Nằm ở độ cao khoảng 1.300m trên mực nước biển, Suối Giàng là một xã miền núi nằm cách TP. Yên Bái khoảng 80km, cách Thủ đô Hà Nội khoảng 200km. Với vị trí địa lý nằm sâu trên dãy núi Fansipan, nơi đây nổi tiếng với cảnh quan thiên nhiên đẹp hoang sơ, hùng vũi và những người dân thân thiện, mến khách.
Điểm đến hấp dẫn, cõi mơ giữa non ngàn
Đến với Suối Giàng, du khách được tận hưởng khí hậu cực kỳ độc đáo, đặc trưng của vùng cao Tây Bắc. Một ngày ở Suối Giàng có thể trải qua cả bốn mùa trong năm. Sáng sớm, mây mờ len lỏi, che phủ khắp các bản làng, sườn núi. Đến buổi trưa, nắng vàng như "rót mật", trời xanh trong. Chiều tối và đêm về, trời hơi se lạnh đủ để đưa du khách vào một giấc ngủ ngon. Khí hậu Suối Giàng có thể so sánh với Sa Pa, Đà Lạt mà vẫn sở hữu nét riêng.
Suối Giàng níu chân du khách với những thửa ruộng bậc thang e ấp nép vào vạt núi, những tán rừng nguyên sinh rộng lớn hay suối khoáng nóng còn ban sơ. Bên cạnh đó, Suối Giàng còn là nơi sinh sống của các dân tộc Mông, Kinh, Dao, Tày với những nét văn hóa truyền thống, lễ hội, ẩm thực, hoạt động văn hóa cộng đồng đa dạng, hấp dẫn.
Bạn có thể hòa mình vào không gian văn hóa bí ẩn, linh thiêng, độc đáo trong các dịp lễ của người dân địa phương: lễ cấp sắc của người Dao, lễ mừng cơm mới của người Thái,… Đặc biệt là những giá trị văn hóa dân gian truyền thống của đồng bào dân tộc Mông – chiếm đến 98% dân số ở Suối Giang. Những cô gái Mông thân thiện nơi đây luôn sẵn lòng đưa bạn đi trải nghiệm nếp ăn, nếp ở của người dân địa phương.
Sẽ vô cùng thiếu sót nếu không nhắc tới ẩm thực đặc sắc ở Suối Giàng. Không chỉ là những đặc sản của người Mông như mèn mén, thịt trâu gác bếp, lợn cắp nách, rượu ngô, rượu sắn… mà ở đây còn có nhiều món ăn độc đáo, khó quên: Thịt cuốn lá chè nướng, lá chè non ăn sống cùng rau thơm… Còn gì sảng khoái hơn ngồi bên chiếc bàn gỗ, thưởng thức những xiên thịt nướng nóng hổi, thi thoảng nhấp một ngụm rượu ngô nồng nàn, đượm vị giữa cảnh núi rừng hoang sơ, hùng vĩ…
Tận dụng những lợi thế, tiềm năng sẵn có, Suối Giàng đang xây dựng và phát triển du lịch trên khắp địa bàn, đặc biệt là các mô hình du lịch gắn liền với cộng đồng, gìn giữ và phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống bao đời nay của bà con địa phương.
Suối Giàng cũng tăng cường quảng bá hình ảnh, tiềm năng du lịch, các hoạt động văn hóa, thể thao, lễ hội trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên mạng xã hội, để nhiều du khách trong và ngoài tỉnh biết đến. Tập trung đẩy mạnh thu hút đầu tư lĩnh vực du lịch, khuyến khích cộng đồng tham gia phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Chè Shan Tuyết Suối Giàng – sản vật trời ban
Không dễ để chọn ra một sản vật nổi bật ở Suối Giàng, bởi nơi đây có rất nhiều đặc sản hấp dẫn. Song nếu lựa chọn một thứ mà người dân nơi đây luôn tự hào, gắn bó thì đó chính là chè cổ thụ Shan Tuyết. Vùng chè Shan Tuyết tại đây rộng khoảng 393 ha, chủ yếu ở các thôn Giàng Cao, Giàng B, Pang Cáng, Tập Lăng I, Tập Lăng II, Suối Lóp…
Những cây chè cổ thụ ở Suối Giàng thật sự thần kỳ. Ở độ cao 1.300m so với mặt nước biển, mỗi ngày trải qua khí hậu bốn mùa, quanh năm suốt tháng chỉ “ăn gió, nằm sương”, vậy mà chúng vẫn kiên trì bám chắc rễ trên sườn núi cheo leo, thân cây to vài người ôm, trắng mốc, lá màu xanh đậm. Ở độ tuổi từ 100-300 năm, trên thân cây xù xì, già cỗi, những búp chè vẫn vươn lên non xanh mơn mởn, mời gọi du khách tới ngắm cảnh, thưởng trà.
Đặc trưng của chè cổ thụ Suối Giàng là búp và lá chè rất to, màu xanh đậm, bên trên phủ một lớp lông tơ mịn như nhung, trắng như tuyết. Cũng chính vì vậy mà thứ chè nuôi dưỡng bằng sinh khí của đất trời này được người đời ưu ái gọi tên là chè Shan Tuyết (chè được ngậm tuyết trên núi cao).
Chè Shan Tuyết Suối Giàng từ lâu luôn được xếp vào hàng “cực phẩm” các loại chè và để có được “cực phẩm” này thì cũng “cực khổ”. Chè Shan Tuyết càng già, càng nhiều tuyết trắng thì càng quý. Để có được những búp chè non, nhiều khi người hái phải trèo lên cành cao của cây cổ thụ, tận tay ngắt từng búp nõn mập mạp, vừa phải thật nhanh nhưng cũng phải thật khéo léo để không làm mất đi lớp tuyết trắng phủ bên trên.
Chè được hái, được sao bằng kinh nghiệm và bàn tay khéo léo của người dân địa phương. Với ý thức ngày càng cao trong việc bảo tồn và nâng cao chất lượng sản phẩm chè của đồng bào dân tộc Mông, những sản phẩm chè được chế biến từ chè Shan Tuyết cổ thụ như Diệp trà, Hồng trà, Bạch trà, Hoàng trà ngày càng có giá trị, được thị trường đón nhận, chinh phục khách hàng ở trong và ngoài nước.
Cất bước rời Suối Giàng, trên môi vẫn còn lưu luyến hương vị chè đặc trưng của chè Shan Tuyết cổ thụ nơi đây. Việc đầu tư, phát triển mạnh du lịch theo quy hoạch tổng thế, phát huy truyền thống, giữ gìn nét văn hóa bản sắc các dân tộc sẽ giúp Suối Giàng tiến nhanh, tiến chắc trên con đường phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo. Du lịch Suối Giàng đang khởi sắc từng ngày, thu hút đông đảo du khách thập phương đến tham quan, nghỉ dưỡng; trở thành lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.