Tất cả đã sẵn sàng cho năm học mới 2024 - 2025

Năm học mới đang tới gần, trên cả nước, các tỉnh, thành phố đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, từ thực hiện công tác tuyển sinh đầu cấp, tập huấn nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất đến cung cấp đủ sách giáo khoa... Về cơ bản, tất cả đã sẵn sàng cho năm học mới 2024 - 2025.
tat-ca-da-san-sang-cho-nam-hoc-moi-2024-2025-3-1725440349.jpg
Công tác chuẩn bị đón năm học mới 2024 - 2025 tại các trường về cơ bản đều đã sẵn sàng. (Ảnh: Báo Hànộimới)

Năm học 2024 - 2025 là một năm học đặc biệt

Sở dĩ nói năm học 2024 - 2025 là năm học đặc biệt bởi đây là năm khép kín chuỗi đổi mới chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ở năm học này, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được triển khai đồng loạt ở lớp 5, lớp 9 và lớp 12. Đây cũng là năm học diễn ra kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 và tốt nghiệp trung học phổ thông đầu tiên theo chương trình giáo dục phổ thông mới 2018.

Hiện các cơ sở giáo dục trên toàn quốc đã hoàn tất các khâu chuẩn bị cuối cùng để cùng học sinh bước vào năm học mới.

Ở Hà Nội, để chuẩn bị cho năm học mới, nhiều trường đã tiến hành tu bổ, bổ sung trang thiết bị đồ dùng dạy học; sửa chữa bàn ghế, thiết bị điện chiếu sáng. Đối với đội ngũ cán bộ, giáo viên, dù trong thời gian nghỉ hè hay thời điểm cận kề năm học mới, các thầy cô vẫn tích cực tham gia các chương trình tập huấn chuyên môn nghiệp vụ, bồi dưỡng chương trình sách giáo khoa mới… Theo ghi nhận, đây vẫn là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước, dẫn đầu về số lượng học sinh với trên 2,3 triệu em, hơn 2.900 trường học. Việc giảm sĩ số học sinh/lớp luôn là mục tiêu, giải pháp của ngành giáo dục Hà Nội để tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục, theo Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Nội (hiện sĩ số trung bình cấp tiểu học của toàn thành phố chỉ khoảng 37,5 học sinh/lớp).

Tại TP Hồ Chí Minh, năm học 2024 - 2025, toàn thành phố có trên 1,7 triệu học sinh các cấp, tăng 24.097 học sinh so với năm học trước. Trong năm học này, thành phố dự kiến đưa vào sử dụng 23 trường học mới với gần 500 phòng học, tổng mức đầu tư hơn 2,2 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, nhu cầu tuyển dụng nhân sự cho năm học mới (tính đến tháng 7/2024) của thành phố là 3.522 giáo viên và 720 nhân viên. Ngành giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh xác định năm học 2024 - 2025 sẽ tiếp tục thực hiện theo tinh thần “nhà trường là nền tảng, thầy cô là động lực, học sinh là trung tâm” để đạt được những nhiệm vụ đề ra. Theo ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh.

Đối với các địa phương khác, công tác chuẩn bị cho năm học mới cũng được chú trọng. Có thể kể đến như tỉnh Hưng Yên đã đầu tư trên 1.100 tỷ đồng để xây mới, sửa chữa phòng học, mua sắm trang thiết bị đồ dùng học tập, xây dựng thư viện, công trình vệ sinh, cải tạo khuôn viên các trường học. Tỉnh Bạc Liêu đã đầu tư xây dựng mới trên 150 phòng học, 33 nhà vệ sinh với tổng kinh phí trên 245 tỷ đồng; cải tạo, sửa chữa trên 500 phòng học, sơn tường, sửa chữa bàn ghế học sinh, sửa chữa hệ thống điện phòng học... với tổng kinh phí trên 67 tỷ đồng. Tại tỉnh Yên Bái, hàng loạt trường học đã được cải tạo, với các lớp học được trang bị đầy đủ thiết bị dạy học hiện đại. Nhiều trường đã hoàn thành việc xây dựng các phòng học chức năng như phòng thí nghiệm, thư viện, và phòng tin học, nhằm đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của học sinh…

Các trường học ở các tỉnh miền núi dù còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng cũng đã chuẩn bị mọi điều kiện, từ việc đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp cơ sở trường, lớp, mua sắm bổ sung trang thiết bị đến việc sắp xếp, bố trí giáo viên để sẵn sàng cho năm học mới.

Với sự chuẩn bị chu đáo từ cơ sở vật chất đến đội ngũ giáo viên, toàn ngành giáo dục đã sẵn sàng cho một năm học mới, hứa hẹn đạt được nhiều thành công mới.

