Ngày 11/11, UBND tỉnh An Giang đã công bố thông tin chính thức về các hoạt động chào mừng kỷ niệm 200 năm hoàn thành kênh Vĩnh Tế (1824 – 2024).
Theo đó, lễ kỷ niệm 200 năm hoàn thành kênh Vĩnh Tế sẽ được tổ chức vào tối 14/11, tại Khu du lịch Quốc gia Núi Sam (TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang).
Cũng trong ngày 14/11, tại TP. Châu Đốc, UBND tỉnh An Giang còn tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia “200 năm kênh Vĩnh Tế - Giá trị lịch sử và tầm nhìn tương lai” và tưởng niệm 198 năm ngày mất bà Châu Thị Tế (1826 – 2024).
Cùng với các sự kiện trên, tại TP. Châu Đốc sẽ diễn ra nhiều hoạt động như: Tổng kết cuộc thi ảnh nghệ thuật chủ đề “Ảnh đẹp kênh Vĩnh Tế”; triển lãm chuyên đề “200 năm kênh Vĩnh Tế - Giá trị lịch sử và thành tựu”; tổ chức không giam ẩm thực, trò chơi dân gian, trình diễn thư pháp, trưng bày sản phẩm OCOP…
Kênh Vĩnh Tế có tổng chiều dài hơn 90km, rộng gần 40 mét, sâu 2,5 mét, được đào song song với đường biên giới Việt Nam - Campuchia, bắt đầu từ sông Châu Đốc (TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang) nối với sông Giang Thành (TP. Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang).
Theo các nguồn tư liệu, quá trình đào kênh kéo dài trong 5 năm (1819 - 1824), huy động hơn 80.000 dân binh tham gia, dưới sự chỉ huy của quan trấn thủ Nguyễn Văn Thoại (Thoại Ngọc Hầu).
Hình tượng kênh Vĩnh Tế (Vĩnh Tế hà) được vua Minh Mạng cho chạm vào Cao đỉnh - đỉnh đồng lớn nhất trong cửu đỉnh, đặt trước sân Thế miếu ở Hoàng thành Huế. Và bà Châu Thị Tế, vợ của quan trấn thủ Nguyễn Văn Thoại, do có nhiều công lớn trong việc đào kênh, được nhà vua lấy tên đặt cho kênh.
Kênh Vĩnh Tế (sau này có thêm sự kết nối của các tuyến kênh T3, T4, T5) giữ vai trò là hệ thống thủy lợi quan trọng của vùng Tứ giác Long Xuyên. Nhờ có hệ thống thủy lợi này, vùng Tứ giác Long Xuyên từ hoang hóa, nhiễm phèn nặng trở thành vùng sản xuất lúa trù phú, trọng điểm của Đồng bằng sông Cửu Long.