Chuẩn tiếng Anh sơ tuyển - một phần chiến lược quốc tế hóa giáo dục
Lần đầu tiên Trường ĐH Bách khoa (ĐHBK) - ĐH Quốc gia TP.HCM mở rộng phạm vi công nhận văn bằng tiếng Anh trong xét tuyển sang DET, bài thi tiếng Anh trực tuyến được nhiều ĐH lớn trên thế giới công nhận vì độ tin cậy và chính xác của kết quả thi, tính linh hoạt và nhanh gọn trong việc đăng ký, làm bài và nhận kết quả thi.
Các chứng chỉ khác được công nhận tương đương gồm IELTS ≥ 4.5, TOEFL iBT ≥ 34, TOEIC nghe - đọc ≥ 400 và nói - viết ≥ 200.
Đây là một trong các điểm mới trong tuyển sinh năm 2022 vào các chương trình đào tạo ĐH chính quy giảng dạy bằng tiếng Anh Chất lượng cao, Tiên tiến (gọi chung và viết tắt là CTCLC-TT) của nhà trường. Theo đó, thí sinh (TS) phải đạt điều kiện tiếng Anh sơ tuyển thì mới được đăng ký nguyện vọng vào CTCLC-TT trên cổng tuyển sinh của Bộ Giáo dục - Đào tạo từ ngày 22.7 đến 20.8.
Việc đề ra chuẩn tiếng Anh sơ tuyển cho CTCLC-TT là một phần trong chiến lược quốc tế hóa giáo dục của Trường ĐHBK nhằm đáp ứng nhu cầu của ba bên: nguồn nhân lực trình độ cao và giỏi ngoại ngữ cho xã hội; đa dạng hóa lựa chọn học tập cho TS và nâng cao năng lực cạnh tranh cho sinh viên Trường ĐHBK khi tốt nghiệp; tăng uy tín thương hiệu của nhà trường trên phạm vi quốc tế. Nhà trường đã nỗ lực truyền thông điểm mới này đến TS từ cuối năm 2021.
Tiến sĩ Đặng Đăng Tùng - Giám đốc Văn phòng Đào tạo Quốc tế, Trường ĐHBK - cho biết: “CTCLC-TT được giảng dạy tại Trường ĐHBK từ năm 2007. Qua từng năm, ngày càng có nhiều TS nhận thức được tầm quan trọng của ngoại ngữ và đã sớm trang bị nhằm sẵn sàng cho việc học ĐH. Giai đoạn 2019-2021, số lượng TS đạt chuẩn tiếng Anh chính thức IELTS 6.0 ngay khi trúng tuyển CTCLC-TT đạt 40-44%.
Chủ động nắm bắt thông tin sơ tuyển tiếng Anh trong quá trình tìm hiểu ngôi trường ĐH mơ ước, Nguyễn Hồng Ngân - học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP.HCM) - quyết định chọn thi DET và đã đạt được 115 điểm. “Bài thi DET đòi hỏi tốc độ phản xạ nhanh trong khi mình là đứa rất chậm. Tuy nhiên sau vài lần thi thử thì mình cũng dần quen. Bạn nào từng học IELTS rồi thì chỉ cần ôn lại kiến thức là thi DET được” - Ngân chia sẻ.
Nhà trường thông tin thêm, TS có nguyện vọng dự tuyển CTCLC-TT cần cập nhật chứng chỉ tiếng Anh lên cổng tuyển sinh của nhà trường trước 17g ngày 18.7. Nếu chưa có chứng chỉ đạt chuẩn sơ tuyển, TS khẩn trương đăng ký thi DET với nhà trường để được hỗ trợ kịp thời.
Phương thức kết hợp: Học lực thôi là chưa đủ
Năm 2022, Trường ĐHBK thay thế hai phương thức xét tuyển riêng lẻ dựa trên điểm thi ĐGNL và Tốt nghiệp THPT bằng phương thức xét tuyển kết hợp nhiều tiêu chí. Trong đó trọng số điểm của tiêu chí học lực chiếm 90%, còn lại dành cho tiêu chí thành tích cá nhân, tiêu chí hoạt động xã hội và văn - thể - mỹ.
Phó giáo sư, tiến sĩ Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường lý giải: “Thông qua tiêu chí hoạt động xã hội và văn - thể - mỹ, chúng tôi hiểu rõ TS là ai, quan tâm điều gì và có thể đem tới những giá trị gì cho ngôi trường mà TS dự tuyển”.
Đối với tiêu chí học lực, Trường ĐHBK xem xét dựa trên ba thành tố: điểm thi Đánh giá năng lực (ĐGNL), điểm thi Tốt nghiệp THPT, kết quả học tập THPT với trọng số lần lượt là 50-70%, 20-30%, 10-20%. Điều này có nghĩa, TS đạt kết quả thi ĐGNL càng cao thì càng có lợi thế trong xét tuyển.
Tổng chỉ tiêu dành cho phương thức kết hợp (ký hiệu K-HOP, mã 701) lên đến 75-90%.
Song song đó, Trường ĐHBK vẫn duy trì mục tiêu đảm bảo công bằng cho các nhóm đối tượng. Tiến sĩ Thắng cắt nghĩa: “Trường hợp TS không thể tham gia kỳ thi ĐGNL, Hội đồng tuyển sinh của nhà trường sẽ quyết định tỷ lệ thay thế điểm thi ĐGNL bằng điểm thi Tốt nghiệp THPT cũng như ngược lại đối với nhóm đối tượng được miễn thi Tốt nghiệp THPT”.
“Cụ thể tỷ lệ thay thế như thế nào thì nhà trường sẽ công bố khi nắm được toàn bộ hồ sơ nguyện vọng của TS sau ngày 20.8”, tiến sĩ Bùi Hoài Thắng nhấn mạnh.