Trả lương tương xứng để tạo động lực cho người lao động

Huyền Văn
Tại Hội nghị lần thứ tám, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII bàn thảo về nhiều vấn đề lớn về quốc kế, dân sinh, trong đó có vấn đề nhận được sự quan tâm rất lớn của xã hội là việc thực hiện lộ trình cải cách chính sách tiền lương. Bàn về nội dung này, nhiều quan điểm cho rằng, chỉ khi chi trả lương được coi là chi cho đầu tư và có mức đầu tư tương xứng mới mang lại hiệu quả thiết thực, tạo động lực, niềm tin cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

Nhìn lại chủ trương mang tính đột phá về tiền lương

Nước ta đã trải qua 4 lần cải cách chính sách tiền lương (năm 1960, 1985, 1993 và 2003). Trong lần cải cách gần đây nhất, mức lương của cán bộ, công chức, viên chức được tính bằng hệ số lương nhân với mức lương cơ sở; lương của khối doanh nghiệp trả người lao động theo thỏa thuận nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng. Việc cải cách tiền lương đã giúp cải thiện tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; hoàn thiện chính sách tiền lương trong khu vực doanh nghiệp theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Tuy nhiên, sau 15 năm thực hiện cải cách tiền lương, bên cạnh những kết quả đạt được, chính sách tiền lương hiện hành cũng bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Cụ thể là chính sách tiền lương trong khu vực công còn phức tạp, mang nặng tính bình quân, không bảo đảm được cuộc sống, chưa phát huy được nhân tài, chưa tạo được động lực để nâng cao chất lượng và hiệu quả làm việc của người lao động. Quy định mức lương cơ sở nhân với hệ số không thể hiện rõ giá trị thực của tiền lương. Chưa phát huy được quyền, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc đánh giá và trả lương, thưởng, gắn với năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả công tác của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động...

nlntv-nhanluc-1696723293.jpg
Hoạt động sản xuất ở Công ty TNHH MTV Điện cơ hóa chất 15 (Nhà máy Z115, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng).

Chính vì thế, tại Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp. Đây là chủ trương cải cách tiền lương lần thứ năm của nước ta, đưa ra lộ trình cải cách tiền lương từ năm 2021 theo hệ thống bảng lương mới (gồm 5 bảng lương); xác định rõ quan điểm trả lương đúng là đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, tạo động lực nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc của người lao động, góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị-xã hội; thúc đẩy, nâng cao chất lượng tăng trưởng và phát triển bền vững.

Sẵn sàng cho lộ trình cải cách tiền lương từ ngày 1-7-2024

Trong báo cáo của Bộ Nội vụ gửi tới Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, thực hiện Nghị quyết 27, Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan xây dựng 6 nội dung cụ thể của chế độ tiền lương mới theo chức vụ, chức danh, vị trí việc làm, gắn với lộ trình sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước và các giải pháp tài chính tạo nguồn cho cải cách tiền lương. Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, do tác động bất lợi của nhiều yếu tố, đặc biệt là đại dịch Covid-19 làm cho nền kinh tế và ngân sách nhà nước gặp nhiều khó khăn nên tại Hội nghị lần thứ mười ba, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (tháng 10-2020) và Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (tháng 10-2021) đã xem xét, quyết định lùi thời điểm thực hiện chính sách tiền lương mới theo Nghị quyết số 27-NQ/TW.

Phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ tám, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Ban Chấp hành Trung ương xem xét, cho ý kiến để xác định rõ ràng, đúng đắn những quan điểm phát triển, tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu tổng quát, một số chỉ tiêu cơ bản, quan trọng và những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của những tháng còn lại của năm 2023 và cho năm 2024; trong đó có sự cần thiết, đúng đắn của việc thực hiện chế độ tiền lương mới từ ngày 1-7-2024.

