Ông Nguyễn Khắc Hoàng cho biết, GDP tăng 6 tháng đầu năm là 3,82%, đây là tỷ lệ khá cao sau khi thành phố phải chống chọi với dịch bệnh. Ban đầu khi xây dựng kế hoạch, Cục Thống kê thành phố chỉ tính đưa ra con số là 3,52%.
Mặc dù kinh tế thành phố đã phục hồi song, theo ông Hoàng tăng trưởng của một số ngành đang giảm, cụ thể ngành xây dựng giảm 6,71%, bất động sản giảm 5,82%. “Bất động sản giảm có nguyên nhân rất rõ. Sau dịch bệnh người dân và doanh nghiệp giảm vốn, nguồn vốn đầu tư chậm giải ngân, giá vật liệu tăng
Theo ông Nguyễn Khắc Hoàng, bất động sản là ngành liên quan đến nhiều ngành khác, khi bấy động sản giảm thì chắc chắn nhiều ngành nghề khác cũng bị ảnh hưởng theo. Giải pháp kiểm soát thị trường bất động sản cũng đúng vấn đề, đúng đối tượng.
Nhìn nhận về thị trường bất động sản thành phố hiện nay, TS. Trần Du Lịch khẳng định: “Ngành xây dựng của TP HCM đang tăng trưởng chậm, thậm chí tăng trưởng âm".
TS. Trần Du Lịch cho rằng, hàng trăm dự án bị nghẽn do vướng về cấp phép đầu tư, đấu thầu giá,... làm cho nguồn cung thị trường giảm đáng kể. Vì vậy, xảy ra tình trạng cầu cao quá cung nên giá chung cư cao ngất ngưởng, người dân khó tiếp cận nhà ở.
Theo Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), thị trường bất động sản hiện nay đang gặp khó khi nguồn cung thị trường liên tục giảm mạnh.
5 tháng đầu năm 2022 nguồn cung nhà ở ra thị trường cũng cực thấp. Từ năm 2020 đến nay nguồn cung sụt giảm mạnh, căn hộ chào bán trên thị trường chỉ khoảng trên dưới 15.000 căn. Trong khi đỉnh cao của thị trường bất động sản năm 2017 là 30.000 căn hộ được đưa ra thị trường.
Không chỉ thiếu nguồn cung thị trường bất động sản cũng đang lệch pha trầm trọng. Nếu như năm 2020 nhà ở vừa túi tiền chiếm 1% tổng sản phẩm ra thị trường nhưng đến năm 2021 con số này bằng 0.
Cụ thể, trong năm 2021, 74% nhà ở cao cấp chào bán trên thị trường, 26% là nhà ở trung cấp. Như vậy, thị trường không ghi nhận nhà ở vừa túi tiền xuất hiện.