Việt Nam góp tiếng nói, chung tay xóa bỏ lao động trẻ em

Hiện có hơn 160 triệu trẻ em trên toàn cầu đang phải tham gia lao động, trong khi hơn một nửa trong số đó ở độ tuổi từ 5 đến 11, theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF).

nam-quoc-te-ve-xoa-bo-lao-dong-tre-em-2021-xa-hoi-nay-khong-co-cho-cho-lao-dong-tre-em-ton-tai-1652670198.jpg

Lần đầu tiên sau 20 năm, lao động trẻ em có xu hướng gia tăng trong khi thế giới chỉ còn 3 năm để đạt được mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, trong đó kêu gọi xóa bỏ mọi hình thức lao động trẻ em vào năm 2025 (Ảnh minh họa)

Ngày 15/5, hội nghị toàn cầu lần thứ 5 về xóa bỏ lao động trẻ em chính thức khai mạc tại thành phố cảng Durban, tỉnh KwaZulu-Natal, Nam Phi. Đây là lần đầu tiên hội nghị được tổ chức tại một nước châu Phi với nỗ lực hợp tác giữa Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Bộ Việc làm và Lao động Nam Phi.

Đoàn đại biểu Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà dẫn đầu, sẽ có bài phát biểu về tầm quan trọng của giáo dục đối với xóa bỏ lao động trẻ em.

Theo ILO, lao động trẻ em là công việc “tước đi tuổi thơ, tiềm năng và phẩm giá của trẻ em và có hại cho sự phát triển thể chất và tinh thần”. Lần đầu tiên sau 20 năm, lao động trẻ em có xu hướng gia tăng trong khi thế giới chỉ còn 3 năm để đạt được mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, trong đó kêu gọi xóa bỏ mọi hình thức lao động trẻ em vào năm 2025.

Báo cáo mới nhất của ILO với UNICEF cho thấy hiện có hơn 160 triệu trẻ em trên toàn cầu đang phải tham gia lao động, trong khi hơn một nửa trong số đó ở độ tuổi từ 5 đến 11. Con số này đã tăng thêm 8,4 triệu trẻ em chỉ trong vài năm qua. Số liệu của tổ chức toàn cầu này cho thấy lao động trẻ em xuất hiện nhiều nhất trong lĩnh vực nông nghiệp, chiếm tỷ lệ đến 70%. Ông Ryder cho biết: “Châu Phi là lục địa đang cần và từ đó các giải pháp cho thách thức lao động trẻ em toàn cầu sẽ xuất hiện”.

Phát biểu tại hội nghị, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa nhấn mạnh nghèo đói, thiếu khả năng tiếp cận với nền giáo dục chất lượng, thiếu bảo trợ xã hội (trợ cấp và hỗ trợ chăm sóc trẻ em) và di cư là những thách thức khiến các gia đình rơi vào "tình thế khó khăn". Do đó, dự kiến sẽ có khoảng 8,9 triệu trẻ em bị cưỡng bức lao động vào cuối năm nay do những tác động của đại dịch COVID-19, vốn đã và đang làm sâu sắc thêm đói nghèo, bất bình đẳng và kém phát triển trên toàn thế giới. Theo ông, điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến tiến độ xóa bỏ lao động trẻ em vào năm 2025.

Châu Phi là khu vực có tỷ lệ lao động trẻ em cao nhất thế giới. Trên 1/3 số trẻ em trong độ tuổi từ 5 đến 14 phải làm những công việc nặng nhọc. tại châu Phi, có khoảng 50 triệu trẻ em mồ côi cha, mẹ hoặc cả hai, trong đó gần 15 triệu trẻ mồ côi là do bệnh AIDS đã cướp đi cha mẹ chúng. Một vài trẻ em trong số đó đã buộc phải sống tự lập với rất ít hoặc không có sự trợ giúp nào của người lớn.

Bởi vậy, để tạo ra sự khác biệt cho cuộc sống của các lao động trẻ em trên toàn thế giới, đặc biệt ở khu vực châu Phi, chính quyền các nước cần có sự thấu hiểu và hỗ trợ thích hợp để tạo nền tảng, môi trường bảo vệ trẻ em tốt hơn trong gia đình và cộng đồng.

Trước đó, tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) diễn ra ở Davos (Thụy Sĩ) vào năm 2020, các đại biểu cũng đã đề xuất nhiều giải pháp cho những thách thức trọng tâm của "Lục địa Đen", trong đó có vấn đề sử dụng lao động trẻ em.

Theo các chuyên gia, trẻ em châu Phi không được tiếp cận các nguồn lực học tập như các bạn đồng trang lứa ở các nước phát triển, dẫn đến giảm khả năng cạnh tranh trong thời đại số. Giải pháp được đưa ra là thúc đẩy đầu tư vào giáo dục, trong đó có các dự án truyền đạt kỹ năng mới cho trẻ. Bạo lực và nghèo đói là một phần lý do khiến trẻ em tại châu Phi phải bỏ nhà cửa để tìm nơi an toàn. Hạn chế, tiến tới loại bỏ các nguyên nhân sử dụng lao động trẻ em sẽ giúp giảm tình trạng di cư, qua đó đưa kinh tế lục địa này thoát khỏi sự trì trệ.

Dự kiến hội nghị sẽ kết thúc vào ngày 20/5 với việc thông qua Kêu gọi Hành động Durban về xóa bỏ lao động trẻ em, nhằm mục đích tạo ra một cam kết mới và tăng tốc giữa các chính phủ và các bên liên quan khác hướng tới xóa bỏ lao động trẻ em vào năm 2025. Đây cũng là sự kiện chuẩn bị cho Ngày nhận thức toàn cầu về lao động trẻ em vào ngày 12/6.
H.N (T/H)