Tư tưởng chính trị Nhân dân và Nghệ thuật Chiến tranh Nhân dân của Trần Quốc Tuấn (Phần 3 và hết)

Đinh Thảo
Trần Quốc Tuấn sinh năm 1228, giữa buổi họ Trần vừa thay thế nhà Lý làm vua, khi đất nước đang trong vòng đói kém, loạn ly và nguy cơ ngoại xâm đe dọa. Cuộc đời Ông trải một lần gia biến, ba lần quốc nạn, nhưng tất cả như mài rũa, tôi luyện và làm tỏa sáng tư tưởng, khí phách và nhân cách của một bậc hiền tài của muôn đời. Tư tưởng và hành động của Ông là một trong những cội rễ không chỉ góp phần quyết định những chiến công vang dội chống giặc ngoại xâm, bảo vệ nguyên vẹn bờ cõi của dân tộc mà còn làm rực sáng và vẻ vang một nền chính trị quân chủ nhân nghĩa, thân Dân của triều đại nhà Trần lúc thịnh trị trong toàn bộ dòng chảy tư tưởng chính trị Việt Nam.
tran-quoc-tuan-1698981599.jpg
Tư tưởng chính trị Nhân dân và Nghệ thuật Chiến tranh Nhân dân của Trần Quốc Tuấn (Ảnh minh họa: Internet)

Nhất quán với tư tưởng chính trị lòng dân không chia, cả nước góp sức, Trần Quốc Tuấn đã tạo ra một thế trận khiến cho giặc Nguyên Mông bị đánh khắp nơi, cả phía trước lẫn phía sau. Đó chính là sự phôi hợp tác chiến giữa những trận tập kích lẻ tẻ của các đội dân binh của Trần Thông, Nguyễn Khả Lạp, Nguyên Truyền ở xuôi và của Hà Đặc, Hà Chương, Nguyễn Địa Lô, Nguyễn Lĩnh... ở miền núi. Sự gần gũi trên đã tạo nên mối quan hệ ‘hòa mục’, đoàn kết giữa vua quan và nhân dân, giữa tướng lĩnh và binh lính, được nhân dân hết lòng ủng hộ, giúp sức. Tư tưởng tiến bộ này được sử gia Phan Huy Chú đánh giá rất cao: "Thời Trần dùng được, chứ không câu nệ đường xuất thân" (8). Thế trận trùng trùng điệp điệp được giăng khắp, làm cho kẻ thù khiếp sợ, mất phương hướng và thất bại đến với chúng là không tránh khỏi.

Trong lúc vận mệnh đất nước hiểm nguy, dưới sự lãnh đạo của vua tôi nhà Trần, mỗi người dân Đại Việt đã đóng góp công sức vào việc giữ vừng nền độc lập của đất nước. Tư tưởng dựa vào Dân để đánh giặc đã trở thành nền tảng cho một cuộc chiến tranh nhân dân, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc. Nhờ vậy, một nước Đại Việt, đất không rộng, người không đông nhưng đã ba lần đánh tan đội quân Nguyên Mông xâm lược, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền của đất nước. Và, sau này, Nhà Bác học Lê Quý Đôn nhận xét: "Nhà Trần đãi ngộ sĩ phu rộng rãi mà không bó buộc, hòa nhã mà có lễ độ, cho nên nhân vật trong một thời có khí tự lập, hào hiệp cao siêu, vững vàng vượt qua thói thường, làm rạng rõ trong sử sách, trên không hổ với trời, dưới không thẹn với đất. Ôi như thế, người đời sau còn có thể theo kịp thế nào được" (9). Và, Sử gia Ngô Sĩ Liên cho rằng: “May mà vua tôi cùng lo, quân dân chung sức, cuối cùng diệt trừ được giặc Bắc và hoàn thành võ công đại định” (10)

Năm 1300, Trần Quốc Tuấn ốm nặng, vua Trần tới thăm và hỏi ông về kế sách giữ nước. Trần Quốc Tuấn đúc kết kinh nghiệm trong suốt cuộc đời đánh giặc giữ nước của mình một cách súc tích: “Ngày xưa Triệu Vũ dựng nước, vua Hán cho quân đánh, nhân dân làm kế thanh dã, đại quân ra Khâm Châu, Liêm Châu đánh vào Trường Sa, còn đoản binh thì đánh úp phía sau. Đó là một thời. Đời Đinh, Lê dùng được người tài giỏi, đất phương Nam mới mạnh mà phương Bắc thì mệt mỏi suy yếu, trên dưới một dạ, lòng dân không lìa, xây thành Bình Lỗ mà phá được quân Tống. Đó lại là một thời. Vua Lý mở nền, nhà Tống xâm phạm địa giới, dùng Lý Thường Kiệt đánh Khâm, Liêm đến tận Mai Lĩnh là vì có thể. Vừa rồi Toa Đô, ở Mã Nhi bốn mặt bao vây. Vì vua tôi đồng tâm, anh em hòa mục, cả nước nhà sân sức, giặc phải bị bắt. Đó là trời xui nên vậy. (11)

Một trong những yếu tố then chốt cho việc xây dựng và bảo vệ đất nước là đoàn kết dân tộc trên cơ sở “hòa mục”. Muốn vậy, trong thời bình, lực lượng cầm quyền phải giảm nhẹ sức đóng góp cho Nhân dân, chăm lo đời sống của Nhân dân. Chỉ khi lo liệu cho Nhân dân an cư lạc nghiệp, sông no âm trong thời bình thì trong thời chiến nhà nước mới có thể đứng vững như cây có rễ sâu, dựa vào sức dân để mà tổ chức cuộc chiến tranh cứu nước thắng lợi. Một nhà nước mà được sự ủng hộ hết lòng của Nhân dân thì không kẻ thù nào đánh bại được.

Hơn nữa, tư tưởng “lấy dân làm gốc” của Trần Quốc Tuấn: Dựa vào dân để xây nghiệp dài lâu. Đây là đạo lý giữ nước, giữ chế độ ngàn đời nay không chỉ của riêng dân tộc Việt Nam mà của tất cả các dân tộc trên thế giới. Bởi vì có dân là có tất cả, mà mất lòng dân thì sẽ mất tất cả vậy. Và, tài nghệ quân sự tuyệt vời của Trần Quốc Tuấn trên nền tảng tư tưởng làm nên hình thái chiến tranh nhân dân đã góp phân quyết định trong công cuộc đại phá Nguyên của quân dân Đại Việt ở thế kỷ XIII, đặt nền móng xây dựng và phát triển khoa học quân sự Việt Nam.

Tư tưởng đó là sự chiêm nghiệm về lịch sử thăng trầm hàng ngàn năm của dân tộc ta, trực tiếp là ba lần kháng chiến chống tên đế quốc hùng mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ. Đây cũng được coi là bài học lịch sử không chỉ có ý nghĩa đương thời, mà còn để lại cho hậu thế.

Chính vì tài nghệ và những công lao to lớn đó mà Trần Quốc Tuấn được các học giả quân sự nổi tiếng thế giới xếp vào danh sách những nhà quân sự tài ba của thế giới cùng với Nguyễn Huệ - Quang Trung và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Và, đánh giá về Ông, ngay cả người ngoại quốc cũng viết: “Địa chuyển ngã Việt chủng cư Bắc phương, Âu châu cảnh nội vô Mông kỵ tung hoành thiên vạn lý/ Thiên sinh thử lương tài ư Tống thất, Trung Quốc sử tiền miễn Nguyên triều đô hộ nhất bách thiên”.

(Nghĩa là: Đất mà hoán chuyển cho người Việt lên ở phương Bắc, thì ngựa Mông Cổ không thể nào tung hoành ngàn vạn dặm đất Châu Âu - Trời mà sinh đấng lương tài này (tức Trần Hưng Đạo – N.L) trên đất Tống thì lịch sử Quốc không có chuyện bị Nguyên triều cai trị 100 năm).

Thiển nghĩ, lời ca ngợi như thế là tột đỉnh của sự ca ngợi.

Nhưng, ở đây, không phải của người đương thời mà là của những người hậu thế. Và, những lời ấy là của ngay chính người Trung Hoa vậy.

Thay cho lời gói lại bản tham luận, chỉ xin đề một câu: Ông ôm chứa một tấm lòng son thân Dân, hòa trong Nhân dân, tư tưởng ấy muôn đời xán lạn chiếu sử xanh!

25-10-2022


(8) Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1977, tr.98.

(9) Lê Quý Đôn toàn tập: Kiến văn tiểu lục, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1977, t.II, tr.258-259.

(10) Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên: Đại việt sử ký toàn thư, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993, quyển V, tr.28.

(11) Đại việt sử ký toàn thư, Sđd, tập II, tr.76-77

TS. Nhị Lê (Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản)