Tích cực triển khai Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng phù hợp với tình hình mới

Huyền Văn
Triển khai pháp lệnh ưu đãi đối với Người có công với cách mạng (NCC) là một trong những nhiệm vụ lớn, quan trọng của Đảng, Nhà nước, thể hiện truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho NCC và gia đình của họ.

Quan tâm, chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần cho người có công với cách mạng là sự đãi ngộ đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với NCC và thân nhân. Đồng thời là trách nhiệm, sự ghi nhận, tôn vinh những cống hiến to lớn của họ đối với đất nước. Chính sách ưu đãi NCC với cách mạng và thân nhân của NCC bên cạnh tính chính trị, xã hội còn là tính nhân văn sâu sắc, thể hiện truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Với trách nhiệm và nghĩa tình sâu nặng ấy, chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành ngày 9/12/2020 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2021. Theo đó, Pháp lệnh đã có nhiều quy định mới và là sự hoàn thiện so với những quy định của Pháp lệnh hiện hành, thể hiện rõ tính công bằng và tiến bộ xã hội, được người có công, thân nhân người có công và xã hội đồng tình, ủng hộ. Qua đó, sẽ có nhiều chính sách giúp cho đời sống của gia đình người có công với cách mạng không ngừng được nâng cao để họ có ý chí vươn lên, tiếp tục có nhiều đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

nlntv-anh2-1668737177.jpg
Đồng chí Thượng tướng Đỗ Căn, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị phát biểu tại Hội nghị tập huấn nghiệp vụ công tác chính sách toàn quân năm 2022.

Pháp lệnh gồm 7 chương, 58 điều, trong đó có bổ sung 10 điều mới và sửa đổi nội dung 41 điều, đặc biệt đã bổ sung 2 chương mới đó là: “Công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ” và “Nguồn lực thực hiện”. Pháp lệnh quy định về phạm vi, đối tượng, điều kiện, tiêu chuẩn, các chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân của người có công cới cách mạng; công trình ghi công liệt sĩ; nguồn lực thực hiện; quản lý nhà nước; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan trong việc thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi người có với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng. Đối tượng áp dụng là người có công với cách mạng; thân nhân người có công với cách mạng; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng. Pháp lệnh 02 cơ bản kế thừa đối tượng người có công với cách mạng của pháp lệnh trước; ngài ra, còn làm rõ những đối tượng là thân nhân người có công với cách mạng là cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con (con đẻ, con nuôi), người có công nuôi dưỡng liệt sĩ. Đồng thời, bổ sung một số đối tượng người có công với cách mạng như: Người bị địch bắt, tù đầy do trực tiếp hoạt động cách mạng, trực tiếp chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế sau năm 1975; người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế.

nlntv-anh1-1668737249.jpg
Cán bộ, nhân viên ngành CSQĐ dự hội nghị tập huấn Công tác chính sách năm 2022.

Chủ động triển khai Pháp lệnh 02 nêu trên, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các ban, bộ ngành trung ương trình Chính phủ ban hành Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2021 về Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (Nghị định số 131). Triển khai Pháp lệnh số 02 và Nghị định số 131 của Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, các bộ ngành và địa phương đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tổ chức 5 hội nghị tập huấn theo khu vực vùng miền tại các tỉnh Cần Thơ, Vĩnh Long, Khánh Hòa, Hải phòng và Lào Cai, với trên 1200 đại biểu tham dự.

nlntv-anh3-1668737494.jpg
Hội nghị tập huấn pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng và các văn bản hướng dẫn do Cục Người có công (Bộ Lao động - Thương binh và xã hội) tổ chức.

Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư số 55/2022/TT-BQP ngày 27 tháng 7 năm 2022 về hướng dẫn quy trình công nhận và thực hiện chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng thuộc trách nhiệm Bộ Quốc phòng; chủ động tổ chức tập huấn toàn quân, toàn quốc nhằm quán triêt triển khai những văn bản, chế độ chính sách mới và quy định trách nhiệm, quyền hạn, thủ tục hồ sơ thực hiện của các cơ quan, đơn vị quân đội đối với các đối tượng người có công với cách thuộc phạm vi, trách nhiệm của Bộ Quốc phòng được giao, quản lý, để phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong tình hình mới. Đến nay, với tinh thần chính trị trách nhiệm cao, Ngành Lao động-Thương binh và Xã hội và các cơ quan, đơn vị quân đội, công an đang nỗ lực, tích cực triển khai xác lập, xét duyệt hồ sơ ở các cấp bảo đảm quy trình, thủ tục chặt chẽ và dân chủ công khai. Kịp thời giải qiải quyết, bảo đảm quyền lợi đối với người có công với cách mạng và gia đình người có công với cách mạng, góp phần giải quyết an sinh xã hội và tình hình an ninh, trật tự ở các địa phương./.

Đại tá Đặng Danh Hưng