Từ ngày 1/7, Lương cơ sở tăng sẽ kéo theo sự thay đổi của thuế thu nhập cá nhân

Đinh Thảo
Từ ngày 1/7/2023, mức lương cơ sở sẽ tăng từ 1,49 lên 1,8 triệu đồng/tháng (thêm 20,8%). Thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức sẽ đều tăng. Điều này sẽ khiến thu nhập chịu thuế và các mức đóng thuế thu nhập cũng sẽ tăng theo.
tien-luong-1677232295.jpeg
Người có thu nhập từ 11 triệu đồng/tháng trở lên phải đóng thuế TNCN (Ảnh: Báo Quân đội Nhân dân)

Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi 2012 quy định người lao động có thu nhập mức lương trên 11 triệu đồng/tháng và không có người phụ thuộc mới phải nộp thuế. Mức giảm trừ gia cảnh năm 2023 được thực hiện căn cứ theo Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14. Cụ thể: Mức giảm trừ gia cảnh đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm). Mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.

Còn theo nội dung được quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 38/2019/NĐ-CP, lương cơ sở là căn cứ để tính mức lương trong các bảng lương, tính phụ cấp, hoạt động phí, sinh hoạt phí và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật.

Thuế TNCN dựa trên tiền công, tiền lương của người làm công ăn lương với 7 bậc đánh thuế, thấp nhất 5% và cao nhất 35%. Sau khi giảm trừ gia cảnh, mức thuế các bậc gồm: Thu nhập từ 5 triệu đồng/tháng trở xuống mức thuế 5%; từ 5-10 triệu đồng/tháng mức thuế 10%; trên 10-18 triệu đồng mức 15%; từ 18-32 triệu đồng nộp thuế 20%; từ 32-52 triệu đồng nộp thuế 25%; từ 52-80 triệu đồng nộp thuế 30% và trên 80 triệu đồng nộp thuế 35%.

Như vậy, sau khi tăng lương cơ sở, những người có thu nhập vượt mức 11 triệu đồng/tháng (không giảm trừ gia cảnh) bắt đầu phải nộp thuế TNCN. Những người ở bậc thuế trên, căn cứ vào thu nhập thực tế để áp mức thuế TNCN phải nộp.

Theo nội dung được quy định tại khoản 1 Điều 7 Thông tư 111/2013/TT-BTC, công thức tính thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức được xác định như sau:

Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế - Khoản giảm trừ

Trong đó, các khoản giảm trừ bao gồm: Khoản giảm trừ gia cảnh; khoản đóng bảo hiểm, quỹ hưu trí tự nguyện; Các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học.

Xét trường hợp các khoản giảm trừ không thay đổi thì mức thu nhập tính thuế của cán bộ, công chức, viên chức sẽ tăng lên. Do đó, mức đóng thuế thu nhập cá nhân của cán bộ, công chức, viên chức cũng sẽ tăng.

Theo Bộ Nội vụ, có 9 nhóm đối tượng được tăng lương, gồm: Cán bộ, công chức từ Trung ương đến cấp huyện; cán bộ, công chức cấp xã; viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập; người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và lực lượng vũ trang; người làm việc trong chỉ tiêu biên chế trong các hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động; Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ và công nhân, viên chức quốc phòng thuộc Quân đội Nhân dân Việt Nam; sĩ quan, hạ sĩ quan hưởng lương, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ, công nhân công an thuộc Công an Nhân dân và người làm việc trong tổ chức cơ yếu.

Như vậy, 9 nhóm đối tượng này sẽ căn cứ trên mức thu nhập thực nhận để tính tỷ lệ đóng thuế TNCN.

Phương Thảo - TH