Trang phục truyền thống của 49 đồng bào các dân tộc Tây Nguyên

Những bộ trang phục truyền thống, trang sức và vật dụng hàng ngày được trưng bày tại bảo tàng đã khơi dậy niềm tự hào về di sản văn hóa dân tộc.

Nằm trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023, Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk đã trưng bày chuyên đề "Trang phục truyền thống 49 đồng bào các dân tộc anh em trên địa bàn tỉnh" qua đó nhằm giới thiệu, tôn vinh các trang phục và văn hóa truyền thống của các dân tộc đang sinh sống trên địa bàn tỉnh nói riêng và Việt Nam nói chung. 

trang-phuc-1-1678677757.jpeg
Trang phục thầy cúng, người luôn giữ một vị trí không thể thiếu trong đời sống tinh thần của cộng đồng người Êđê

Tỉnh Đắk Lắk hiện có 49 đồng bào các dân tộc anh em cùng sinh sống. Sự đa dạng trong cộng đồng dân cư đã mang đến những giá trị văn hóa phong phú, là “cái nôi” của nhiều lễ hội truyền thống, nhiều sản phẩm văn hóa vật thể và phi vật thể quý giá. Đặc biệt, tiếng nói, chữ viết, trang phục truyền thống của các dân tộc là di sản văn hóa, “chứng minh thư” nhận diện tộc người, chứa đựng giá trị nghệ thuật, giá trị lịch sử, tồn tại và phát triển qua quá trình lao động, sáng tạo. 

trang-phuc-2-1678677757.jpeg
Trang phục dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Nam Đảo, chủ đạo là nghi lễ của dân tộc Êđê trước sân nhà dài

Tại không gian trưng bày giới thiệu 45 hình ảnh, 130 hiện vật của 49 đồng bào các dân tộc đang sinh sống ở Đắk Lắk theo 8 chủ đề, tương ứng với 8 nhóm ngôn ngữ (Việt - Mường, Kađai, Tạ - Miến, Nam Đảo, Hán, Môn - Khơ me, Hmong - Dao, Tày - Thái) và một bài viết giới thiệu chung về trang phục các dân tộc. Những bộ trang phục truyền thống, trang sức và vật dụng hàng ngày được trưng bày tại bảo tàng đã khơi dậy niềm tự hào về di sản văn hóa các dân tộc, đặc biệt nâng cao ý thức bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa trong thế hệ trẻ.

trang-phuc-3-1678677757.jpeg
Thổ cẩm là chất liệu đã gắn bó lâu đời, tạo nên diện mạo, đặc trưng riêng biệt trong văn hóa Êđê

Hòa trong dòng chảy và giao thoa văn hóa nhẹ nhàng nhưng vẫn đậm chất riêng của từng dân tộc, ngoài giọng nói, trang phục là những nét riêng dễ nhận biết nhất về bản sắc văn hóa của dân tộc mình, mang đến sự tương tác, kết nối và phát triển những giá trị tốt đẹp, truyền thống đặc trưng, nét đẹp văn hóa của người Việt. 

Tuấn Sơn - Phan Học