Thiệt thòi nếu nhận bảo hiểm xã hội một lần

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, chỉ trong ba tháng đầu năm 2022, số người được giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần là 208.943 người, tăng 1% so cùng kỳ năm 2021.
thiet-thoi-neu-nhan-bao-hiem-xa-hoi-mot-lan-1650248466.jpg
Người lao động xếp hàng đợi làm thủ tục rút bảo hiểm xã hội một lần tại Bảo hiểm xã hội thành phố Thủ Ðức (thành phố Hồ Chí Minh). (Ảnh LÊ TUYẾT)

Có thể thấy, dịch Covid-19 hoành hành hơn hai năm qua đã khiến nhiều người lao động mất việc làm, không có thu nhập, dẫn tới quyết định chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần để chi tiêu, nhưng cũng tự đánh mất đi "cơ hội" của mình khi hết tuổi lao động.

Chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam, ông Củ Phát Nghiệp nói rằng, mỗi tháng có 500 đến 650 công nhân của nhà máy nghỉ việc, tỷ lệ 1-1,2% so với tổng số nhân sự. Nhiều người trong số này là lao động có thâm niên hơn chục năm muốn rút bảo hiểm xã hội một lần.

Chỉ còn 5 tháng nữa là tròn 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, đủ điều kiện về thời gian tham gia để hưởng lương hưu, nhưng chị Nguyễn Thị Liên, công nhân Công ty Pou Yuen Việt Nam (quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh) quyết định nghỉ việc để chờ rút bảo hiểm. Theo tính toán của chị, ở tuổi 40, chị nghĩ còn quá trẻ để nghĩ đến lương hưu, trong khi gia đình còn nhiều việc phải lo. Hai con nhỏ đang đi học, món nợ xây nhà đến hạn phải trả nhưng vợ chồng không có khoản tích lũy nào. "Nếu không đến thời hạn 20 năm đóng bảo hiểm thì chắc tôi chưa nghỉ", chị Liên chia sẻ. Nếu tiếp tục làm việc vượt qua mốc 20 năm, chị sẽ không đủ điều kiện nhận bảo hiểm xã hội một lần mà phải chờ đủ tuổi nhận lương hưu. Trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, chị Liên trả phòng trọ rồi chuyển về Bình Dương. Hiện tại, mỗi tháng chị nhận trợ cấp thất nghiệp hơn 5 triệu đồng, kiếm hàng về may gia công tại nhà.

Theo tính toán, công nhân làm 19 năm sẽ rút bảo hiểm được chừng 130 triệu đồng. Trong khi đó, những người này có lương căn bản mỗi tháng từ 8-9 triệu đồng, chưa kể tăng ca, phụ cấp, thưởng Tết... chỉ cần họ làm một năm, tổng thu nhập đã cao hơn tiền trợ cấp một lần.

Số liệu của Bảo hiểm xã hội thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, người lao động chọn nhận trợ cấp một lần có quá trình tham gia bảo hiểm hơn 10 năm đang tăng dần qua các năm. Năm 2015, cơ quan này giải quyết gần 75.000 hồ sơ, trong đó hơn 8.200 người đóng bảo hiểm xã hội hơn 10 năm, chiếm tỷ lệ 11%; đến năm 2020, tỷ lệ này chiếm hơn 22% với gần 25 nghìn người nhận. Và từ đầu năm 2021 đến nay, Bảo hiểm xã hội thành phố Hồ Chí Minh chi trả chế độ trợ cấp một lần cho hơn 148 nghìn người, trong đó hơn 23 nghìn người tham gia bảo hiểm hơn 10 năm; không ít trường hợp chỉ còn thiếu 1-3 tháng là đủ 20 năm. 

Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mến cho biết, chỉ ba tháng đầu năm, thành phố có hơn 37 nghìn người nộp hồ sơ nhận trợ cấp một lần, tăng khoảng 19% so cùng kỳ năm 2021. Tình trạng quá tải làm thủ tục nhận bảo hiểm xã hội một lần không chỉ ở thành phố Thủ Ðức mà xảy ra ở các quận 12, Bình Tân, các huyện Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh… Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có số người nhận bảo hiểm xã hội tăng cao so với cả nước.

Tại hội nghị về đối thoại, tham vấn ý kiến chuyên gia, cán bộ công đoàn về thực hiện chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức mới đây, ông Andre Gama, Phụ trách chương trình an sinh xã hội của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam cho biết, nghiên cứu từ ILO cho thấy, 60% số phụ nữ rút bảo hiểm xã hội một lần trong năm 2019 là dưới 35 tuổi.

Việc tăng chi phí nuôi con và giảm sút thu nhập do mất việc làm chính là nguyên nhân lớn nhất ở Việt Nam khi rút bảo hiểm xã hội một lần. ILO khuyến nghị, cơ quan chuyên môn cần áp dụng chế độ cho trẻ em và các chế độ ngắn hạn để người lao động tự nguyện ở lại hệ thống bảo hiểm xã hội. Chẳng hạn, có thể dành một khoản trợ cấp cho trẻ em để giảm áp lực tài chính cho người lao động. Ðồng thời, Việt Nam cần đẩy mạnh truyền thông để nâng cao nhận thức và xây dựng lòng tin của người lao động với hệ thống an sinh xã hội. Hiện nay, thị trường lao động, cơ cấu dân số… đã thay đổi nên chính sách, pháp luật cũng cần thay đổi định kỳ phù hợp thực tế để bảo vệ người lao động Việt Nam. Theo ông Gama, để giữ người lao động, cần phải tìm cách củng cố hệ thống an sinh xã hội, bổ sung một số chế độ an sinh bảo đảm giải quyết vấn đề mà người lao động phải đối mặt-những vấn đề mà họ chỉ giải quyết được bằng cách rút bảo hiểm xã hội một lần.

Trước thực trạng số người rút bảo hiểm xã hội một lần gia tăng, Bảo hiểm xã hội Việt Nam khuyến nghị, người lao động khi không lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần, có quyền bảo lưu thời gian đóng để khi có điều kiện thì tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, hoặc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cho đủ số năm còn thiếu để đủ điều kiện hưởng lương hưu trang trải cuộc sống và được cấp thẻ bảo hiểm y tế (với mức hưởng 95% chi phí khám, chữa bệnh) trong suốt thời gian hưởng lương hưu.

Dự kiến Luật Bảo hiểm xã hội trong thời gian tới sẽ được sửa đổi theo hướng giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu ở mức tối thiểu từ 20 năm như hiện nay, xuống còn 15 năm, thậm chí là 10 năm theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.