3 áp lực của cậu 'trai làng' ở Hà Tĩnh khi du học Mỹ

Võ Phương Khánh Toàn nói mình là người đầu tiên trong một ngôi làng nhỏ ở Hà Tĩnh được đi học đại học chính quy và du học.

Thành công từ tình thương của bố mẹ

Võ Phương Khánh Toàn sinh ra trong gia đình không hề khá giả, bố mẹ là công nhân Lâm trường Kẻ Gỗ ở Hà Tĩnh. Ở làng, những người trẻ hầu như lựa chọn vào Nam làm việc hay đi xuất khẩu lao động, nhưng bố mẹ Toàn lại luôn mong muốn con được học hành trong điều kiện tốt nhất có thể.

Năm Toàn 12 tuổi, khi Toàn liên tục đạt giải Nhất trong các cuộc thi học sinh giỏi huyện dù học trường làng, bố mẹ đã cho Toàn đi trọ học xa nhà để có thể học lên cao hơn.

Trong kỳ thi vào lớp 10, Khánh Toàn trúng tuyển vào lớp chuyên Toán, Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh. Trong thời gian này, Toàn cũng từng giành giải Nhất thi học sinh giỏi tỉnh môn Toán.

Dù vậy, sau khi tốt nghiệp THPT, Toàn chọn học tại Trường ĐH Kinh tế Quốc dân và tốt nghiệp với tấm bằng giỏi. Đi làm được một thời gian, chàng trai Hà Tĩnh tiếp tục giành được học bổng theo học Thạc sĩ ngành Kinh tế và Tài chính tại ĐH Brandeis (Mỹ).

Anh tâm sự thực ra ban đầu, khi nhìn vào hoàn cảnh khó khăn của gia đình, bố mẹ sức khoẻ yếu, việc đi du học với anh từng là một ước mơ xa xôi. Nhưng chính nhờ sự ủng hộ hết mình và tình yêu thương của mẹ mà anh đã có đủ dũng khí để nắm lấy cơ hội “từ làng vươn ra thế giới”.

“Mẹ mình chưa từng học đại học nên khi nghe con mình muốn đi du học với chi phí dự kiến chỉ riêng cho việc học tiếng Anh đã là một con số không hề nhỏ, mẹ đã có chút suy ngẫm. Nhưng rồi mẹ vẫn quyết định lấy hết số tiền tiết kiệm được sau bao năm làm lụng vất vả để cho con hoàn thành ước mơ.

Rút tiền tiết kiệm ra, mẹ mình đem đi đổi được 2.000 USD từ bà con làng xóm có người đi lao động nước ngoài gửi về. Đó cũng chính là lần đầu mẹ được cầm loại tiền này trên tay” – anh Toàn xúc động nhớ lại.

Dù cho tiếp xúc với khái niệm “du học” khá muộn và phải đối mặt với nhiều thử thách nhưng Toàn không bỏ cuộc. Anh đã từng bước chinh phục được hành trình mà ban đầu tưởng chừng như không thể này.

khanh-toan-1-17-1652749762.jpg
Khánh Toàn khi tốt nghiệp thạc sĩ Đại học Brandeis năm 2015. Ảnh: NVCC

Sang Mỹ, vừa theo học Toàn vừa tìm kiếm cơ hội thực tập bởi ở đây, các công ty thường tuyển thực tập sinh từ khoảng vài tháng sau khi họ nhập học. Không có kinh nghiệm cùng với tiếng Anh chưa tốt, Toàn liên tục thất bại trong các cuộc phỏng vấn thực tập.

Không nản, anh tìm các cựu sinh viên của trường để học hỏi kinh nghiệm. Sau 6 tháng, anh đã có cơ hội phỏng vấn với PwC (PricewaterhouseCoopers) - một trong 4 công ty kiểm toán hàng đầu thế giới. Anh được nhận làm chính thức một năm trước ngày tốt nghiệp và là sinh viên quốc tế đầu tiên trong khóa có cả việc làm và hồ sơ bảo lãnh để ở lại Mỹ. Đây cũng là điều mà anh cảm thấy rất tự hào trong hành trình của mình.

Sau một vài năm đi làm, anh lựa chọn tiếp tục theo học MBA tại Chicago Booth School of Business (trường số một tại Mỹ về MBA - theo US News Ranking) và hoàn thành chương trình học chỉ trong một năm.

Trong suốt hành trình này, bố mẹ và gia đình nhỏ luôn bên Toàn. Cho dù ở cách nhau hàng ngàn cây số nhưng mẹ anh vẫn luôn tìm hiểu về đất nước mà con mình sinh sống để tự tin đồng hành cùng con qua mọi thăng trầm. Kể cả khi anh quyết định bỏ công việc đang rất tốt để tiếp tục theo học tấm bằng mới, mẹ vẫn rất ủng hộ...

Tới tháng 9/2021, anh vào Amazon và làm ở vị trí Trưởng phòng Chiến lược Cấp cao. Thành tích của Toàn đã được McKinsey & Company, tập đoàn tư vấn chiến lược hàng đầu thế giới ghi nhận thông qua giải thưởng McKinsey Achievement Awards.

khanh-toan-18-1652749762.jpg
Võ Phương Khánh Toàn cũng các bạn trong lễ tốt nghiệp Đại học Chicago (Mỹ). Ảnh: NVCC

Áp lực và những bài học nhận được

Khánh Toàn chia sẻ rằng có ba kiểu áp lực mà anh thường phải đối mặt kể từ khi quyết định sẽ du học tới nay.

Đầu tiên là điều kiện kinh tế của gia đình. Khi kinh tế hạn chế, anh thường gặp khó khăn nếu muốn đầu tư cho bản thân như học ngoại ngữ hay muốn trải nghiệm học tập ở nước ngoài. Vì vậy, mà anh phải nỗ lực hết sức mình để có học bổng đi du học.

Khi sang nước ngoài thì gặp khó khăn trong việc thích ứng hay việc giao tiếp bị hạn chế do tiếng Anh chưa được tốt.

Anh Toàn kể có lần giáo sư còn yêu cầu anh phải phát âm một từ tiếng Anh tới 4 lần, hay khi trò chuyện với bạn bè mọi người đều không hiểu rõ anh nói gì. Tuy buồn nhưng anh cũng coi đây như là một cách để thúc đẩy mình cố gắng, trau dồi nhiều hơn.

Và cuối cùng là áp lực về mặt tinh thần. “Đây cũng là điều mình thấy khó để vượt qua nhất. Phải xa nhà từ sớm và trong một khoảng thời gian dài khiến mình cảm thấy cô đơn, nhưng mình luôn có ý nghĩ rằng cần cố gắng để đạt được mục tiêu.

Mình nhận thấy càng tiến xa thì áp lực càng tăng nhưng đã đi khá xa rồi thì sẽ cố gắng đi xa hơn một chút, mỗi ngày cố gắng hơn một chút. Cùng với sự đồng hành của gia đình, mình có động lực hơn để vượt qua áp lực” – anh Toàn chia sẻ.

vo-phuong-khanh-toan-19-1652749762.jpg

Khoảng thời gian học tập và làm việc trên đất Mỹ cũng giúp Khánh Toàn học được thêm nhiều kỹ năng mới, mà trước hết là sự sẵn sàng thay đổi bản thân để thích ứng.

“Môi trường sẽ luôn thay đổi mỗi ngày. Khoảng 20 năm trước, các ngành, ngành nghề truyền thống như tài chính và tư vấn quản trị vẫn là những lựa chọn phổ biến nhất. Cùng với sự phát triển của Silicon Valley, 10 năm trở lại đây, các công ty công nghệ trở nên có giá hơn. Trong cùng lĩnh vực công nghệ, các ứng dụng mới xuất hiện từ big data, AI, machine learning, cho đến blockchain lại thu hút nhiều sự chú ý. Điều này tạo nên áp lực phải tranh giành nhân tài cho các tập đoàn hàng đầu, và đồng thời cũng tạo áp lực lên chính người trẻ để làm sao theo đuổi lĩnh vực mình thực sự giỏi và đam mê.

Cái mới sẽ ngày càng xuất hiện nhiều hơn, tạo nhiều áp lực hơn nhưng cũng là cơ hội để mình hoàn thiện bản thân.

Tiếp theo là kỹ năng quan sát và tư duy tổng hợp. Thị trường ở Mỹ rất đa dạng và cập nhật cái mới rất nhanh. Vì thế, mình có thể quan sát học hỏi từ đó để áp dụng vào những thị trường mới nổi.

Cuối cùng, đó là việc thẳng thắn thể hiện cái “tôi”. Điều này giúp mỗi người phát triển khả năng làm việc độc lập, cá nhân hóa hơn cũng như trân trọng thành tựu mà mình đạt được” – Toàn đúc rút kinh nghiệm của bản thân.

(Ảnh: NVCC)