bản là 5 triệu đồng, hỗ trợ 1 triệu tiền xăng xe, điện thoại/tháng và 2 bữa ăn. Nếu công nhân có nguyện vọng làm tăng ca, tổng thu nhập có thể lên đến 10 triệu đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp sẽ phát quần áo đồng phục, người lao động chưa biết việc sẽ được đào tạo miễn phí.

“Mặc dù đưa ra cơ chế hấp dẫn như thế nhưng chúng tôi vẫn rất khó khăn khi tuyển lao động. Ngoài ở Hà Nam, doanh nghiệp cũng cần tuyển người cho nhà máy trong khu công nghiệp ở Bắc Ninh và Đông Anh (Hà Nội). Chúng tôi đã phải nhờ đến công ty môi giới việc làm tuyển hộ và chi trả kinh phí 500.000 đồng/lao động khi vào làm việc chứ không để người lao động chi trả. Tuy nhiên, đến nay sau hơn 3 tháng cũng chỉ tuyển được hơn 20 người”, anh Đức nói.

Tương tự, đại diện nhiều doanh nghiệp ở các địa phương khác cũng kêu ca đang thiếu nhân công trầm trọng, việc tuyển người ngày càng khó, dù chi phí trả không hề rẻ.

“Chúng tôi chấp nhận trả mức thu nhập 8-12 triệu đồng/người/tháng để tuyển hơn 400 công nhân cho sản xuất, chế biến thủy sản xuất khẩu nhưng vẫn không tuyển dụng được. Nguyên nhân là ngày càng có quá nhiều doanh nghiệp, khu công nghiệp mở ra khiến lượng cung nhiều còn nguồn cầu thì ít”, ông Nguyễn Văn Kịch, Chủ tịch HĐQT Công ty thủy sản Cafatex Hậu Giang nói.

Vì thiếu lao động và tuyển người rất khó nên nhiều công ty đã buộc phải “vơ bèo vạt tép”, chấp nhận tuyển lao động ở nhiều độ tuổi, miễn là có sức khỏe để có thể đi làm được với mức thu nhập hấp dẫn.

Đại diện nhiều doanh nghiệp nhận xét, giá nhân công ở Việt Nam hiện không còn lợi thế là rẻ như trước đây. Bằng chứng là dù mức chi trả của doanh nghiệp không hề thấp nhưng vẫn không hấp dẫn được lao động. 

“Hiện nay, người lao động có quyền lựa chọn công ty, lựa chọn công việc để làm và thậm chí đặt yêu cầu về mức thu nhập. Bây giờ người lao động tự lựa chọn công ty chứ không phải công ty đặt ra yêu cầu đối với người lao động nữa”, anh Trần Văn Lâm, cán bộ nhân sự Công ty giày Thượng Đình (Hà Nội) nói.

Thừa nhận thực tế này, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhận xét, kinh phí chi trả cho người lao động ở Việt Nam không còn rẻ như trước, nhất là những lao động lành nghề. Ví dụ, thu nhập bình quân của thợ hồ cũng đạt 260.000 - 300.000 đồng/ngày, còn của thợ xây từ 400.000 - 500.000 đồng/ngày, tùy thuộc vào tay nghề.

nlntv-ec6418878f1d2e869a7636ddfce181a6-1652228349.jpg
Chi phí cho lao động ở Việt Nam ngày càng đắt đỏ. (Ảnh minh họa: Tin nhanh chứng khoán)

Ông Doanh cũng dẫn lại đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) về chi phí nhân công ở Việt Nam làm việc trong các doanh nghiệp hiện không còn rẻ so với các nước trong khu vực từ hơn 1 năm trước, khi mà dịch COVID-19 chưa bùng phát. Theo đó tiền công và tiền lương của doanh nghiệp chi trả cho người lao động Việt Nam có tay nghề trung bình ở mức khoảng 2.800 - 3.500USD/lao động/năm, cao gấp đôi so với Lào, Myanmar, Malaysia và hơn khoảng 30 - 45% so với Campuchia, Thái Lan, Philippines.

Mức chi trả trên có thể cho thấy, thị trường lao động Việt Nam không còn chiếm ưu thế áp đảo về giá rẻ và dồi dào nữa, việc tuyển dụng lao động cũng không còn đơn giản như trước đây.

“Do vậy, các doanh nghiệp cần chủ động đào tạo, nâng cao năng suất của lao động và hiệu suất kinh doanh. Ngoài ra, cần tích cực chuyển đổi số, ứng dụng máy móc thay thế lao động giản đơn trong bối cảnh cạnh tranh lao động gay gắt giữa các doanh nghiệp và giá nhân công ở Việt Nam không còn rẻ như trước”, ông Doanh khuyến cáo.