Tiến sỹ Việt thắng giải quốc tế về công nghệ in 3D

Công nghệ chế tạo robot mềm bằng in 3D của TS Trương Văn Tiến và đồng nghiệp tại Trung tâm thiết kế quốc tế SUTD-MIT (Singapore) thắng giải sáng tạo của Purmundus.

Công nghệ chế tạo robot mềm bằng in 3D của TS Trương Văn Tiến và đồng nghiệp tại Trung tâm thiết kế quốc tế SUTD-MIT (Singapore) thắng giải sáng tạo của Purmundus.

Purmundus là giải thưởng lớn nhất thế giới về công nghệ thiết kế in 3D và 4D được tổ chức thường niên từ năm 2012 bởi Hiệp hội 3D Printing quốc tế. Giải thưởng năm 2021 được tổ chức tại thành phố Frankfurt, CHLB Đức hồi tháng 11 với hàng nghìn hồ sơ của các đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp khắp thế giới tham gia với tổng giải thưởng 30.000 Euro. TS Tiến (38 tuổi) và nhóm chuyên gia cao cấp của Viện công nghệ Massachusetts (MIT) đã thắng giải hạng mục "Innovation Prize" của Purmundus.

Công nghệ in 3D được TS Tiến nghiên cứu từ năm 2018 khi về làm chuyên gia cao cấp tại SUTD-MIT. Nhóm phát triển một hệ thống phần cứng và phần mềm có thể in 3D bằng nhiều loại vật liệu khác nhau trên một sản phẩm để mang lại tính hiệu quả sử dụng cao nhất. Công nghệ in 3D thông thường hiện nay chỉ bằng một loại vật liệu.

"Nhóm đã nghiên cứu đặc tính từng loại vật liệu khác nhau để sử dụng thuật toán tính toán việc phân bổ, tỷ lệ của nhiều vật liệu trên một sản phẩm nhằm tạo ra hiệu quả sử dụng tốt nhất", TS Tiến chia sẻ.

ts-truong-van-tien-khi-con-lam-viec-tai-my-nam-2010-1641264603.jpg
TS Trương Văn Tiến khi còn làm việc tại Mỹ năm 2010

Nghiên cứu này được đăng trên tạp chí hàng đầu về vật liệu tiên tiến "Advanced Material Technology" số tháng 8 năm 2021. Bài báo được chọn là công trình tiêu biểu của số xuất bản trong tháng. Nghiên cứu của nhóm được các trang công nghệ hàng đầu thế giới đưa tin như Techxplore, Eureka, Azorobotics vì tính đột phá trong công nghệ sản xuất.

Từ kết quả nghiên cứu này, nhóm đã in 3D một robot trong dự án đặt hàng cho Bộ Khoa học Công nghệ Singapore với số tiền tài trợ khoảng 2 triệu SGD. Đây là dạng robot tự hành dưới nước làm bằng vật liệu composite phục vụ quan trắc, thám hiểm... với tốc độ bơi gấp 1,5 lần, vượt trội so với các loại robot thông thường. Robot được thiết kế in 3D tối ưu nhiều loại vật liệu để có hiệu suất hoạt động cao hơn.

cong-trinh-nghien-cuu-ve-cong-nghe-in-3d-do-ts-tien-lam-nghien-cuu-chinh-thang-giai-innovation-prize-giai-thuong-purmundus-1641264603.jpg
Công trình nghiên cứu về công nghệ in 3D do TS Tiến làm nghiên cứu chính thắng giải innovation prize, giải thưởng Purmundus

Với các nghiên cứu này, TS Tiến mong muốn thời gian tới nhận được sự hợp tác của các nhà khoa học, trường đại học trong nước thực hiện các dự án về công nghệ in 3D. "In 3D là công nghệ mới có nhiều tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong tương lai và người Việt hoàn toàn có thể nắm bắt và làm chủ", TS Tiến nói.

TS Tiến quê huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng, từng học chuyên ngành kỹ thuật hàng không, Đại học Bách khoa TP HCM. Năm 2008, anh nhận học bổng toàn phần học thẳng lên tiến sĩ tại Hàn Quốc, sau đó tham gia nhiều công trình nghiên cứu và làm việc tại Mỹ, Canada và Singapore. Cuối năm 2021, anh về Việt Nam và làm việc tại một doanh nghiệp nước ngoài.