Thị trường tăng trưởng cao nhất trong khu vực
Để thúc đẩy đầu tư nước ngoài vào ngành dược, Chính phủ Việt Nam đã có các ưu đãi đối với đầu tư sản xuất thuốc, vắc xin, khuyến khích nghiên cứu khoa học về công nghệ sinh học, sản xuất thuốc mới… Bộ Y tế hiện đang trình Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp dược đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 với các nội dung cụ thể liên quan đến chính sách đầu tư trong lĩnh vực dược phẩm.
Hiện nay, Ấn Độ đang đứng thứ 3 toàn cầu về sản lượng sản phẩm dược phẩm và thứ 14 về giá trị trong ngành này. Những Công ty dược phẩm hàng đầu của Ấn Độ đều đạt nhiều tiêu chuẩn quốc tế từ Mỹ, EU, Úc... Doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ đều đang có nhu cầu tìm kiếm cơ hội hợp tác trong lĩnh vực dược.
Thị trường dược phẩm Việt Nam được định giá khoảng 10 tỉ USD vào năm 2022, so với 5 tỉ USD vào năm 2015. Theo hãng nghiên cứu thị trường IBM, quy mô của ngành dược Việt Nam có thể đạt 16,1 tỉ USD vào năm 2026. Ngành này cũng có mức tăng trưởng 2%, đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 6% trong giai đoạn 2018-2022. Việt Nam có quy mô thị trường tương đối lớn với dân số hơn 98 triệu người và tuổi thọ xấp xỉ 76 tuổi. Khoảng 30% dân số Việt Nam có thể mua thuốc tây tương đối đắt tiền và con số này đang tăng lên. Trang Vietnam Briefing cho hay, ngành công nghiệp dược phẩm Việt Nam là một trong những thị trường tăng trưởng cao nhất trong khu vực nhờ tăng trưởng kinh tế, thu nhập bình quân đầu người tăng, dân số già, môi trường ô nhiễm, nguồn thực phẩm không an toàn kéo theo một số nhóm bệnh tật ngày càng tăng.
Nguồn thuốc ngoài thị trường có nguồn gốc không rõ ràng
Khi thị trường tăng trưởng nóng, thì nguồn thuốc ngoài thị trường có nguồn gốc không rõ ràng. Liên quan đến tình trạng thuốc giả, 2 năm nay, Bộ Y tế đã nhiều lần cảnh báo tình trạng thuốc điều trị giả, tẩy date thuốc để bán, trục lợi khi nhu cầu thị trường tăng cao. Không chỉ người tiêu dùng mà đây cũng là nỗi băn khoăn lớn của các nhà thuốc khi đứng giữa các chọn lựa nhà phân phối khác nhau. Thị trường thuốc giả hiện đang ngày càng tinh vi và mở rộng, vậy nên, việc các nhà thuốc đặt lòng tin đúng chỗ ở các nhà phân phối thuốc là một “bước đi” vô cùng quan trọng. Xóa bỏ đi nỗi lo về những nguồn cung không rõ xuất xứ đó, hầu hết các Quầy thuốc, Nhà thuốc bán lẻ và tư nhân hiện nay đều đặt hàng trực tiếp tại Hãng sản xuất hoặc Đại lý ủy quyền của Hãng, sàn thương mại điện tử kết nối các nhà thuốc, cơ sở y tế với các nhà phân phối dược phẩm uy tín được cấp phép. Luôn đảm bảo về mặt nguồn gốc rõ ràng và chính hãng với quy trình kiểm định nghiêm ngặt tại các kho đạt chuẩn GSP (Good Standard Practice) tại ba khu vực Hà Nội, TP.HCM và Bình Dương.
Cơ hội và phát triển
Với chiến lược đúng đắn, các công ty dược phẩm nước ngoài có thể được hưởng lợi khi tham gia vào giai đoạn đầu của chuỗi cung ứng ngành dược phẩm Việt Nam do chưa có nhiều đối thủ cạnh tranh lớn trên thị trường. Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn đối với các doanh nghiệp dược nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam là các công ty logistic FDI và các công ty dược nước ngoài không được phép phân phối dược phẩm trực tiếp và phải bán sản phẩm của họ cho các nhà phân phối dược phẩm trong nước. Một thách thức khác đối với các công ty đa quốc gia hoạt động tại Việt Nam là sự chậm trễ trong việc phê duyệt theo quy định đối với các loại thuốc mới.
Để tạo ra giá trị mới, bền vững hơn cho thời kỳ bình thường tiếp theo, các Doanh nghiệp cần đầu tư nghiên cứu thuốc mới và mở rộng dây chuyền sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn quốc tế; tăng cường ứng dụng công nghệ, tự động hóa trong sản xuất và kinh doanh; tăng cường các biện pháp quản trị rủi ro tài chính, chuỗi cung ứng; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng.