Triển làm “AE” là kết quả của tình cảm anh em trân quý, của hai họa sĩ đến với nghề vì cái “nghiệp”, cái “duyên”. Nếu họa sĩ Đinh Quốc Vũ lựa chọn sáng tạo trên chất liệu tổng hợp thì người “anh em” - họa sĩ Nguyễn Quang Tùng lại yêu thích khai thác chất liệu sơn mài.
Họa sĩ Đinh Quốc Vũ thuộc thế hệ 7x. Phát triển nghệ thuật tại Đại học Mỹ thuật Việt Nam, ông đã có gần 20 năm hoạt động nghệ thuật không ngừng nghỉ. Đến với nghệ thuật vì cái nghiệp, hội họa và nghệ thuật chính là mục đích sống.
Những bức họa của họa sĩ Đinh Quốc Vũ đồng bộ từ cuộc sống tinh thần đến cách soi chiếu đầy sắc sảo. Khán giả có thể dễ dàng nhìn nhận Vũ đã tạo ra một con đường mới, không đi theo lối mòn. Chất ước lệ của Đinh Quốc Vũ cắt không gian, thời gian để đọng lại cái tâm hồn - cái tính khí như mơ, tinh nhẹ như sương, đầy lôi kéo dẫn dụ.
Với lối diễn hình thể và thí nghiệm sắc thái của sơn mài, Nguyễn Quang Tùng khéo léo bày ra cho người xem cái đẹp đầy thuyết phục.
Sinh ra và lớn lên tại Thanh Hóa, hội họa đến với họa sĩ Nguyễn Quang Tùng cũng là một “cái duyên”, chính nhờ hội họa mà anh được sống và làm điều mình yêu thích - mong mỏi của biết bao kiếp người.
Xuất hiện lần đầu trước công chúng với chất liệu sơn mài, vẻ thanh thoát trong lột tả đường cong của người phụ nữ của họa sĩ Nguyễn Quang Tùng để lại ít nhiều ấn tượng mạnh cho công chúng. Với bảng màu ngọt, tính “Mộc”, nhân vật của Tùng hiện ra để lại trong người thưởng tranh nhiều cảm xúc. Là sự yêu, sự được yêu, sự đắm đuối và cả trải lòng bên người thân … những cảm xúc đẹp đẽ ấy được họa sĩ tài ba Nguyễn Quang Tùng thể hiện rất thành công. Đến với triển lãm lần này, họa sĩ Nguyễn Quang Tùng có 25 bức tranh sơn mài. Đây là kết quả của 5 năm anh miệt mài sáng tác, sống hết mình cho từng nét vẽ.
Ngắm nhìn sáng tạo của họa sĩ Nguyễn Quang Tùng, thấy rõ được sự nỗ lực, sự tìm tòi, sáng tạo và nghiêm túc đối với hội họa. Những bức vẽ ấy là bước đệm, là bàn đạp thúc đẩy anh đi tới chốn huyền hoặc của sơn mài thảo mãn tình yêu và niềm đam mê với nghệ thuật.
Họa sĩ Lý Trực Sơn – đánh giá, tranh của cả hai họa sĩ Đinh Quốc Vũ và Nguyễn Quang Tùng đều rất không hiện đại và thể hiện tinh thần tự do trong sáng tạo, chất ‘bướng’ trong nghệ thuật.
‘Tranh của Đinh Quốc Vũ nhẹ nhàng. Anh vẽ theo kiểu rút hết trọng lượng ra khỏi vật thể và cái đọng lại trong tác phẩm là tinh thần của vật thể khiến người xem tranh có một cảm giác bâng khuâng, chông chênh. Đây là một cách tiếp cận nghệ thuật đúng và hay’, họa sĩ Lý Trực Sơn đánh giá.
Còn đối với họa sĩ Nguyễn Quang Tùng, dù lần đầu tiên đến với triển lãm chúng tôi đã thấy được tính riêng biệt, ‘chất đời’ của họa sĩ. Đây cũng là đích đến cuối cùng của một họa sĩ - tìm thấy mình và thể hiện hết tất cả năng lực của mình.