Sửa đổi chính sách để lấp khoảng trống an sinh

Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện chính sách an sinh xã hội theo Nghị quyết 15 của Trung ương về một số vấn đề chính sách xã hội của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, trong giai đoạn 2012-2022, thu nhập bình quân của người dân tăng 30-40%, đạt 4.000 USD mỗi năm; duy trì việc làm cho hơn 54 triệu người; tỷ lệ thất nghiệp bình quân 2-3%. Tuy nhiên, mạng lưới an sinh còn nhiều "khoảng trống" khi độ bao phủ bảo hiểm xã hội (BHXH) còn thấp, số người tham gia ít, đặc biệt lao động khu vực phi chính thức, người lao động rút BHXH một lần tăng…
nlntv-s41532d-1650842249557-1650843131.jpg
Sửa đổi chính sách để lấp khoảng trống an sinh

Có thể thấy, mức độ bao phủ của BHXH đối với người lao động trong hệ thống của Việt Nam thấp đang là một thách thức kép, vì nó không chỉ ảnh hưởng an toàn thu nhập của những người trong độ tuổi lao động trong ngắn hạn mà còn tác động đến an sinh, thu nhập về lâu dài, khi họ hết tuổi lao động…

Chỉ một phần ba lực lượng lao động được bao phủ BHXH

Theo thống kê, hiện cả nước có khoảng 50 triệu lao động trong độ tuổi, số tham gia BHXH chỉ gần 16,6 triệu, chiếm 37%. Mức độ bao phủ BHXH thấp trở thành thách thức kép tới an toàn thu nhập của người lao động trong độ tuổi và vấn đề bảo đảm an sinh xã hội về lâu dài cho họ khi đến tuổi nghỉ hưu. Có thể thấy, nếu không có sự thay đổi về chính sách, mục tiêu của Trung ương đến năm 2030 có 60% dân số trong độ tuổi lao động tham gia BHXH, tiến tới bao phủ toàn dân khó thực hiện.

Tại hội thảo Ðánh giá 10 năm thực hiện chính sách an sinh xã hội Việt Nam giai đoạn 2012-2022: Xu hướng và khoảng trống mới tổ chức vừa qua, đánh giá của các chuyên gia cho thấy, Việt Nam đang giống hầu hết các nước đang phát triển khác, khi chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhiều đơn vị kinh tế phi chính thức; nhiều hình thức việc làm, quan hệ lao động chưa được đưa vào hệ thống đóng BHXH bắt buộc khiến việc mở rộng bao phủ bị hạn chế… Theo thống kê cuối năm 2019, cả nước có khoảng 5,6 triệu hộ kinh doanh cá thể chưa thuộc diện đóng BHXH bắt buộc và chỉ một ít trong số này tham gia BHXH tự nguyện. Bên cạnh đó, còn khoảng 23.000 hợp tác xã với 6 triệu thành viên và 1,2 triệu lao động làm việc, song chỉ khoảng 7.000 hợp tác xã với 41.000 lao động đóng BHXH bắt buộc.

Số người tham gia BHXH tự nguyện thấp, mới chiếm hơn 2% số lực lượng lao động. Chính sách hiện chỉ có hai chế độ cơ bản là hưu trí và tử tuất, cũng là lý do khiến người lao động không hào hứng tham gia. Nhưng theo tính toán, nếu bổ sung nhiều lợi ích hơn có thể khiến mức đóng - vốn được cho là cao, sẽ tăng thêm hoặc tăng trợ cấp của Chính phủ.

Tỷ lệ tham gia Bảo hiểm thất nghiệp thấp dẫn đến hậu quả trực tiếp là phần lớn người lao động ở Việt Nam không có bất kỳ sự bảo vệ thu nhập trong trường hợp mất việc làm. Có khoảng 13,5 triệu người, chiếm 30% lực lượng lao động vào cuối năm 2021. Hai năm đại dịch Covid-19 ảnh hưởng khiến lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng mạnh. Thống kê cho thấy, năm 2020 đã có hơn 1,03 triệu người hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 324.000 so năm 2019. Tốc độ bao phủ BHXH đang trên đà chậm lại khi lao động rút BHXH một lần tăng cao sau đại dịch. Theo tính toán, cứ hai người tham gia vào hệ thống lại có một người rời đi.

Chuyên gia quản lý chương trình An sinh Xã hội của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) Việt Nam, ông André Gama nhận định, đặc điểm của thị trường lao động Việt Nam khiến hầu hết người lao động khó có thể tích lũy được 20 năm đóng BHXH để hưởng lương hưu tối thiểu (45%). Nhiều lao động trẻ, nhất là công nhân trực tiếp sản xuất, khó đóng bảo hiểm liên tục 20 năm để chờ lương hưu khiến họ chọn không tham gia hoặc là rời hệ thống. "Một bộ phận đáng kể người lao động chọn rút BHXH một lần sớm để bảo đảm an toàn thu nhập ngắn hạn khi nghỉ việc", ông André Gama nói.

Khoảng trống trong lưới an sinh

Theo các chuyên gia, còn một khoảng trống trong lưới an sinh hiện nay, chính là việc "vắng bóng" nhóm trung gian - những lao động phi chính thức "nằm lọt thỏm giữa chính sách BHXH và trợ cấp xã hội". Theo thống kê, hơn 33 triệu lao động phi chính thức (gồm cả lao động nông nghiệp) đang tham gia gần 70% tổng số việc làm cả nước hiện nay.

Chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB) Nguyễn Thị Nga cho rằng, lao động tự do là nhóm dễ thuộc "tầng mất tích" trong lưới an sinh khi hệ thống chính thức hầu như không có dữ liệu về họ, không biết họ là ai, làm gì, đang ở đâu để hỗ trợ. Việc khó tiếp cận họ chứng tỏ hệ thống chính sách lẫn tổ chức thực hiện chưa thích ứng tốt. Hiện Ngân hàng Thế giới đang cùng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chuẩn hóa 24 cơ sở dữ liệu mà ngành quản lý, bao gồm cả thông tin về lao động phi chính thức. Việc kết nối với hệ thống dữ liệu của công an, bảo hiểm, việc làm... là bước cần thiết trong thực hiện chính sách an sinh xã hội.

Theo ILO, để giải quyết những trở ngại chính trong việc tăng độ bao phủ BHXH, phải xây dựng chính sách an sinh xã hội hiệu quả hơn với người lao động. Trong đó, xây dựng chính sách kết nối giữa đóng góp BHXH và ngân sách nhà nước (tính đa tầng); tăng cường tập trung vào hệ thống BHXH bắt buộc; tăng đầu tư và trợ cấp từ ngân sách nhà nước; cải thiện tính chủ động của hệ thống bảo hiểm thất nghiệp... Ðồng thời, cơ quan chức năng cần xây dựng chế độ BHXH hấp dẫn hơn với người lao động. Như: mở rộng các hình thức việc làm và hợp đồng đủ điều kiện; giảm yêu cầu số năm cần đóng tối thiểu để nhận lương hưu; tăng cường các loại trợ cấp ngắn hạn như trợ cấp trẻ em và trợ cấp thất nghiệp; chuyển sang cách tính thu nhập đóng BHXH bằng toàn bộ thu nhập của người lao động; cải thiện và nâng cao mức hưởng thỏa đáng...

Trong thời gian tới, để sửa đổi Luật BHXH và cải cách chính sách về BHXH theo định hướng của Nghị quyết số 28-NQ/T.Ư, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tập trung vào việc sửa đổi các nhóm chính sách: Xây dựng hệ thống BHXH đa tầng bằng cách bổ sung quy định trợ cấp hưu trí xã hội; bổ sung lao động tham gia để mở rộng diện đóng BHXH bắt buộc; sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng, tối thiểu từ 20 năm xuống còn 15 năm tiến tới còn 10 năm...