Tết Đoan ngọ xứ Quảng độc đáo với bánh ú tro

Vào ngày Tết Đoan ngọ, nếu như người miền Bắc thường ăn cơm rượu, người miền Nam thường ăn thịt vịt quay,..., thì ở miền Trung, người Quảng Nam - Đà Nẵng cũng có nhiều tục lệ riêng. Người xứ Quảng vẫn coi Tết Đoan ngọ là ngày tết đoàn viên, gia đình sum họp.
tet-doan-ngo-o-xu-quang-doc-dao-voi-banh-u-tro-04-1654223554.jpg
Đến hẹn lại lên, cứ đến dịp Tết Đoan Ngọ nhà nhà tại Hội An lại tất bật gói bánh ú tro để phục vụ thị trường

Bánh ú tro là món ăn vặt phổ biến trong văn hóa ẩm thực Việt Nam. Loại bánh này hiện nay có mặt trên khắp các vùng miền trong cả nước, nhưng ngon nhất phải kể đến bánh ú tro Hội An (Quảng Nam). Hễ tới mùng 5/5 âm lịch là nhà nào ít nhất cũng có vài ba chục chiếc bánh ú tro. Không giống như bánh ú tro ở Huế thường có nhân bên trong, bánh ú tro xứ Quảng tạo hình khối tam giác, được chế biến chủ yếu từ nước tro và gạo nếp. Bánh màu vàng trong và có hương thơm nhẹ.

tet-doan-ngo-o-xu-quang-doc-dao-voi-banh-u-tro-043-1654223554.jpg
Lá bánh được làm từ lá đót mua lại của những người chuyên đi hái lá rừng ở các vùng đèo Hải Vân, hay vùng núi Phước Sơn (Quảng Nam) mới “đúng điệu”

Đến hẹn lại lên, năm nào cũng vậy, bắt đầu từ những ngày đầu tháng 5 âm lịch, khắp nơi ở Hội An nhà nhà rộn ràng bước vào mùa làm bánh ú tro. Nhà bà Phan Thị Phương Sen (khối phố Nam Diêu, phường Thanh Hà, TP. Hội An) lại nhộn nhịp người ra vào từ những ngày cuối tháng 4 âm lịch. “Bánh ú tro Hội An có vị thơm ngon đặc trưng, hương vị đậm đà nên được nhiều người ưa chuộng. Gần Tết Đoan ngọ, mỗi ngày cơ sở của tôi gói nấu khoảng vài chục nghìn bánh, xuất đi Tam Kỳ, Đà Nẵng….”, bà Sen chia sẻ.

tet-doan-ngo-o-xu-quang-doc-dao-voi-banh-u-tro-11-1654223554.jpg
Người gói cần tỉ mỉ, làm thế nào để bánh chắc không vung, thật đều, kín và cân đối

Bà Sen cho biết, để làm 1 chiếc bánh qua rất nhiều công đoạn như từ chuẩn bị nguyên liệu, đến gói bánh, luộc và cuối cùng là ra thị trường đến tay người dùng. Bánh ú tro Hội An cũng được làm từ hai nguyên liệu chính là gạo nếp và nước tro. Điểm khác biệt tạo nên sự nổi tiếng của bánh ú tro xứ Quảng là khâu chọn nguyên liệu cách gạn tro, gói bánh đến khâu luộc bánh.

tet-doan-ngo-o-xu-quang-doc-dao-voi-banh-u-tro-10-1654223553.jpg
Sau khi gói xong bánh được cho vào nồi nấu, canh chừng khoảng 5-6 tiếng tùy theo số lượng bánh trong nồi đạt độ chín đều, dẻo ngon và có màu bắt mắt

Nếp làm bánh ú tro Hội An loại gạo mới gặt tháng 3, hạt mẩy, chắc, ít lẫn gạo. Sau khi chọn nếp xong, người làm sẽ đem đãi sạch rồi ngâm với nước tro được đốt từ thân cây mè (vừng). Thông thường, người ta hay dùng nước giếng Bá Lễ (giếng cổ có từ lâu đời ở phường Minh An, thành phố Hội An, Quảng Nam) để cho ra mẻ bánh có vị thơm ngon đặc biệt.
Công đoạn gói bánh ú tro Hội An cũng rất cầu kỳ. Người ta phải cho gạo vào lòng chiếc lá thật gọn gàng, rồi quấn và bẻ mép lá ở hai đầu bánh thật khít, đều và cân đối, dây lạt buộc bánh cũng không quá chặt để khi hạt gạo nếp có thể nở ra và chín đều.

tet-doan-ngo-o-xu-quang-doc-dao-voi-banh-u-tro-07-1654223553.jpg
Món bánh ú tro ở Hội An có hình khối tam giác, tên cổ là bánh âm, được người dân cúng và dùng nhiều trong tết Đoan Ngọ

Bánh ú tro Hội An khi chín thường có màu vàng ươm của gạo nếp ngâm tro, màu lá kè xanh vàng rất bắt mắt. Nếu muốn ăn ngọt thì chấm bánh với đường cát, hoặc mật mía. Bánh có vị ngọt thanh chứ không ngọt khé. Thông thường, người dân Quảng Nam thường gói bánh ú tro vào các dịp lễ, Tết, đặc biệt là Tết Đoan Nngọ. Thường một chục bánh một chùm, người quen hay khéo tay có thể gói từ 1.500-2.000 cái mỗi ngày. Giá bán sỉ cho thương lái hiện nay là 15.000/chục.

tet-doan-ngo-o-xu-quang-doc-dao-voi-banh-u-tro-09-1654223554.jpg
Giá bán sỉ cho thương lái hiện nay là 15.000/chục hay xâu bánh

Ngày nay, không chỉ trong dịp Tết Đoan ngọ mới thưởng thức được bánh ú tro xứ Quảng mà bánh ú tro cũng được làm đều đặn hằng ngày dù số lượng không nhiều để phục vụ cho nhu cầu của người dân và du khách khi đến Hội An.

Đức Huấn – Nhuận Mẫn