PGS.TS Nguyễn Hoàng Long - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ GTVT cho biết, Trường Đại học Công nghệ GTVT là trường đại học công lập, trực thuộc Bộ GTVT có sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo hướng ứng dụng, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ phục vụ chiến lược phát triển ngành GTVT và các ngành kinh tế - xã hội khác cho đất nước.
PGS.TS Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh, với sự phát triển không ngừng của khoa học và công nghệ (KH&CN) gắn với đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số - đây là xu hướng của xã hội nói chung và lĩnh vực giáo dục nói riêng. Việc đổi mới sáng tạo và áp dụng công nghệ vào giáo dục có vai trò vô cùng to lớn, tạo nên nhiều bước ngoặt phát triển, mở ra nhiều phương thức giáo dục mới thông minh, hiệu quả hơn cho người học và người dạy trong môi trường giáo dục đại học thông qua công tác giảng dạy - nghiên cứu; khời nghiệp - hướng nghiệp; điều hành - quản trị đại học...
Thực hiện Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ và Đề án 844 về đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực GTVT do Bộ KH&CN giao cho Nhà trường chủ trì thực hiện, Trường Đại học Công nghệ GTVT đã tổ chức Hội nghị giới thiệu một số nghiên cứu ứng dụng công nghệ số có thể triển khai áp dụng trong lĩnh vực GTVT, đồng thời ra mắt hạ tầng công nghệ số để làm nền tảng cho hoạt động hỗ trợ dạy và học từ xa, ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập; số hóa tài liệu, giáo trình; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến với mong muốn từng bước tiệm cận với quản trị đại học số tiên tiến, hướng tới trường đại học thông minh vào năm 2045.
Theo PGS.TS Nguyễn Hoàng Long, nền tảng hạ tầng công nghệ số mà Nhà trường giới thiệu ra mắt là sản phẩm phối hợp giữa Trường và Tập đoàn Ai20X (Mỹ) nghiên cứu phát triển. Công nghệ số sử dụng thiết bị nền tảng ứng dụng của WENet và đối tác công nghệ WiFi Edge Computing - Relay2 ServiceEdge Platform với các ưu điểm vượt trội so với mạng wifi thông thường, điển hình có thể kể đến các tính năng như: phục vụ số lượng lớn người dùng với băng thông ổn định, tốc độ xử lý nhanh nhờ năng lực tính toán biên, khả năng cung cấp dịch vụ ngay cả khi không kết nối vào mạng Internet, chi phí vận hành tối ưu, giảm thiểu thời gian gián đoạn dịch vụ, thời gian triển khai tại vị trí nhanh, tránh ảnh hưởng các hoạt động khác. Nền tảng hạ tầng công nghệ số này được Trường Đại học Công nghệ GTVT triển khai thí điểm ứng dụng đầu tiên tại Việt Nam để từ đó nâng cấp ứng dụng phát triển trong lĩnh vực GTVT và các lĩnh vực khác.
Nêu bật các tính năng đã được ứng dụng vào thực tiễn tại Trường Đại học Công nghệ GTVT, TS. Đào Phúc Lâm - Viện Đổi mới Sáng tạo và Kinh tế số (Trường Đại học Công nghệ GTVT) cho biết, trong quá trình phát triển và thực hiện dự án Khuôn viên thông minh tại Trường, nền tảng công nghệ số đã được ứng dụng rất cụ thể và thiết thực như: đưa cùng một nội dung lên nhiều màn hình hiển thị; mọi thông báo về sắp xếp giờ dạy đều có trên màn hình máy tính của giảng viên; tuỳ biến nội dung thông báo theo từng thiết bị, theo từng khu vực; tương tác với nội dung thông báo trong cùng khu vực hoặc liên khu vực, đặc biệt là các thông báo giờ không chỉ 1 chiều, người xem hoàn toàn có thể truy cập vào nội dung thông báo để theo dõi và hoạt động tương tác.
Chia sẻ về sự hợp tác giữa Trường Đại học Công nghệ GTVT và Tập đoàn Ai20X, TS. Trí Hoàng - Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành Tập đoàn Ai20X cho biết, mỗi năm Tập đoàn Ai20X đã tiếp nhận, hỗ trợ kết nối với các chương trình ươm tạo khởi nghiệp tại thung lũng Silicon cho từ 5 -10 công ty khởi nghiệp của Việt Nam do Bộ Khoa học và Công nghệ giới thiệu. Tuy nhiên, làm thế nào để phát triển cho khởi nghiệp của Việt Nam tốt thì phải có một Trung tâm nghiên cứu và phát triển ở Mỹ và một công ty bên Mỹ. Vì vậy, Tập đoàn Ai20X muốn bắt đầu luôn bằng cách kêu gọi và khuyến khích các công ty khởi nghiệp được phát triển tại Mỹ và ngay tại Silicon Valley".
Theo TS. Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp KH&CN (Bộ KH&CN) thì kết nối các nguồn lực nhằm thu hút cá nhân, tổ chức tham gia hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ giao GTVT nằm trong Chương trình trọng điểm quốc gia triển khai chuỗi hoạt động của đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 (Đề án 844) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 với mục tiêu tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới; khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp lý hỗ trợ KNĐMST; thiết lập được Cổng thông tin KNĐMST quốc gia.
TS. Phạm Hồng Quất nhấn mạnh, với sự phát triển, bùng nổ của công nghệ, đặc biệt là mạng internet thì xu huớng "mở" trong đổi mới sáng tạo đem lại hiệu quả kinh tế rất rõ nét. Liên kết giữa tập đoàn, doanh nghiệp với start-up - viện - trường có thể cùng lúc giải quyết bài toán cho nhiều doanh nghiệp, qua đó, tiết kiệm được chi phí vận hành, nguồn nhân lực. Trên thực tế đã có những doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam được hình thành tại Mỹ và phát triển thành công tại Việt Nam. Hy vọng trong thời gian tới, với những sự hợp tác giữa Tập đoàn Ai20X và Trường Đại học Công nghệ GTVT có thêm nhiều hơn nữa những công ty khởi nghiệp của Việt Nam được chắp cánh thành công tại thung lũng Silicon.