Dự Lễ khai mạc có đồng chí Nguyễn Văn Hùng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương; đại biểu đại diện Văn phòng Chính phủ; đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản; lãnh đạo UBND tỉnh Lai Châu; đại diện một số Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Sở Du lịch các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Ninh Bình, Lai Châu, Hà Giang.
Về phía tỉnh Yên Bái, dự Lễ khai mạc có đồng chí Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; đồng chí Tạ Văn Long - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Trần Huy Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Yên Bái; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh Yên Bái và thị xã Nghĩa Lộ qua các thời kỳ; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, đảng ủy trực thuộc; lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; đại biểu các tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cùng đông đảo nhân dân và du khách.
Phát biểu tại Lễ Khai mạc, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đề nghị tỉnh Yên Bái cần tiếp tục quan tâm, phát triển văn hoá ngang tầm với kinh tế chính trị xã hội, bám sát quan điểm “nguồn lực bắt đầu từ tư duy, động lực bắt đầu từ sự đổi mới, sức mạnh bắt đầu từ nhân dân” theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc làm việc với tỉnh Yên Bái và thị xã Nghĩa Lộ.
Cùng với đó, Bộ trưởng cho rằng địa phương cần tiếp tục quan tâm triển khai hiệu quả Chương trình hành động Quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể "Nghệ thuật Xòe Thái" đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Khơi dậy lòng tự hào, ý thức trách nhiệm của mọi người tham gia bảo vệ và phát huy di sản bằng những việc làm thiết thực; Tiếp tục nhân rộng các mô hình, tạo điều kiện cho việc thực hành, sáng tạo và truyền dạy Di sản Nghệ thuật Xòe Thái trong cộng đồng nhằm nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng và nhân dân địa phương.
Đồng thời, các cấp ủy, chính quyền cần quan tâm bố trí đủ nguồn lực cho các chương trình, dự án, đề án, nghiên cứu khoa học về bảo tồn văn hóa và nâng cao hiệu quả công tác quản lý văn hóa vùng dân tộc thiểu số gắn với các chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số.
"Đối với bà con nhân dân dân tộc Thái nói riêng và các dân tộc trong tỉnh Yên Bái nói chung, chúng ta có quyền tự hào về những di sản văn hóa của dân tộc mình. Di sản văn hóa chỉ có thể tồn tại và phát triển khi được đặt trong môi trường sinh hoạt văn hóa cộng đồng mà ở đó người góp phần gìn giữ, bảo vệ, phát huy văn hóa chính là mỗi người dân trong cộng đồng.
Tôi mong rằng, mỗi người dân ở Mường Lò - Nghĩa Lộ nói riêng và người dân Yên Bái nói chung sẽ là một sứ giả văn hóa, mang văn hóa của dân tộc mình đi khắp muôn nơi, giới thiệu, quảng bá để bạn bè trong nước và quốc tế biết đến và yêu mến bản sắc văn hóa dân tộc mình, thúc đẩy phát triển các hoạt động dịch vụ du lịch, góp phần xây dựng quê hương Yên Bái ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, hạnh phúc", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng bày tỏ.
Với triết lý phát triển nhanh, bền vững theo hướng “Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”, Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng tin tưởng rằng trong thời gian tới, tỉnh Yên Bái sẽ làm tốt việc gìn giữ, phát huy các giá trị của Nghệ thuật Xòe Thái nói riêng và văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh nói chung; Tạo sức sống mới cho di sản, để di sản mãi mãi trường tồn, ngày càng lan tỏa, làm phong phú thêm kho tàng di sản hôm nay và mai sau, góp phần quan trọng xây dựng, phát triển tỉnh Yên Bái trở thành tỉnh khá vào năm 2025 và là một trong 5 tỉnh phát triển hàng đầu trong vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ vào năm 2030.
Phát biểu khai mạc Lễ hội, đồng chí Trần Huy Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Khai mạc Lễ hội Văn hóa Du lịch Mường Lò năm 2023 - một trong những sự kiện được tổ chức thường niên, đã trở thành sản phẩm văn hóa du lịch đặc trưng, mang bản sắc và thương hiệu riêng có của Thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái. Đến với Lễ hội Văn hóa, Du lịch Mường Lò năm nay, nhân dân và du khách sẽ được tham quan, thưởng lãm không gian văn hóa rực rỡ sắc màu của Ngày hội Văn hóa các dân tộc Yên Bái; được trải nghiệm trò chơi dân gian; được bay trên dù lượn, thả hồn trong hương sắc mùa thu ngắm thung lũng Mường Lò cùng nhiều hoạt động hấp dẫn, đặc sắc trong khuôn khổ Lễ hội; được hòa mình trong vòng xòe bất tận để cảm nhận những giá trị nhân văn sâu sắc, sức sống mãnh liệt và sự lan tỏa mạnh mẽ của Nghệ thuật xòe Thái, di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã được Unesco ghi danh.
Đặc biệt, tại Lễ hội này, nhân dân và du khách sẽ được tham quan không gian quảng bá, giới thiệu các di tích lịch sử, di sản văn hóa của Thành phố Hà Nội ngàn năm văn hiến - như một món quà ý nghĩa gửi tặng nhân dân và du khách gần xa trong những ngày trải nghiệm trên mảnh đất Mường Lò, tạo cầu nối văn hóa, để thêm hiểu, thêm yêu quê hương, đất nước, con người Việt Nam tươi đẹp.Thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận và cảm ơn sự nỗ lực, cố gắng, tâm huyết của cấp ủy, chính quyền và nhân dân Thị xã Nghĩa Lộ trong việc bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Xòe Thái; cảm ơn các nghệ nhân, các diễn viên quần chúng và các em học sinh trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ - với niềm tự hào dân tộc và tình yêu di sản, đã tích cực góp phần lan tỏa giá trị di sản và đóng góp quan trọng vào thành công của các lần tổ chức Lễ hội Văn hóa Du lịch Mường Lò.
Với tình cảm yêu mến của nhân dân, du khách gần xa đối với Mường Lò, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn cho rằng đây sẽ là động lực tinh thần, là nguồn lực quan trọng để Yên Bái tiếp tục cụ thể hóa, hiện thực hóa mục tiêu, nhiệm vụ phấn đấu xây dựng Nghĩa Lộ là thị xã văn hóa, du lịch, trung tâm kinh tế, văn hóa, thương mại, dịch vụ, du lịch của vùng phía Tây tỉnh Yên Bái và trở thành đô thị văn hóa di sản trong tương lai như Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021 - 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 9/2023 vừa qua.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh hy vọng rằng, Mường Lò sẽ là một “điểm đến an toàn, thân thiện, bản sắc, hấp dẫn, ấn tượng” trong lòng du khách và bè bạn gần xa trên hành trình khám phá văn hóa, du lịch vùng Tây Bắc.
Tại lễ hội năm nay, du khách trong và ngoài nước đã được thưởng thức màn diễu diễn đường phố đặc sắc với sự tham gia của 350 diễn viên quần chúng đến từ các dân tộc của 9 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Các màn diễu diễn mang đầy sắc màu và độc đáo, thể hiện những giá trị tinh hoa, đặc sắc nhất trong văn hóa bản địa của bà con dân tộc, như lời chào đón, mời gọi những du khách đến khám phá, trải nghiệm vùng đất Yên Bái huyền thoại.
Tiếp đó là đêm khai mạc lễ hội với chương trình nghệ thuật đặc sắc mang chủ đề “Mường Lò - Miền di sản”. Chương trình gồm 3 chương với nhiều điểm mới, đặc sắc, được dàn dựng công phu với các màn nghệ thuật tái hiện lịch sử hình thành, phát triển của mảnh đất Mường Lò, Nghĩa Lộ, kết hợp cùng các nét văn hóa đặc trưng của cộng đồng các dân tộc tỉnh Yên Bái.
Điểm nhấn của đêm khai mạc Lễ hội năm nay là chương trình nghệ thuật đặc sắc với chủ đề “Mường Lò - Miền di sản”. Chương trình gồm 3 chương với nhiều điểm mới, đặc sắc, được dàn dựng công phu với các màn nghệ thuật tái hiện lịch sử hình thành, phát triển của mảnh đất Mường Lò, Nghĩa Lộ, kết hợp cùng các nét văn hóa đặc trưng của cộng đồng các dân tộc tỉnh Yên Bái. Đặc biệt chương trình đã có sự kết hợp sáng tạo giữa văn hoá truyền thống kết hợp yếu tố hiện đại. Chương trình là một câu chuyện được bằng âm nhạc kể về một người con quê gốc Yên Bái khi đưa những người bạn đến thăm mảnh đất Mường Lò.
Trong đó chương 1 - “Về miền di sản” đã khái lược những câu chuyện và những danh thắng của tỉnh Yên Bái - vùng đất “thanh sơn bích thủy”, một miền quê đậm đà bản sắc với hơn 30 dân tộc anh em cùng chung sống; nơi hội tụ những giá trị văn hóa thống nhất mà đa dạng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, đã và đang góp phần làm giàu thêm kho tàng di sản văn hóa của Việt Nam và nhân loại.
Chương 2 - “Mường Lò trong bài ca đất nước” đã tập trung miêu tả về mảnh đất Nghĩa Lộ với những danh thắng, ẩm thực và cảnh đẹp, phản ánh quá trình lao động, sản xuất, những sinh hoạt văn hóa của người dân nơi đây.
Chương 3 - “Vũ điệu Mường Lò” với sự tham gia của 2023 diễn viên quần chúng, nghệ nhân, học sinh của Thị xã Nghĩa Lộ trình diễn 6 điệu Xòe cổ, tạo hình tượng văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Thái như: Hoa Ban, nhà Sàn, các họa tiết hoa văn trên thổ cẩm của đồng bào Thái… Chương trình đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân và du khách.
Trong khuôn khổ Lễ hội Văn hóa, Du lịch Mường Lò năm 2023, người dân và du khách đã được tham quan, thưởng lãm không gian văn hóa rực rỡ sắc màu của Ngày hội Văn hóa các dân tộc Yên Bái; Được trải nghiệm trò chơi dân gian; Được bay trên dù lượn, thả hồn trong hương sắc mùa thu ngắm thung lũng Mường Lò cùng nhiều hoạt động hấp dẫn, đặc sắc trong khuôn khổ Lễ hội; Được hòa mình trong vòng xòe bất tận để cảm nhận những giá trị nhân văn sâu sắc, sức sống mãnh liệt và sự lan tỏa mạnh mẽ của Nghệ thuật xòe Thái, Di sản Văn hóa Phi Vật thể đại diện của nhân loại đã được UNESCO ghi danh.
Đặc biệt, người dân và du khách được tham quan không gian quảng bá, giới thiệu các Di tích Lịch sử, Di sản Văn hóa của TP Hà Nội nghìn năm văn hiến, như một món quà ý nghĩa gửi tặng người dân và du khách gần xa trong những ngày trải nghiệm trên mảnh đất Mường Lò, tạo cầu nối văn hóa, để thêm hiểu, thêm yêu quê hương, đất nước.
Một số hình ảnh tại Lễ Khai mạc Lễ hội Văn hóa, Du lịch Mường Lò năm 2023: