Thái Nguyên: Phát huy hiệu quả Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cho các mục tiêu bền vững

Qua hơn 10 năm thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng gắn với hoạt động quản lý, Quỹ Bảo vệ phát triển rừng tỉnh Thái Nguyên đã tạo ra sự chuyển biến tích cực trong việc huy động các nguồn lực xã hội, khẳng định là hướng đi đúng đắn, từng bước đi vào cuộc sống, tạo nên một nguồn lực tài chính mới ngoài ngân sách, mang tính ổn định, bền vững, phục vụ công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Qua đó, góp phần tạo ra nhiều việc làm, cải thiện sinh kế, tăng thu nhập, nâng cao đời sống của người làm nghề rừng và đồng bào các dân tộc ở các vùng miền núi tỉnh Thái Nguyên.

Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Thái Nguyên là quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách, được thành lập theo Quyết định số 1067/QĐ-UBND ngày 07/6/2013 của UBND tỉnh Thái Nguyên; tổ chức, hoạt động theo loại hình đơn vị sự nghiệp công lập.

Trong những năm qua, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Thái Nguyên đã khắc phục mọi khó khăn, tham gia có hiệu quả vào công tác huy động nguồn đóng góp của các tổ chức, cá nhân hưởng lợi từ dịch vụ môi trường rừng. Qua đó, kịp thời chi trả, hỗ trợ các chủ rừng và cộng đồng nhân dân tham gia tích cực vào công tác quản lý bảo vệ rừng, trồng rừng thay thế, góp phần to lớn vào việc đảm bảo an ninh rừng cũng như nâng cao tỉ lệ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh. 

Theo quy định của pháp luật, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, cá nhân hưởng lợi từ dịch vụ môi trường rừng như: thủy điện, nước sạch, du lịch sinh thái, nuôi trồng thủy sản, cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nước trong quá trình sản xuất hoặc các nhà máy phát thải khí CO2… phải chi trả dịch vụ môi trường rừng. Từ khi thành lập đến nay, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Thái Nguyên đã tham mưu và trực tiếp đàm phán ký kết hợp đồng ủy thác chi trả dịch vụ môi trường rừng với nhiều doanh nghiệp có sử dụng dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh. Đây là nguồn lực quan trọng góp phần thực hiện chủ trương xã hội hoá công tác bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh.  

z6605278414198-b3afa2804aa4de26737c9607228a204e-1747367755.jpg
Ông Lê Cẩm Long (bìa trái) - Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Thái Nguyên kiểm tra công tác bảo vệ rừng.

Đánh giá hiệu quả của chính sách, ông Lê Cẩm Long – Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Thái Nguyên cho biết: Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng không chỉ giúp người dân nâng cao ý thức trong bảo vệ rừng, mà còn góp phần tăng thu nhập, tạo động lực để người dân gắn bó, bảo vệ rừng, từng bước thay đổi nhận thức của nhân dân về vai trò và tác dụng của rừng, nâng tỷ lệ che phủ rừng, cải thiện môi trường sinh thái trên địa bàn tỉnh. Việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng đã trực tiếp giúp các chủ rừng trong tỉnh có thêm nguồn kinh phí để triển khai công tác bảo vệ rừng; các chủ rừng và các hộ nhận khoán bảo vệ rừng có thêm thu nhập cải thiện đời sống, góp phần bảo vệ, phát triển và quản lý rừng được tốt hơn…

z6605280606659-3fc10aa5bfc61adad1c92bc22b5de46c-1747367755.jpg
Lãnh đạo, cán bộ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Thái Nguyên kiểm tra công tác bảo vệ và phát triển rừng.

Để bảo đảm tiến độ và sự công khai minh bạch trong chi trả dịch vụ môi trường rừng, căn cứ vào nguồn thu, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng, hoàn thiện đề cương dự toán; tập trung hoàn thành công tác xây dựng bản đồ chi trả dịch vụ môi trường rừng và bản đồ lưu vực nơi cung ứng dịch vụ môi trường rừng, bảo đảm đầy đủ thông tin về chủ rừng, diện tích rừng được chi trả theo từng xã; phối hợp giải quyết những kiến nghị và phục vụ công tác kiểm tra, giám sát diện tích rừng đủ điều kiện cung ứng dịch vụ môi trường rừng, cập nhật bổ sung thông tin sau giải ngân tiền dịch vụ môi trường rừng. 

Trong hơn 10 năm qua, hoạt động chi trả dịch vụ môi trường rừng tại Thái Nguyên được thực hiện nghiêm túc, đúng thời gian, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không chỉ tạo niềm tin cho các cá nhân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ môi trường rừng đóng góp cho Quỹ, mà đã tác động vô cùng mạnh mẽ đến công tác bảo vệ và phát triển rừng, giúp tình hình an ninh rừng trên địa bàn lưu vực chi trả dịch vụ môi trường rừng tiếp tục ổn định, không có tụ điểm, điểm nóng về vi phạm an ninh rừng, công tác phòng cháy chữa cháy rừng cũng được thực hiện đồng bộ và hiệu quả. Đặc biệt, nguồn kinh phí từ chi trả dịch vụ môi trường rừng cũng góp phần hỗ trợ sinh kế, nâng cao nhận thức của nhân dân về công tác quản lý bảo vệ rừng.

z6605282083853-f6f4bbef9351fba5bdb914871c84a9e6-1747367755.jpg
Diện tích rừng trồng thay thế tại huyện Định Hoá, Thái Nguyên.

“Thời gian tới, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục, thường xuyên theo dõi các đơn vị mới phát sinh sử dụng dịch vụ môi trường rừng để lập kế hoạch; liên hệ làm việc, đàm phán ký kết hợp đồng ủy thác chi trả dịch vụ môi trường rừng để huy động kịp thời các nguồn lực; Tiếp tục phối hợp với Chi cục Kiểm lâm, các UBND huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan kiểm tra việc quản lý, sử dụng tiền DVMTR của các đơn vị chủ rừng là tổ chức, UBND cấp xã nhằm phát hiện, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý các phát sinh trong quá trình thực hiện; Tổ chức các lớp tuyên truyền phổ biến chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng… Quyết tâm tối đa thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao” - ông Lê Cẩm Long - Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Thái Nguyên, nhấn mạnh.

Bùi Cường – Đức Long