Thành công từ mô hình nuôi ngựa hàng hóa của 7x xứ Mường

Đinh Thảo
Ở bản Lềm xã Huy Tân, huyện Phù Yên (Sơn La), nói đến gia đình anh Đinh Văn Hướng sinh năm 1975 ai cũng biết. Đây là hộ gia đình đã thay đổi cách nghĩ cách làm, mạnh dạn chuyển đổi cây, con có giá trị kinh tế cao vào phát triển kinh tế gia đình, điển hình là mô hình nuôi ngựa sinh sản, ngựa thịt mang lại hiệu quả kinh tế cao. Anh Hướng giờ đã trở thành điển hình nông dân có nguồn thu nhập cao từ trồng trọt, chăn nuôi gia súc của địa phương.
mo-hinh-ngua-1-1701054737.jpg
Mô hình nuôi ngựa hàng hóa của anh Đinh Văn Hướng 

Dẫn chúng tôi đi thăm trang trại chăn nuôi cách trung tâm xã Huy Tân (Phù Yên - Sơn La) khoảng 4km, nằm biệt lập trong một thung lũng, anh Đinh Văn Hướng chia sẻ: Anh là người dân tộc Mường, lại không học hành đến nơi, đến chốn, lấy vợ xong thì ở nhà làm ruộng, tăng gia, chăn nuôi, vừa làm vừa ăn. Muốn phát triển kinh tế nhưng lại thiếu kiến thức nên gia đình anh chưa chọn được hướng đi phù hợp trong phát triển kinh tế của gia đình. Được Hội Nông dân, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Phù Yên tổ chức các lớp tập huấn, anh có thêm nhiều kiến thức bổ ích trong việc trồng trọt, chăn nuôi. Sẵn có diện tích đất canh tác của gia đình, anh quy hoạch 2.000m2 đất trồng các loại dưa, như dưa chuột, dưa lê, dưa hấu.

Do thực hiện đúng kỹ thuật, lại được mùa, được giá nên ngay từ những năm đầu tiên, ruộng dưa nhà anh Hướng đã cho thu nhập gần 100 triệu đồng/vụ. Với suy nghĩ, trồng dưa phụ thuộc nhiều vào thời tiết, giá cả bấp bênh nên năm 2015, vợ chồng anh Hướng bắt đầu chuyển hướng sang chăn nuôi trâu, bò sinh sản. Từ đồng vốn tiết kiệm trong những năm trồng dưa, gia đình anh đã mua được 2 con trâu và 1 cặp bò sinh sản, đến năm 2017, đàn trâu, bò đã phát triển lên 8 con. Tuy nhiên, do thời điểm đó, giá trâu bò xuống thấp, thị trường không ổn định nên anh Hướng quyết định chuyển sang nuôi ngựa sinh sản và ngựa thịt theo hướng hàng hóa.

Theo anh Hướng tìm hiểu, ngựa là con vật dễ nuôi, dễ thích nghi, ít bệnh tật, giá cả và đầu ra ổn định. Lúc đầu, anh mua 5 con ngựa cái về nuôi thử. Nhờ khí hậu mát mẻ, phù hợp, đồng cỏ tự nhiên rộng, cộng với kiến thức nuôi ngựa tự học hỏi và kinh nghiệm chăn nuôi gia súc đã được tích lũy được nên đàn ngựa sinh sản, phát triển tốt, mỗi năm một lứa, ngựa đực anh nuôi vỗ béo bán bớt, ngựa cái tiếp tục nhân giống. Chỉ trong 3 năm, từ năm 2017-2020, đàn ngựa của gia đình anh Hướng có thời điểm lên đến 60 con. Thời điểm ngựa đang được giá, anh Hướng bán ngựa giống theo cặp, khi ngựa cái sinh sản, anh nuôi ngựa con đủ khoảng 5 tháng tuổi thì bắt đầu xuất bán. Với một cặp cả ngựa mẹ lẫn ngựa con như vậy bán được giá từ 60 -70 triệu đồng/cặp ngựa đẹp. Ngựa đực to béo, khỏe mạnh có thời điểm bán được 40 triệu đồng/con.

“Nuôi ngựa so với nuôi trâu bò vẫn dễ hơn vì ít bị bệnh, giá trị kinh tế cũng cao hơn, đầu ra ổn định. Trâu bò 1 năm đẻ được 1 con bán được 10 triệu đồng, 1 con ngựa được 1 năm bán được 25 triệu đồng. Ngựa không bao giờ mất giá, hiện tại ngựa của gia đình tôi bây giờ không có mà tiêu thụ, thương lái về tận trang trại mua ngựa giống và ngựa thịt” - anh Đinh Văn Hướng cho biết thêm.