Trước đó, phát biểu bế mạc Diễn đàn Kinh tế-Xã hội thường niên năm 2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh: Sớm thực hiện cải cách chính sách tiền lương một cách căn bản trong năm 2024 cũng là một "cú hích" cho thị trường lao động và góp phần kích cầu tiêu dùng nội địa. “Lần này chúng ta tiến hành cải cách tiền lương chứ không phải chỉ là câu chuyện tăng lương bình thường. Hiện nay, các cơ quan đều đang tích cực chuẩn bị cả về nguồn lực và thể chế để thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27. Nếu không có gì thay đổi thì thời điểm có thể áp dụng cải cách tiền lương là từ ngày 1-7-2024”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết.

Ngay sau khi Ban Chấp hành Trung ương xem xét, cho ý kiến về việc thực hiện lộ trình cải cách tiền lương, Phiên họp thứ 27 chuẩn bị diễn ra trong ít ngày tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về các báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội, tài chính, ngân sách và lộ trình cải cách tiền lương để chuẩn bị cho việc trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ sáu sẽ bắt đầu từ ngày 23-10 tới.

Đầu tư tương xứng mới mang lại hiệu quả thiết thực

Phát biểu tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 vừa qua, các thành viên Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, những năm qua, trong bối cảnh vừa phải phòng, chống và khắc phục hậu quả dịch Covid-19, vừa phải bảo đảm an sinh xã hội, chúng ta vẫn tiết kiệm được 500.000 tỷ đồng để chuẩn bị cải cách tiền lương trong các năm 2024, 2025 và 2026 theo Nghị quyết số 27-NQ/TW.

Như vậy, các cơ quan hữu quan đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng, nhất là về nguồn lực để sẵn sàng cho lần cải cách tiền lương rất lớn sắp tới. Đây là thông tin được đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cả khu vực công và khu vực tư quan tâm. Phát biểu tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung từng nói rõ: Việc thực hiện chính sách cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 là vấn đề được người lao động rất hồ hởi chờ đợi, vì “chúng ta đã 3 lần lỗi hẹn” bởi những khó khăn từ dịch bệnh. Đây là thời điểm chín muồi để thực hiện cải cách chính sách tiền lương. Thực tế, mức lương khởi điểm của cán bộ, công chức, viên chức mới ra trường thấp hơn nhiều mức sống bình quân của người dân ở các đô thị, gây áp lực lớn cho họ-chưa kể còn phải lo cho gia đình, con cái. Trong khu vực doanh nghiệp cũng vậy, nếu không cải cách chính sách tiền lương doanh nghiệp thì sẽ kìm hãm sự phát triển.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai đưa ra con số so sánh, mức lương trung bình của công chức nước ta là khoảng 10 triệu đồng. Trong khi đó, nếu quy đổi ra tiền Việt Nam thì một công chức Thái Lan có thu nhập 56,7 triệu đồng, Malaysia là 29 triệu đồng, Campuchia là 17 triệu đồng. Thực hiện chính sách cải cách tiền lương là vấn đề đang được cử tri rất quan tâm. Cần thực sự coi trả lương là một hình thức đầu tư, đầu tư cho con người, đầu tư cho tương lai. “Chỉ khi chúng ta có mức đầu tư tương xứng thì mới mang lại hiệu quả thiết thực. Đất nước chúng ta không thiếu người tài, không thiếu những người tâm huyết, muốn cống hiến ngay trên đất nước mình, nhưng thực sự cần một chính sách đủ mạnh, tạo động lực, niềm tin cho người lao động”, đồng chí Vũ Thị Lưu Mai nói.

Thực tế cho thấy, sau mỗi lần cải cách chính sách, tiền lương và thu nhập đều có sự thay đổi đáng kể về chất, tạo động lực rất lớn cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Tuy nhiên, việc chi trả lương ở cả khu vực công và khu vực tư hiện nay đều đang nảy sinh nhiều vấn đề bất cập, chưa tạo được “cú hích” lớn cho sự phát triển kinh tế và xã hội. Với sự chuẩn bị và sự tích lũy nguồn lực tương đối kỹ càng, hy vọng lộ trình cải cách tiền lương lần này sẽ được triển khai đúng hạn từ ngày 1-7-2024 để cán bộ, công chức, viên chức và người lao động yên tâm hơn, chuyên tâm hơn vào việc cống hiến vì sự phát triển của đất nước...