Ngành Giáo dục cần nỗ lực thực hiện nhiệm vụ năm học mới

tat-ca-da-san-sang-cho-nam-hoc-moi-2024-2025-2-1725440350.jpg
Bộ giao toàn ngành Giáo dục nỗ lực thực hiện 12 nhóm nhiệm vụ chủ yếu trong năm học mới 2024 - 2025. (Ảnh: Báo Hànộimới)

Năm học 2024 - 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ thị toàn ngành giáo dục tập trung thực hiện 12 nhóm nhiệm vụ chủ yếu với chủ đề: “Đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng, đoàn kết kỷ cương”. Trong đó có các nhiệm vụ: Tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giáo dục; Đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục cho mọi đối tượng, nhất là người dân tộc thiểu số, trẻ mồ côi, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo,...

Nâng cao chất lượng giáo dục các cấp. Triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông đối với các lớp, đặc biệt với các lớp 5, lớp 9, lớp 12. Chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025. Tổ chức tốt Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và tham dự các Kỳ thi Olympic Quốc tế năm 2025.

Sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục. Đảm bảo ngân sách thực chi cho giáo dục và đào tạo tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước. Nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo. Đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong toàn ngành.

Bên cạnh đó, Bộ cũng yêu cầu toàn ngành tăng cường các điều kiện đảm bảo về hạ tầng kỹ thuật và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục và đào tạo; tiếp tục xây dựng hạ tầng học tập quốc gia, kho học liệu số chia sẻ dùng chung toàn ngành, gồm: bài giảng điện tử, học liệu số đa phương tiện, sách giáo khoa điện tử, phần mềm mô phỏng và các học liệu khác…

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đưa ra 29 chỉ tiêu về giáo dục và đào tạo chung của cả nước phấn đấu đạt được trong năm học 2024 - 2025. Trong đó, một số chỉ tiêu đáng chú ý như: huy động 99,7% trẻ em 6 tuổi vào lớp 1; tỷ lệ hoàn thành chương trình tiểu học phấn đấu đạt 99,5%; 40 tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; 29 tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 1; tỷ lệ người biết chữ mức độ 1 trong độ tuổi theo quy định đạt 98,95%; tỷ lệ người biết chữ mức độ 2 trong độ tuổi theo quy định đạt 97,39%; tỷ lệ giáo viên mầm non, tiểu học đạt chuẩn đào tạo là 91%; tỷ lệ giáo viên trung học cơ sở đạt chuẩn đào tạo là 94%; giáo viên trung học phổ thông đạt chuẩn đào tạo là 99%; tỷ lệ giảng viên đại học có bằng tiến sĩ đạt 35%; tỷ lệ sinh viên học đại học/vạn dân là 230…

Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, trong bối cảnh giáo dục phổ thông đi đến chặng cuối của đổi mới, kỳ thi Tốt nghiệp trung học phổ thông bước vào năm đầu tiên thực hiện theo phương án mới, những điều chỉnh, đổi mới về công tác tuyển sinh là cần thiết để hô ứng với toàn bộ đổi mới từ giáo dục phổ thông đến giáo dục đại học. Từ định hướng như vậy, hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang rà soát, hoàn thiện dự thảo quy chế tuyển sinh mới cho năm 2025 với tinh thần chung là đơn giản hóa, tạo thuận lợi cho học sinh, xã hội, đảm bảo chất lượng tuyển sinh và công bằng về cơ hội cho thí sinh. Các cơ sở giáo dục đại học vẫn trên tinh thần tự chủ tuyển sinh nhưng sẽ phải đề cao hơn nữa trách nhiệm xã hội. 

Trả lời câu hỏi liên quan đến việc các trường học “thiếu giáo viên”, Bộ trưởng cho biết Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các địa phương tuyển hết số chỉ tiêu, đặt hàng đào tạo giáo viên; các trường đại học tích cực tổ chức đào tạo gắn với các môn học mới, giáo viên dạy tiếng dân tộc, các địa phương có các chính sách hỗ trợ phù hợp đối với đội ngũ giáo viên, tạo niềm tin và sự an tâm cho giáo viên trong quá trình công tác…

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cũng bày tỏ mong muốn, mỗi cán bộ quản lý, mỗi thầy giáo, cô giáo và nhân viên toàn ngành tiếp tục nỗ lực với cố gắng mới, quyết tâm mới, giải pháp mới, phát huy truyền thống tốt đẹp của ngành để đưa giáo dục Việt Nam tiếp tục phát triển đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao phó.

Hương Trà (TH)