QUỸ BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG TỈNH THÁI NGUYÊN: Hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao mặc dù còn nhiều khó khăn

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và các tỉnh lân cận không còn quỹ đất để trồng rừng thay thế. Do đó một số dự án không thể giao đất để thực hiện, ảnh hưởng đến việc triển khai dự án và phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có rất nhiều dự án phát triển kinh tế xã hội có chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. Theo quy định tại Thông tư số 25/2022/TT- BNNPTNT ngày 30/12/2022 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT quy định về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, phải có quỹ đất trống để xây dựng phương án trồng rừng thay thế. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và các tỉnh lân cận không còn quỹ đất để trồng rừng thay thế. Do đó các dự án không thể giao đất để thực hiện, ảnh hưởng đến việc triển khai dự án và phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Những năm qua, được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam, Hội đồng quản lý Quỹ, Sở NN&PTNT tỉnh Thái Nguyên, sự phối hợp chặt chẽ giữa các Ban quản lý rừng, các địa phương, đơn vị trong triển khai thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), trồng rừng thay thế trên địa bàn tỉnh… Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều thuận lợi trong triển khai nhiệm vụ được giao, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển rừng bền trên địa bàn tỉnh.

Theo ông Lê Cẩm Long – Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Thái Nguyên, trong 6 tháng đầu năm 2023, kết quả huy động các nguồn thu từ DVMTR qua hệ thống Quỹ BV&PTR từ 03 đơn vị được ủy thác, gồm: 02 cơ sở sản xuất và cung ứng nước sạch là: Công ty Cổ phần Nước sạch Thái Nguyên và Công ty Cổ phần nước sạch Yên Bình; 01 cơ sở sản xuất thủy điện là Công ty Cổ phần Thủy điện Hồ Núi Cốc mới đạt 35,9% kế hoạch.

quy-bao-ve-va-phat-trien-rung-tinh-thai-nguyen-02-1691505375.png
Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên đi kiểm tra công tác bảo vệ và phát triển rừng

Đối với nhiệm vụ thu chi và trồng rừng thay thế, trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 02 dự án nộp tiền trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. Tuy nhiên, vẫn hiện hữu đâu đó những tồn tại, khó khăn khách quan khiến việc triển khai hoạt động của Quỹ còn chưa kịp thời. Đơn cử như việc rà soát, tham mưu cho Sở NN&PTNT, Hội đồng quản lý Quỹ và UBND tỉnh Thái Nguyên về thu tiền DVMTR đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nguồn nước từ rừng để chi trả DVMTR theo lưu vực cung ứng còn chậm được triển khai. Nguồn thu từ các đối tượng sử dụng DVMTR còn thấp (khoảng 1.700.000.000 đồng/năm) trong khi diện tích lưu vực lớn khoảng 90.000 ha, do đó nếu chia đều mỗi ha chỉ được gần 20.000 đồng/năm, số tiền chi trả DVMTR cho bên cung ứng rất thấp nên khó khăn trong việc tổ chức thực hiện.

Đặc biệt, việc giải ngân nguồn kinh phí trồng rừng thay thế không thực hiện được do trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện nay không còn đất không có rừng đủ điều kiện trồng rừng thay thế.

Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Thái Nguyên - ông Lê Cẩm Long cho biết: Từ năm 2015 đến nay, Quỹ đã giải ngân số tiền để thực hiện trồng rừng thay thế trên địa bàn tỉnh là 14.507.263 nghìn đồng (thực hiện trồng 554,5 ha). Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm 2023, Quỹ chưa giải ngân được do không còn quỹ đất (chưa có rừng) để thực hiện trồng rừng thay thế.

Lý giải vấn đề này, ông Lê Cẩm Long cho biết, hiện nay tỉnh Thái Nguyên không có đủ quỹ đất để thực hiện trồng rừng thay thế theo đúng quy định tại Thông tư số 25/2022/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2022 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT quy định về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. Trước thực trạng đó, Chi cục Kiểm lâm, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Thái Nguyên đã làm việc với Chi cục Kiểm lâm các tỉnh (Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lạng Sơn) đề nghị các đơn vị phối hợp, rà soát diện tích đất chưa có rừng được quy hoạch cho rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất đủ điều kiện trồng rừng thay thế theo quy định. Tuy nhiên, qua trao đổi làm việc, hầu hết các tỉnh đều không còn quỹ đất để tiếp nhận tiền trồng rừng thay thế của tỉnh Thái Nguyên.

quy-bao-ve-va-phat-trien-rung-tinh-thai-nguyen-01-1691505373.jpg
Mô hình trồng rừng tại Hồ Núi Cốc – Thái Nguyên

Trước những khó khăn hiện hữu, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Thái Nguyên đề nghị Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam sớm bố trí quỹ đất ở tỉnh khác để trồng rừng thay thế đối với một số dự án thực hiện trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác (khi UBND tỉnh có văn bản đề xuất).

Đồng thời, đề nghị Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam tham mưu cho Bộ NN&PTNT sửa đổi, bổ sung Thông tư số 25/2022/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2022 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT quy định về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, theo hướng đối với các dự án có chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, nếu trên địa bàn tỉnh không có quỹ đất để trồng rừng thay thế thì nộp tiền vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng theo đơn giá được UBND tỉnh phê duyệt. Nguồn kinh phí có thể sử dụng cho các mục tiêu phát triển lâm nghiệp như khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh, xây dựng công trình PCCCR...

Bùi Cường - Đức Long