Với lợi thế về bãi chăn thả rộng, nhiều sườn đồi cỏ mọc tự nhiên, nguồn nước khe núi chảy quanh năm, thuận lợi để phát triển chăn nuôi gia súc, anh Đinh Văn Hướng đầu tư nuôi thêm dê, lợn sinh sản, kết hợp trồng cỏ để chủ động nguồn thức ăn cho đàn gia súc. Trên cơ sở kiến thức đã được tập huấn và đúc rút kinh nghiệm trong quá trình chăn nuôi, anh luôn tuân thủ quy trình hướng dẫn kỹ thuật từ khâu chọn giống, chăm sóc, nguồn thức ăn, tiêm phòng dịch, vệ sinh chuồng trại… nên đàn gia súc nhà anh Hướng phát triển đều đặn. 0

Hiện nay, gia đình anh có 45 con ngựa, 30 con dê, 12 con bò và 10 con lợn; trong đó có khoảng 35 ngựa nái. Mỗi năm, hơn 3 chục nái ngựa đẻ trung bình 20-25 con, bán ra thị trường, vừa thịt vừa bán, trung bình 1 con bán được 20-25 triệu. Dê sinh sản nhanh, mỗi năm 2 lứa, mỗi lứa 15 con, thu nhập từ tiền bán dê từ 40-50 triệu đồng. Tình bình quân từ chăn nuôi gia súc của gia đình anh Hướng năm sau cao hơn năm trước. Năm 2020, gia đình anh thu 350 triệu đồng, năm 2021 thu 420 triệu đồng, năm 2022 thu 450 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí. Năm 2023, nếu giá cả ổn định, thời tiết mưa thuận, gió hòa, dự kiến thu nhập từ trồng trọt, chăn nuôi của gia đình anh Hướng trên 500 triệu đồng, bình quân 8,3 triệu đồng/người/tháng.

Nhờ thu nhập từ trồng lúa, hoa màu và chăn nuôi, gia đình anh Đinh Văn Hướng đã làm được ngôi nhà sàn khang trang, đầy đủ tiện nghi, trị giá trên 500 triệu đồng. Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, anh hướng còn vận động bà con trong bản học tập và làm theo mô hình của gia đình để xóa đói giảm nghèo; đồng thời, tạo việc làm ổn định cho 2 lao động với mức thu nhập trên 4 triệu đồng 1 tháng. Ngoài ra, năm 2020, anh Hướng còn chuyển toàn bộ đất nương canh tác hoa màu kém hiệu quả sang trồng cây tếch.

mo-hinh-ngua-2-1701054737.jpg
Mô hình của gia đình anh Đinh Văn Hướng là mô hình đầu tiên của bản Lềm phát triển hiệu quả

Anh Đinh Văn Mừng, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Lềm, cho biết: “Mô hình của gia đình anh Đinh Văn Hướng là mô hình đầu tiên của bản Lềm phát triển hiệu quả. Hội Nông dân xã cũng đã lồng ghép với các cuộc họp của Chi bộ, của tổ chức Hội Nông dân xã tuyên truyền cho hội viên để tìm hiểu và học hỏi thêm cách làm kinh tế của gia đình anh Hướng. Hội cũng đề ra phương hướng tận dụng hết chỗ đất ở trên đồi để trồng các loại cây tếch và cây gáo vàng. Những hộ nào chăn nuôi nhỏ lẻ cũng tăng thêm đàn gia súc để phát triển kinh tế cho từng hộ phát triển khá hơn”.

Anh Đinh Văn Hướng chia sẻ, có được kết quả như ngày hôm nay, trước hết, vợ chồng anh đã cùng đồng cam, cộng khổ, dám nghĩ dám làm, dám thay đổi, quyết tâm xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng trên chính mảnh đất quê hương mình. Anh cho rằng, trong quá trình phát triển kinh tế, phải quản lý tốt tiền vốn, lao động, thời gian; tuân thủ kỹ thuật, vật tư; đồng thời phải nắm bắt kịp thời các thông tin về lĩnh vực khoa học kỹ thuật mới, tích cực tham khảo, học tập những mô hình hiệu quả khác. Cùng với đó là sự tạo điều kiện thuận lợi của cấp ủy, chính quyền địa phương, của Hội Nông dân các cấp trong việc tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật và hướng dẫn nông dân cách làm giàu.

Bích Luyện (CTV)