Thu hút lực lượng chuyên gia, cán bộ khoa học cao cấp kiều bào cho phát triển khoa học công nghệ tại Việt Nam

Huyền Văn
Sử dụng hiệu quả nguồn lực trí thức kiều bào trong các lĩnh vực khoa học công nghệ mũi nhọn về vật liệu, năng lượng, môi trường, sinh học, thông tin v.v. cho phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, và góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là nhiệm vụ vô cùng quan trọng[1].

nlntv-a3-1-1654647731.jpg

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ trí thức kiều bào tiêu biểu Xuân Quê Hương 2022

Hiện nay, trong tổng số 5 triệu kiều bào có hơn 500.000 cán bộ, chuyên gia có trình độ đại học trở trên, phân bổ trên khắp các vùng lãnh thổ và châu lục, trong đó có những nước có nền khoa học công nghệ tiên tiến như Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Đức, Nhật, Hàn Quốc v.v. Sử dụng hiệu quả nguồn lực trí thức kiều bào trong các lĩnh vực khoa học công nghệ mũi nhọn về vật liệu, năng lượng, môi trường, sinh học, thông tin v.v. cho phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, và góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là nhiệm vụ vô cùng quan trọng[1]. Mặc dù vậy, thực tế thu hút trí thức kiều bào đóng góp cho hợp tác phát triển khoa học công nghệ thời gian qua cho thấy một số khó khăn, thiếu sót cơ bản cần phải sớm khắc phục.

Thứ nhất, chúng ta hiện đang thiếu cơ chế chính sách cụ thể để trí thức kiều bào có thể tham gia triển khai các dự án khoa học công nghệ. Việt Nam có chiến lược đúng đắn ở tầm vĩ mô về thu hút, sử dụng trí thức kiều bào[2] nhưng thiếu các nghị định, quy chế cụ thể cho thu hút hiệu quả trí thức kiều bào về làm việc trong từng ngành, từng dự án khoa học công nghệ, từng đơn vị, phòng thí nghiệm và các cơ sở nghiên cứu, triển khai các ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ phát triển kinh tế, xã hội.

Thứ hai, chúng ta thiếu bộ máy tổ chức triển khai hiệu quả tại chỗ để thu hút sự tham gia của trí thức kiều bào trong các dự án, nhiệm vụ khoa học công nghệ tại các địa phương, trong các cơ quan nghiên cứu, trường đại học, trung tâm nghiên cứu và phòng thí nghiệm.

Thứ ba, thiếu kinh phí đầu tư, điều kiện sinh hoạt và làm việc, trang thiết bị và mô hình tổ chức quản lý hiệu quả cho triển khai các hoạt động khoa học công nghệ của trí thức kiều bào, dẫn tới những khó khăn không đáng có mà cá nhân trí thức kiều bào rất khó vượt qua trong các điều kiện khác biệt tại Việt Nam.

Thứ tư, thiếu xác định nhiều nhiệm vụ khoa học công nghệ cụ thể để kiều bào có thể tham gia phát huy hiệu quả. Nhiều nhiệm vụ khoa học công nghệ mang tính hình thức, hàn lâm, ít thực tiễn, tính ứng dụng thấp, khó thu hút sự tham gia đóng góp của kiều bào.

Nhận thức rõ những khó khăn thách thức trên, chúng ta có thể đề xuất một số giải pháp khắc phục như sau:

1. Xây dựng hệ thống văn bản, nghị định, quy chế, hướng dẫn cụ thể nhằm thu hút hiệu quả và sự tham gia rộng rãi của lực lượng trí thức kiều bào, phối hợp với đội ngũ tri thức trong nước để triển khai các nhiệm vụ khoa học công nghệ phù hợp với nhiệm vụ của từng địa phương;

2. Cho phép và hỗ trợ xây dựng các tập đoàn khoa học công nghệ tư nhân mạnh với mô hình tổ chức mới hiệu quả, chủ động trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ, tạo điều kiện làm việc và phát huy khả năng sáng tạo của lực lượng trí thức kiều bào cho đất nước, làm đầu tàu cho phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước;

3. Xác định rõ các nhiệm vụ khoa học công nghệ cũng như năng lực, vị trí tham gia của các trí thức kiều bào trong từng chuyên ngành, dự án khoa học công nghệ cụ thể;

4. Cho phép các nhà khoa học đầu ngành và chuyên gia cao cấp là trí thức kiều bào làm chủ nhiệm các đề tài nghiên cứu khoa học trọng điểm dưới sự chủ trì của nhà nước và các bộ ban ngành. Giao nhiệm vụ khoa học công nghệ gắn với trách nhiệm và quyền lợi trực tiếp cho các trí thức kiều bào có tâm huyết và năng lực triển khai các dự án khoa học công nghệ tại Việt Nam. Thậm chí, trao toàn quyền tổ chức, triển khai các dự án khoa học công nghệ cho các cá nhân trí thức kiều bào với sự trân trọng và cầu thị từ các cấp chính quyền từ TW tới địa phương;

5. Đầu tư xây dựng một số phòng thí nghiệm trọng điểm, tiến tới xây dựng một số viện nghiên cứu ứng dụng công nghệ, trường đại học công nghệ và khu công nghiệp công nghệ cao với sự tham gia trực tiếp điều hành và triển khai các dự án khoa học công nghệ của trí thức kiều bào tại Việt Nam./.

GS.VS Nguyễn Quốc Sỹ
Chủ tịch Viện Công nghệ VinIT,
Giáo sư Đại học Năng lượng Quốc gia Moskva

Tài liệu tham khảo

-Nghị quyết số 169/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, Chỉ thị 45-CT/TW và Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2021 – 2026.

-Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Nội Vụ về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài ngày 26/03/2004.

   GS.VS Nguyễn Quốc Sỹ,  Chủ tịch Viện Công nghệ VinIT, Giáo sư Đại học Năng lượng Quốc gia Moskva