Trần Đăng “Một cuộc chuẩn bị”

Huyền Văn
Trần Đăng, trong quãng đời văn ngắn ngủi của mình, là người sớm ghi nhận được những nét dáng khác nhau của anh bộ đội đến từ nhiều nguồn.

Có lẽ Trần Đăng là cây bút đầu tiên sau Cách mạng tháng Tám cho ta làm quen sớm nhất với anh bộ đội Cụ Hồ. Là người Thủ đô, Trần Đăng viết về anh bộ đội chưa từng biết Thủ đô, hoặc có biết Thủ đô nhưng lại trở về trong tâm thế xa lạ và phủ nhận ánh sáng phù của đời sống thành thị. Nét đó có phần lẫn lộn ít nhiều tâm trạng chủ quan, hoặc nói theo tác giả, còn mang theo cái “xác chủ quan”.

nlntv-phong-vien-tran-dang-1661416506.jpg
Phóng viên Trần Đăng - Ảnh Báo Đại Đoàn Kết

Cũng Trần Đăng, trong quãng đời văn ngắn ngủi của mình, là người sớm ghi nhận được những nét dáng khác nhau của anh bộ đội đến từ nhiều nguồn. Sự tìm kiếm một chân dung thực về anh bộ đội ở Trần Đăng có lúc ráo riết như một cuộc săn đuổi. Đại đội trưởng PN. lăm lăm chuôi kiếm, vẻ mặt nghiêm lạnh, lẳng lặng mà nôn nóng, luôn tay nhìn đồng hồ trước giờ xuất kích, trong ký sự Trận Phố Ràng là hình ảnh có nguyên mẫu trong cuộc đời. Có thể tìm thấy sự tương ứng giữa anh bộ đội của Trần Đăng với anh chiến binh Tây tiến, đầu “không mọc tóc / Quân xanh màu lá dữ oai hùm” trong thơ Quang Dũng, hoặc “Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng”, với “giày vạn dặm”, “bụi hào hoa” như trong Ngày về của Chính Hữu. Thế nhưng bên cạnh đại đội trưởng P.N., những binh nhất binh nhì trước giờ xuất kích còn cãi nhau châu chấu - cào cào, con nào bằng đầu con nào nhọn đầu, lại là hình ảnh hồn nhiên và rất thực của một lớp thanh niên cách mạng ở tuổi đời còn non trẻ. Cũng ở bút ký Một cuộc chuẩn bị, thấy thật là ám ảnh câu chuyện ồn ào giữa đám lính nơi một trạm nghỉ: “Sàn dưới ồn ào chia nhau mấy tấm gỗ không biết vác ở đâu về, hai người ba tấm, ba người hai tấm, làm cho một anh liên lạc đại đội bộ ở trên, ngày trước làm nghề đóng áo ở Phòng ngứa mồm chẽ xuống gọi: - “Này! Một người thì phải sáu tấm, bốn dài hai HT ngắn, ngủ đi nhớ!”.

Câu đùa tếu, và cũng có thể là nghiêm chỉnh của anh lính làm nghề đóng áo này đã vào các trang viết của Trần Đăng một cách tự nhiên. Một nét sống khách quan của thời chiến nhà văn tinh ý nhặt được. Cũng có thể là một nét sống được soi qua tâm trạng trạng chủ quan của người viết, khi ở dòng cuối thiên ký sự, Trần Đăng ghi một giọng lửng lơ: - “Mai, một cuộc đời mới nữa, sống hay chết trong đạn lửa!”.

Có thể nghĩ là những chi tiết này mang màu sắc bị quan, nhưng không thể quy là bi quan chủ nghĩa. Người chiến binh viết văn Trần Đăng, từng là sinh viên khoa Luật, là cán bộ công tác trong Ban Liên kiểm Việt - Pháp, rồi văn phòng Bộ Tổng tư lệnh, vừa mới chuyển sang công tác văn nghệ, làm phóng viên báo Vệ quốc quân, lúc nào cũng hăng hái bám sát các đơn vị bộ đội, đi theo các chiến dịch, hăm hở sống, chiến đấu và ghi chép, rồi ngã xuống quá sớm trên dải đất Đông Bắc ngang dọc vết giày đinh của thực dân Pháp và tàn quân Tưởng. Đó là một tấm gương sống và viết rất đẹp. Trần Đăng quyết không phải là người bi quan chủ nghĩa. Chỉ có thể cắt nghĩa các hiện tượng trên ở một khuynh hướng tìm tòi. Vào những năm 1948 - 1949 này của cuộc kháng chiến chống Pháp đang chuyển sang giai đoạn cầm cự, có lẽ Trần Đăng thuộc số rất ít người viết sớm khao khát nắm bắt một chân dung đích thực của người lính; một bức tranh không mờ ảo hoặc gầy guộc, nói lên được cái khía cạnh bình thường, tự nhiên của đời sống chiến đấu. Và để đạt cho được diện mạo chân thực ấy, Trần Đăng cần một bảng vẽ có nhiều màu. Anh không ngại đi tìm những hòa sắc lạ, những nét sống gân guốc, tự nhiên.

Bút ký Một cuộc chuẩn bị kết thúc đột ngột đời văn Trần Đăng còn đang trong “một cuộc chuẩn bị”. Những trang viết sắc lạnh mà ấm áp. Những cảnh đời gắn với tình người. “Dưới ao xanh rờn mấy con vịt chúi đầu xuống nước giống cây chuối, hai chân vẫy giời. Tiếng vịt kêu vang động mặt ao, đằm thắm như tiếng cuộc đời đã lâu mới gặp lại” (Lúa mới). Và cũng vẫn phong cách Trần Đăng, bút pháp Trần Đăng - để cho cuộc sống tự nó nói lên, tự nó ánh lên chính cái sắc màu lung linh, sống động của nó, dẫu chỉ qua vài nét chấm phá: “Trước lán treo bị đông, mắc súng, đạn, mũ, áo, xà-cột như hai dãy lều chợ Giời: phố “Vệ quốc”. Anh nào cũng thú vị, đi lại tung tăng”….. “Các trung đội đã bắt đầu vui hát. Chèo Ettipô tẩu mã cười nôn ruột. Thơ. Tình quân dân, ý nghĩa: anh là bộ đội giết giặc, tôi là dân ở nhà tăng gia sản xuất. Những lời hai người đối đáp văn hoa rất dài”...

Giờ đây, sau nửa thế kỷ, đọc lại văn xuôi kháng chiến chống Pháp tôi bỗng thấy thật ngạc nhiên, vui thích trước những hình ảnh sống động và tươi tắn đến thế trong văn ghi chép và ký sự của Trần Đăng. Những ghi chép làm hiện lên đường nét, âm thanh, sắc màu đích thực của cuộc đời. Những ghi chép không phải chỉ có riêng sự sống, mà có cả một sự sống riêng, được nhìn bởi một con mắt thật tha thiết với đời và rất biết soi vào phía bên trong, phía sâu của hiện thực. Thật lạ, cả đời văn của Trần Đăng chỉ thu gọn trong một tập sách mỏng Truyện và ký sự chưa đầy một trăm trang, thế mà, với nó ta được nhìn, được nghe, được hình dung, được cảm nhận biết bao điều về một cuộc sống tưởng quá quen mà còn biết bao điều lạ. Một thế giới mà trung tâm vẫn là con người - cố nhiên là con người cầm súng: “Thực ra, ngày chuẩn bị cuối cùng giờ giấc không có cỡ nào cả. Lắm lúc thấy mưa, sốt ruột lạ. Lắm lúc lại giật hoảng mình, không biết còn quên, còn thiếu gì không? Nhấm qua lại nhiệm vụ thuộc lòng như cháo rồi, nhắm mắt còn vẽ được sơ đồ. Rồi vớ lấy súng lau thêm mấy cái. Lại giở đến dép, giở kim chỉ thay vài mũi vậy” (Một cuộc chuẩn bị). “Cột điện, những hàng dây thép có con chim bay tới đậu, gợi những ý xa xôi, những điều gì vui lạ cho người đội viên ngược cũng như người đội viên xuôi. Mắt đo lại cái tầm thả lựu đạn. Tay buộc chặt quả mìn (...). Trời lại mưa (...), vẫn mưa to. Rồi chiều. Đời bộ đội lắm cái vất vả đều phớt đi. Nhưng thật không có cái khổ nào bằng trời mưa phục kích suốt ngày không gặp địch (...). Mảng đường nhựa thèm rỏ dãi, tụt xuống có mười lăm thước rồi chạy nhảy múa họ hét một tua thì mới hả được” (Một trận vui lớn trên đường số Bốn).

Rõ ràng sự “hóa thân” vào nhân vật người lính ở Trần Đăng mới chỉ sau ba năm vào lính mà đã đạt một am hiểu thật bất ngờ. Cái kết quả có được do những nỗ lực bản thân nhằm thoát ra khỏi cái “xác chủ quan”, và do những cuộc đi không nghỉ. Thu đông 47 ở Yên Thế thượng, La Hiên; xuân 48 chung quanh Hà Nội; xuân 49 trên đường số 4 men theo Lũng Phầy; hè 49 qua sông Thao; thu đông 49 lại lên Đông Bắc, vượt qua đường 13, tiến sâu vào những vùng núi đá và đồi trọc hoang vu vùng địch hậu.

Trong những sôi nổi thường ngày với bạn bè về công việc, Trần Đăng thật say sưa với bối cảnh Đông Bắc chiến thắng; anh đang ôm ấp dự định viết một cuốn tiểu thuyết lớn, với ngay từ chương đầu, hình ảnh tấp nập của những binh đoàn, với những chuyến cần vụ hàng nghìn người; với từng đoàn phụ nữ dân tộc áo chàm hoặc áo màu nhiễu mới, đi tiếp tế, đi tải thương...().

GMột tiểu thuyết xứng đáng với quy mô và bề sâu những anh dũng, hy sinh của dân tộc, Trần Đăng đã vĩnh viễn không thực hiện được, kể từ ngày 26 tháng 12 năm 1949. Một tiểu thuyết theo tôi dự đoán là rất đáng kỳ vọng trong nền văn học kháng chiến chống Pháp, và cũng có thể là của nền văn xuôi Việt Nam viết về chiến tranh thế kỷ XX.

GS. Phong Lê