Phát biểu tại Lễ khai mạc diễn ra sáng 21/7, ông Lê Triệu Dũng - Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia - cho biết: “Triển lãm sẽ trưng bày, giới thiệu các mô hình thực tiễn về sản xuất bền vững; chia sẻ, hướng dẫn thực hành tiêu dùng bền vững, đồng thời tổ chức các phiên trao đổi, thảo luận mở, có sự tham gia của các nhân vật truyền cảm hứng để nâng cao nhận thức và tăng cường hành động của toàn thể xã hội đối với hoạt động sản xuất, tiêu dùng bền vững".
Ông Lê Triệu Dũng khẳng định: Triển lãm “Tiêu dùng xanh - Cùng sống lành” sẽ là cơ hội tốt để các doanh nghiệp tăng cường kết nối kinh doanh, người tiêu dùng có cơ hội trải nghiệm thực tiễn các sản phẩm bền vững và các cơ quan quản lý, các tổ chức, hiệp hội có sự trao đổi, chia sẻ và đề xuất các sáng kiến, giải pháp để thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững.
Bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - cho biết: Sở đã hỗ trợ khoảng 50% doanh nghiệp trong lĩnh vực phân phối áp dụng các giải pháp về sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng; giảm 65% tỷ lệ sử dụng bao bì khó phân hủy tại các chợ dân sinh và các trung tâm thương mại, siêu thị; 70% doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp đổi mới công nghệ theo hướng sạch, thân thiện với môi trường; 80% doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản thực phẩm an toàn.
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội nhấn mạnh Thành phố Hà Nội đã, đang và sẽ tập trung hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa để hình thành chuỗi sản xuất sạch theo từng lĩnh vực, từ đó hình thành mối liên kết sản xuất xanh - phân phối xanh - tiêu dùng xanh.
Trong khuôn khổ Triển lãm “Tiêu dùng xanh - Cùng sống lành”, đã diễn ra phiên thảo luận “Xây dựng ý thức cộng đồng hướng tới tiêu dùng bền vững”. Với sự tham dự của các đại biểu, chuyên gia đến từ Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Tổng cục Quản lý Thị trường, Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP), Tập đoàn Central Retail… phiên thảo luận đã diễn ra sôi nổi với các tham luận, thảo luận các vấn đề về xu hướng sản xuất tiêu dùng, bền vững tại Việt Nam, rác thải nhựa và những vấn đề cảnh báo; về vai trò của hệ thống phân phối hiện đại trong thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững…
Bên cạnh đó, các chương trình “Thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững trong hệ thống phân phối hiện đại”, tọa đàm “Vai trò công nghệ trong tiêu dùng bền vững” được đánh giá là cơ hội để nắm bắt tình hình thực tiễn sản xuất của doanh nghiệp, mức độ nhận biết của người tiêu dùng về các sản phẩm xanh, sản phẩm thân thiện môi trường.
Qua chuỗi các sự kiện này, doanh nghiệp có cơ hội tìm hiểu và kết nối với các mô hình, đối tác sản xuất xanh, tăng cường giới thiệu, mở rộng phạm vi sản xuất, kinh doanh; tạo cơ hội để người tiêu dùng có thể trải nghiệm các sản phẩm tiêu dùng xanh, tham gia các hoạt động tương tác để nâng cao kiến thức và nhận thức về tiêu dùng bền vững, về vai trò của người tiêu dùng trong quá trình thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững.