Tác giả nhí tỏa sáng với truyện giả tưởng song ngữ

Huyền Văn
Vừa qua, tác giả Nguyễn Hạnh Phương (sinh năm 2009) được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao kỷ lục “Người viết truyện giả tưởng bằng tiếng Anh và xuất bản thành sách song ngữ Anh-Việt nhỏ tuổi nhất Việt Nam” với tác phẩm “Star Team: A Quest for the greatest power” (Biệt đội ngôi sao: Cuộc tìm kiếm sức mạnh vĩ đại) do Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành.
nlntv-6-1648154287667-1648168204.jpg
Tác giả Nguyễn Hạnh Phương (bên trái) tại sự kiện trao kỷ lục. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Tác phẩm viết về chuyến phiêu lưu của bốn đứa trẻ (người Anh) ở độ tuổi 12, học cùng lớp và mỗi người sở hữu một khả năng đặc biệt. Tác giả nhí đã lên ý tưởng và bắt đầu viết vào tháng 7/2019, khi mới 10 tuổi. Chia sẻ về quá trình sáng tác, Nguyễn Hạnh Phương cho biết, em viết nháp toàn bộ nội dung, sau đó tập trung viết bổ sung và xây dựng chi tiết cho tập một: Trở về quá khứ.

Sau khi hoàn thành tập một bằng tiếng Anh, em dịch sang tiếng Việt. Hiện tác giả sắp hoàn thiện tập hai và dự kiến sẽ ra mắt tác phẩm dưới dạng một bộ truyện nhiều tập. Giới chuyên môn nhận định, tác phẩm có nội dung nhân văn, ca ngợi tình bạn, lòng dũng cảm, tinh thần đoàn kết và ý chí vượt lên những thử thách.

Bên cạnh đó, lối diễn đạt của Nguyễn Hạnh Phương trong sáng, linh hoạt mang đến cảm quan tốt, tiếp cận một cách gần gũi nhất với những bạn đọc cùng lứa tuổi. Ngoài ra, độc giả lớn tuổi hơn cũng gặp được nét thú vị, bay bổng trong thế giới giả tưởng mà tác giả nhí này đã sáng tạo.

Yêu thích đọc sách từ nhỏ, đặc biệt là thể loại khoa học, văn học, đến nay, Nguyễn Hạnh Phương đã đọc nhiều tác phẩm thuộc các thể loại bằng hai ngôn ngữ: tiếng Việt và tiếng Anh. Bên cạnh đó, em còn có sở thích thí nghiệm khoa học, sáng tác văn chương.

Mẹ là giáo viên tiếng Anh, tác giả có lợi thế tiếp cận Anh ngữ ngay từ khi còn bé. Lên bốn tuổi, em đã có thể đọc sách bằng cả hai ngôn ngữ. Nguyễn Hạnh Phương cũng từng đoạt các huy chương vàng, bạc, đồng giải ASMO môn tiếng Anh và Khoa học trong năm 2020 và 2021; liên tục đạt học bổng trong các năm học tại trường; tham gia nhiều chương trình truyền hình, đặc biệt chuỗi chương trình dạy tiếng Anh dài tập Mathdorm của kênh VTV7 và cộng tác viên chương trình “Vì tầm vóc Việt” của kênh VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam.

Kỷ lục “Người viết truyện giả tưởng bằng tiếng Anh và xuất bản thành sách song ngữ Anh-Việt nhỏ tuổi nhất Việt Nam” của Nguyễn Hạnh Phương được đưa vào hệ thống các kỷ lục học đường nằm trong hành trình tìm kiếm và xác lập các kỷ lục học đường tại Việt Nam do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam thực hiện. Thời gian tới, cùng với việc sáng tác các tập tiếp theo, tác giả Nguyễn Hạnh Phương có kế hoạch xuất bản sách nói và tiếp cận thị trường thế giới.

Quan sát mảng đề tài văn học thiếu nhi những năm gần đây, có thể nhận thấy một trong những tín hiệu vui cho nền văn học đang được đánh dấu bằng việc xuất hiện một lực lượng người cầm bút ở chính độ tuổi này. Thí dụ, tác giả Cao Việt Quỳnh viết cuốn tiểu thuyết phiêu lưu giả tưởng đầu tay “Người sao chổi - Cuộc chiến vòng quanh thế giới” khi mới 12 tuổi.

Tác giả Nguyễn Khang Thịnh viết cuốn sách “Nhật ký của nhóc Alvin siêu quậy” ở độ tuổi 13. Tác giả Cao Khải An với tác phẩm “Chuyện của Bắp ăn mơ và xóm Ðồi Rơm” từng đoạt Giải Khát vọng Dế Mèn lần thứ nhất năm 2020 khi 11 tuổi. Hầu hết các tác giả nhí đều chọn thể loại văn học giả tưởng để phát huy cao độ trí tưởng tượng, sự sáng tạo trong tư duy, ngôn ngữ. Mỗi tác giả mang đến nét cá tính riêng biệt.

Có những tác giả chọn bối cảnh Việt Nam với những nhân vật thuần Việt, nhưng lại mở ra vấn đề mang tầm quốc tế, thậm chí vượt ra khỏi phạm vi trái đất. Có tác giả lại chọn bối cảnh quốc tế và sáng tác trực tiếp bằng tiếng Anh. Ở độ tuổi thiếu niên, các tác giả đều thể hiện được đam mê, năng lượng văn chương dồi dào qua những tác phẩm chất lượng tốt và đều có dự định xây dựng thành bộ truyện.

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều chia sẻ, trong nhiệm kỳ này, Hội sẽ đặt sự ưu tiên cao cho văn học thiếu nhi bởi đây chính là những chủ nhân tương lai của nền văn học. Hội đã có kế hoạch cụ thể thông qua các hoạt động nhằm đánh thức nguồn cảm hứng sáng tạo, hỗ trợ công bố tác phẩm, tổ chức các cuộc thi về đề tài văn học thiếu nhi với hy vọng phát hiện, bồi dưỡng thêm nhiều tài năng văn học.