Theo quyết định 490/QĐ-BHXH của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, từ tháng 4/2023, tất cả người sử dụng lao động phải đóng bảo hiểm thất nghiệp và trích tiền lương của người lao động hằng tháng để đóng cùng một lúc vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.
Ngoài ra, quyết định 490 cũng thay đổi thời hạn lập và gửi báo cáo về quản lý thu, cấp sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế. Theo đó, bảo hiểm xã hội huyện gửi báo cáo tháng cho bảo hiểm xã hội tỉnh trước ngày 5 của tháng sau; báo cáo quý gửi trước ngày 10 tháng đầu quý sau; báo cáo năm gửi trước ngày 25/1 của năm sau.
Trước đây, phương thức đóng bảo hiểm thất nghiệp như sau:
Đóng hằng tháng
Hằng tháng, chậm nhất đến ngày cuối cùng của tháng, đơn vị trích tiền đóng BHXH bắt buộc trên quỹ tiền lương tháng của những người lao động tham gia BHXH bắt buộc, đồng thời trích từ tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc của từng người lao động theo mức quy định, chuyển cùng một lúc vào tài khoản chuyên thu của cơ quan BHXH mở tại ngân hàng hoặc Kho bạc Nhà nước.
Đơn vị là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp trả lương theo sản phẩm, theo khoán thì đăng ký phương thức đóng 03 hoặc 06 tháng một lần với cơ quan BHXH; cơ quan BHXH phối hợp với cơ quan Lao động kiểm tra tại đơn vị trước khi quyết định phương thức đóng của đơn vị.
Chậm nhất đến ngày cuối cùng của phương thức đóng, đơn vị phải chuyển đủ tiền vào quỹ BHXH.
Đóng theo địa bàn
Đơn vị đóng trụ sở chính ở địa bàn tỉnh nào thì đăng ký tham gia đóng BHXH tại địa bàn tỉnh đó theo phân cấp của BHXH tỉnh.
Chi nhánh của doanh nghiệp hoạt động tại địa bàn nào thì đóng BHXH tại địa bàn đó hoặc đóng tại Công ty mẹ.
(Khoản 1, 2, 3 Điều 7 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017, được sửa đổi bởi Quyết định 505/QĐ-BHXH năm 2020).
Như vậy, trước ngày 01/04/2023, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động được đóng theo 3 phương thức đóng: 01 tháng, 03 tháng hoặc 06 tháng. Kể từ ngày 01/04/2023, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động chỉ còn đóng theo phương thức đóng hằng tháng.
Các chế độ bảo hiểm thất nghiệp
Theo Điều 42 Luật Việc làm 2013, chế độ bảo hiểm thất nghiệp bao gồm:
Trợ cấp thất nghiệp.
Hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm.
Hỗ trợ học nghề.
Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.
Điều kiện để được hưởng bảo hiểm thất nghiệp
Người lao động phải đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn hoặc xác định thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng.
Người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với hợp đồng làm việc theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng.
Cách tính bảo hiểm thất nghiệp
Theo Khoản 1, Điều 8, Thông tư số 28/2015/TT-BLĐTBXH tính bảo hiểm thất nghiệp được quy định như sau:
"Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng = Mức lương bình quân của 06 tháng liền kề có đóng bảo hiểm thất nghiệp trước khi thất nghiệp x 60%".
Mức đóng và trách nhiệm đóng bảo hiểm thất nghiệp
Người lao động đóng bằng 1% tiền lương tháng.
Người sử dụng lao động đóng bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và do ngân sách trung ương bảo đảm.