Thời điểm này, các tỉnh, thành phố trên cả nước đã công bố phương án tuyển sinh lớp 10 năm học 2023-2024 với 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ. Đa số các địa phương này đều quy định điểm số bài thi môn Toán, Ngữ văn nhân hệ số 2, bài thi Ngoại ngữ nhân hệ số 1.
Tuy nhiên, cách tính điểm này nhận nhiều quan điểm trái chiều, trong đó nhiều ý kiến cho rằng đây là cách tính điểm cũ không còn phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới.
Trên một số diễn đàn giáo dục, nhiều phụ huynh bày tỏ quan điểm lo ngại học sinh sẽ học lệch hai môn Toán và Ngữ văn.
Phụ huynh Đinh Quỳnh Nga cho rằng: “Việc nhân hệ số 2 môn Toán, Ngữ văn là cách tính điểm cũ. Ba môn nên tính hệ số 1, lấy công bằng cho các con”.
Một phụ huynh khác có tên Lê Ngọc Hưng chia sẻ: “Ở thời đại 4.0, giá trị và vị thế các môn học là ngang nhau. Cách tính điểm nên bình đẳng giữa các môn, nhân đôi hệ số rõ ràng thể hiện coi trọng môn Toán và Ngữ văn hơn môn Ngoại ngữ”.
Không riêng phụ huynh, nhiều chuyên gia, giáo viên cũng cho rằng, cách tính điểm này hiện không còn phù hợp, dẫn tới tâm lý môn chính – môn phụ, thiếu công bằng.
Thầy Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GDĐT) cũng cho rằng không nên nhân đôi điểm số môn Toán và Ngữ văn.
Cách tính điểm môn Toán, Ngữ văn có thể tạo ra cảm giác học sinh chỉ cần học tốt 2 môn chính (vì nhân hệ số) còn môn kia không quan trọng. Nhưng trong thực tế đã có trường hợp học sinh học rất giỏi môn tiếng Anh nhưng lại bị điểm kém môn Toán, nên vẫn bị trượt tốt nghiệp và trượt cả vào trường công lập.
Bên cạnh đó, dù có nhân hệ số hay không thì nguyên tắc xét tuyển của các trường là lấy điểm từ cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu. Do vậy việc có nhân hệ số hay không cũng không ảnh hưởng gì nhiều đến việc tuyển sinh bởi chỉ tiêu đã được ấn định trước khi thi.
TS Hoàng Ngọc Vinh nhấn mạnh rằng, quốc gia nào phát triển tốt giáo dục phổ thông sẽ không ngần ngại trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, bởi khi có nền tảng văn hóa, việc cập nhật kiến thức sẽ rất nhanh và bền vững.
Đồng quan điểm, Cô Nguyễn Mỹ Hảo, giáo viên Trường THCS Nghĩa Tân, Cầu Giấy, cho rằng hiện nay việc nhân đôi điểm của 2 môn Toán và Ngữ văn trong các kỳ thi đã không còn phù hợp. Trong xã hội hiện đại, ngoại ngữ đã trở nên rất phổ biến và quan trọng. Thậm chí một số trường ĐH đã xét tuyển thẳng nếu học sinh có bằng IELTS 6.5 trở lên.
Học sinh muốn đạt loại giỏi thì điểm trung bình các môn phải đạt yêu cầu. Việc nhân đôi hệ số môn Toán và Ngữ văn khiến học sinh chỉ tập trung 2 môn đó trong khi các môn khác lại xem nhẹ. Với sự phát triển của xã hội thời đại 4.0, mức độ quan trọng của các môn học là ngang nhau, thậm chí Ngoại ngữ còn được ưu tiên hơn vì xu hướng phát triển toàn cầu. Chính vì thế cách tính điểm nên bình đẳng giữa các môn, việc nhân đôi hệ số rõ ràng thể hiện coi trọng môn Toán và Ngữ văn hơn môn Ngoại ngữ.
Cô Nguyễn Phương Ly, giáo viên môn Tiếng Anh bậc THCS tại Hải Dương chia sẻ, việc học ngoại ngữ ngày càng quan trọng. Chính phủ đã ban hành đền án ngoại ngữ quốc gia để các địa phương tập trung đầu tư, biến ngoại ngữ thành thế mạnh. Hiện trong thông tư về cách đánh giá, xếp loại học sinh bậc trung học cũng đề cao vai trò của môn Ngoại ngữ cùng với Văn, Toán là tiêu chí để xếp loại học lực. Học sinh muốn đạt điểm giỏi phải có điểm trung bình các môn từ 8 điểm trở lên, không có môn nào dưới 6,5 và điểm trung bình của 1 trong 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ từ 8 trở lên.
Ngoại ngữ được coi là “chìa khóa” để hội nhập trong bối cảnh toàn cầu hóa, hay gần hơn, trong công tác xét tuyển đại học, các trường đều rất chú trọng đến đầu vào ngoại ngữ của sinh viên.
Chính vì thế, theo các chuyên gia, đã đến lúc ngành giáo dục cần thay đổi cách tính điểm của kỳ tuyển sinh vào lớp 10. Theo đó, tính theo hệ số 1 tất cả các môn thi tuyển nhằm đảm bảo đảm công bằng, bình đẳng giữa các bộ môn. Việc này cũng nhằm đánh giá được năng lực của học sinh, giúp cho việc tuyển sinh vào 10 được chính xác nhất, phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới.