Cụ thể, thành phố Yên Bái đã triển khai nhiều giải pháp duy trì, nâng cao chỉ số CCHC như: thực hiện chấm điểm xác định chỉ số CCHC xã, phường; phát động phong trào thi đua CCHC; thường xuyên rà soát tiến độ, kết quả thực hiện các tiêu chí trong bộ chỉ số CCHC để có chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc kịp thời. Cùng với đó đặt ra nhiều mô hình, cách làm mới, sáng tạo, sáng kiến CCHC. Đặc biệt, thành phố đã thành lập các tổ rà soát, hỗ trợ giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) về đất đai xã, phường và thực hiện tốt quy trình nội bộ giải quyết TTHC về đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu (hợp pháp hóa đất đai), chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp.
Ông Nguyễn Ngọc Trúc - Chủ tịch UBND thành phố Yên Bái cho biết: "Trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), thành phố đã triển khai giải pháp "Đưa hội đồng GPMB xuống làm việc tại thực địa để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm. Nhờ đó, tất cả các ý kiến, phản ánh của người dân đều được đối thoại, giải quyết ngay tại chỗ, vướng mắc đến đâu, giải quyết đến đó và Hội đồng lập, thẩm định phương án ngay cho người dân biết và ký nhận, qua đó đẩy nhanh tiến độ gấp 3 lần so với trước đây. Đồng thời, hạn chế vướng mắc phát sinh mới. Ngoài ra thành phố đã thiết lập đường dây nóng để hỗ trợ trực tuyến người dân trong giải quyết TTHC về đất đai trên địa bàn thành phố. Tổ chức đối thoại với nhân dân, tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành chính sách của nhà nước về thu hồi đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Qua đó tạo những chuyển biến tích cực, rõ rệt trong tiếp cận đất đai, giảm chi phí thời gian và chi phí không chính thức, chính quyền các cấp năng động, sáng tạo hơn trong quản lý điều hành".
Được biết, thành phố Yên Bái là đơn vị đầu tiên trên địa bàn tỉnh ra mắt và vận hành Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh IOC từ năm 2021. Thành phố đẩy mạnh số hóa dữ liệu, nhất là dữ liệu về đất đai, đô thị, tài chính, cán bộ; triển khai phòng họp không giấy, sử dụng máy tính bảng, thiết bị điện tử đối với tất cả các kỳ họp của cấp ủy, chính quyền từ thành phố đến xã, phường, thực hiện họp trực tuyến tới 100% xã, phường.
Cùng với đó, thành phố đã phát huy tối đa các tiềm năng lợi thế sẵn có về hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT), trình độ cán bộ, nhận thức của người dân để phát triển nhanh các tiện ích của đô thị thông minh để phục vụ người dân, doanh nghiệp. Chỉ đạo triển khai nhiều mô hình, cách làm sáng tạo đem lại hiệu quả như: mô hình "TTHC không chờ" ở 15 xã, phường; tổ chức chi trả, thanh toán dịch vụ công bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt như: Thu phí chợ, thu phí dịch vụ hành chính công, thu phí vệ sinh môi trường, thu đảng phí, đoàn phí, chi trả phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách cấp xã, chi trả kinh phí bồi thường GPMB tại 15 xã, phường; mô hình tạo tài khoản trên Cổng dịch vụ công Quốc gia cho các công dân tại nhà thuộc các phường: Nguyễn Thái Học, Yên Thịnh, Nam Cường, Đồng Tâm...; ứng dụng bản đồ điện tử nhân viên y tế, bản đồ xe cứu thương, phần mềm đặt lịch xét nghiệm tại nhà và tiêm chủng dịch vụ (đã được gắn lên ứng dụng Yenbai-S). Đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, đến nay tỷ lệ người dân trưởng thành sử dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt đạt tỷ lệ 77,2%; tỷ lệ doanh nghiệp có thiết bị thanh toán điện tử đạt 100%; tỷ lệ hộ kinh doanh bán lẻ có thiết bị thanh toán điện tử đạt 95,4%.
Nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, UBND thành phố Yên Bái chỉ đạo các phòng, ban thực hiện nghiêm các quy định về đấu thầu, tăng cường thực hiện đấu thầu qua mạng; công khai đầy đủ chính sách hỗ trợ nhà đầu tư, tập trung giải quyết TTHC tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Chỉ đạo các xã, phường thường xuyên tổ chức "Ngày thứ 7 cùng dân và doanh nghiệp" để giới thiệu các định hướng thu hút đầu tư của thành phố, hướng dẫn quy trình thực hiện các TTHC, phổ biến chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh.
Cùng với đó thực hiện công khai kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, kế hoạch đầu tư công, dự toán ngân sách hàng năm; tạo mã QR các quy hoạch đã được phê duyệt (bao gồm cả quy hoạch đất, quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết) tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng hơn. Cùng với đó đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát cán bộ công chức trong quá trình thực thi công vụ, phân công cán bộ, công chức thực hiện tiếp nhận và giải quyết hồ sơ đủ năng lực, trình độ chuyên môn, có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, được tập huấn về kỹ năng giao tiếp về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Tỷ lệ hài lòng của người dân tại Bộ phận phục vụ hành chính công thành phố đạt 100%, niềm tin của người dân vào sự quản lý, điều hành của các cấp chính quyền được tăng lên. Điển hình, giai đoạn 2019-2022, thành phố Yên Bái luôn là địa phương dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính khối huyện, thị, thành phố trong tỉnh.
Yên Bái nâng cao chỉ số CCHC để thu hút đầu tư
Ngày 07/6/2023, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị công bố kết quả Chỉ số CCHC, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và các sở, ngành, địa phương năm 2022.
Theo đó, năm 2022, công tác CCHC được các cấp, các ngành tỉnh Yên Bái tập trung triển khai đồng bộ, toàn diện trong 6 lĩnh vực gồm: Cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công và xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Qua đó, góp phần đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, tăng cường kiểm tra, giám sát, nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và người dân trong tỉnh về CCHC; xác định rõ vai trò, trách nhiệm của từng tập thể, cá nhân có liên quan. Kết quả, Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) cấp tỉnh đạt 86,77 điểm, tăng 7 bậc so với năm 2021 lên vị trí 14/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) đạt 83,87%, tăng 03 bậc lên vị trí 11/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công (PAPI) đạt 41,832 điểm, duy trì ở Nhóm Trung bình cao.