Bế mạc Kỳ họp thứ 6 QH khóa XV thành công tốt đẹp
Tuần qua, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội đã bế mạc kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, sau 22,5 ngày làm việc nghiêm túc, khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm.
Với tỷ lệ tán thành cao, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 7 luật: Luật Căn cước; Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi) và thông qua 9 Nghị quyết về kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024, phân bổ ngân sách Trung ương năm 2024, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ, áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp, giám sát chuyên đề xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo giai đoạn 2021 - 2025, thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV. Qua đó, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và nâng cao chất lượng giám sát tối cao đối với đại biểu dân cử.
Quốc hội thống nhất đánh giá: Từ năm 2023 và đầu nhiệm kỳ đến nay, trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có nhiều thách thức bất thường so với dự báo, nhưng nhờ có sự lãnh đạo đúng đắn, sát sao, kịp thời của Đảng, mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự chủ động, đồng hành, giám sát linh hoạt, chặt chẽ, hiệu quả của Quốc hội và sự thống nhất của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, toàn doanh nghiệp, đất nước đã đạt được nhiều kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực.
Với những kết quả đã đạt được, có thể khẳng định Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã thành công tốt đẹp, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực tiễn, được nhân dân tín nhiệm.
Các Đại biểu Quốc hội đều đánh giá cao chất lượng kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV về sự chuẩn bị kỹ lưỡng của Quốc hội với các Luật, Nghị quyết được thông qua phù hợp với thực tiễn, có thể áp dụng hiệu quả vào đời sống xã hội; thể hiện tinh thần đồng hành cùng Chính phủ; hiệu quả giám sát của Quốc hội năm 2023 đã đổi mới để kiến tạo và phát triển; nhiều Bộ trưởng, trưởng ngành giải đáp nhiều vấn đề nóng cử tri quan tâm và mang hơi thở cuộc sống.
Đồng thời, các đại biểu đã tập trung trí tuệ, phát huy tinh thần trách nhiệm, chuẩn bị kỹ các nội dung để thảo luận trên tinh thần dân chủ, thẳng thắn, xây dựng.
Đáng chú ý, trong bối cảnh phục hồi nền kinh tế, những khó khăn, vướng mắc của thị trường bất động sản thời gian tới được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm làm thế nào đề phát triển ổn định, lành mạnh, minh bạch, vì liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế.
Bên cạnh việc Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ tiếp tục xem xét thông qua tại kỳ họp Quốc hội gần nhất, tại kỳ họp lần này, Quốc hội đã thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), góp phần kịp thời hỗ trợ thị trường và doanh nghiệp bất động sản khởi sắc.
Tiếp tục giảm 2% thuế VAT đến hết ngày 30/6/2024
Tại Kỳ họp thứ 6 QH khóa XV, Quốc hội đồng ý tiếp tục giảm 2% thuế suất thuế VAT từ ngày 1/1/2024 đến hết 30/6/2024 đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế VAT 10% xuống còn 8%, trừ một số hàng hóa đặc thù.
Quy định này không áp dụng cho một số nhóm hàng hóa, dịch vụ gồm viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Quốc hội giao Chính phủ tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả, không làm ảnh hưởng đến dự toán thu và bội chi ngân sách Nhà nước năm 2024 theo Nghị quyết của Quốc hội, báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
Ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất huy động
Liên quan đến lĩnh vực tín dụng, trong tuần qua, nhiều ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất huy động.
Cụ thể, Vietcombank là ngân hàng áp dụng lãi suất thấp nhất. Đối với lãi suất tiền gửi tại quầy, Vietcombank áp dụng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 - 2 tháng duy trì ở mức 2,8%/năm, kỳ hạn 3 - 5 tháng giảm về 3,1%/năm, lãi suất kỳ hạn 6 - 9 tháng áp dụng 4,1%, kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 5,1%/năm.
Với ngân hàng thương mại cổ phần, Sacombank cũng giảm lãi suất tất cả các kỳ hạn, đưa lãi suất kỳ hạn 1 tháng xuống còn 3,4%/năm, kỳ hạn 6 tháng còn 4,8%/năm và 12 tháng còn 5,4%/năm. Ngân hàng luôn duy trì mức lãi suất cao nhất hệ thống như NCB cũng tiếp tục giảm lãi suất, áp dụng mức giảm từ 0,05 - 0,2% lãi suất ở tất cả các kỳ hạn.
Theo đó, lãi suất kỳ hạn 1 - 3 tháng giảm còn 4,45%/năm, lãi suất kỳ hạn 6 tháng giảm còn 5,35%/năm, kỳ hạn 12 tháng giảm còn 5,65%/năm…
Theo thống kê, từ đầu tháng 11/2023 đến nay đã có tới 27 ngân hàng giảm lãi suất huy động.
Công bố phương án thi tốt nghiệp THPT
Tuần qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố phương án tổ chức kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025.
Phương án được lựa chọn là 2 môn thi bắt buộc (Ngữ văn, Toán) và 2 môn lựa chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 gồm: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ. Từ năm 2025 trở đi, nội dung thi tốt nghiệp THPT sẽ bám sát nội dung, mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Như vậy, trong phương án này, Ngoại ngữ - môn học được coi là công cụ để hội nhập, không phải là môn bắt buộc.
Theo khảo sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo, phương án thi 2 môn bắt buộc nhận được 59,8% bình chọn tại một số địa phương. Đây là phương án thi ít môn nhất, nên chắc chắn tiết kiệm kinh phí nhất.
Về lộ trình thực hiện, giai đoạn 2025 - 2030, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ tiếp tục giữ ổn định phương thức thi trên giấy.
Giai đoạn sau 2030 sẽ từng bước thí điểm thi trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm ở các địa phương có đủ điều kiện. Khi tất cả các địa phương trên toàn quốc có đủ điều kiện để tổ chức thi trên máy tính sẽ chuyển sang tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm.
Xét xử cựu Giám đốc Bệnh viện Thủ Đức
Cũng trong tuần qua, Tòa an nhân dân TP Hồ Chí Minh mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án "Tham ô tài sản", "Rửa tiền" và "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" đối với bị cáo Nguyễn Minh Quân (cựu Giám đốc bệnh viện TP Thủ Đức) và 7 bị cáo khác.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, bị cáo Quân lợi dụng chức vụ, quyền hạn là giám đốc, chủ tài khoản, quản lý tài sản Bệnh viện TP Thủ Đức, chỉ đạo cấp dưới và đồng phạm thành lập, sử dụng các công ty "sân sau" ký hợp đồng khống mua bán lòng vòng, nâng khống giá trị các máy móc, thiết bị.
Sau đó lập hồ sơ, tham gia đấu thầu vào Bệnh viện TP Thủ Đức; gây sức ép với các nhân viên dưới quyền hoàn thiện hồ sơ, ký hợp thức hóa các hồ sơ để ấn định cho các công ty "sân sau" trúng 27 gói thầu cung cấp máy móc, thiết bị y tế. Sau đó thanh toán tiền cho các công ty trúng thầu, rút tiền để chiếm đoạt hơn 103,6 tỷ đồng.
Vụ án dự kiến xét xử tới ngày 1/12, do Thẩm phán Phạm Lương Toản làm chủ tọa phiên tòa.