Phát triển nhân lực công nghệ trong bệnh viện

Huyền Văn
Các cơ sở y tế đang phải "chuyển mình" hướng tới xây dựng bệnh viện thông minh bằng cách ứng dụng các phần mềm quản lý khám chữa bệnh. Bởi đây là yêu cầu tất yếu của ngành y tế nhằm cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe, hướng tới sự hài lòng của bệnh nhân, đảm bảo an ninh, an toàn, hiệu quả trong quản lý bệnh viện. 

Hiện nay, hầu hết các cơ sở y tế tỉnh Quảng Bình sử dụng phần mềm Hoan Châu trong quản lý khám chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế. Việc sử dụng phần mềm có tính năng kết nối cao, dễ sử dụng, số liệu tự động chuyển về Sở Y tế, Bảo hiểm xã hội, Bộ Y tế. Ngoài ra, việc ứng dụng phần mềm giúp bệnh viện quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, công khai minh bạch tài chính bệnh nhân, giúp kiểm soát sử dụng thuốc hợp lý an toàn...

Ông Phan Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Bình nhận định đây là một trong số phần mềm tốt nhất mà hệ thống y tế tỉnh đã triển khai: “Phần mềm Hoan Châu được ứng dụng vào ngành y tế vừa giảm chi phí cho người dân, vừa giảm được sự tốn kém trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Đây đúng là vấn đề ngành y tế rất quan tâm đầu tư và cũng được UBND tỉnh hỗ trợ phát triển.”- Ông Phan Thanh Hải nhấn mạnh.

nlntv-anh-ong-phan-thanh-hai-ben-phai-chia-se-ve-phan-mem-hoan-chau-1684913529.jpg
Ông Phan Thanh Hải (bên phải) chia sẻ về phần mềm Hoan Châu.

Phần mềm Hoan Châu vừa giúp kết nội viện (kết nối dữ liệu giữa các khoa, phòng tại một cơ sở y tế), vừa giúp kết nối ngoại viện (kết nối dữ liệu giữa các cơ sở y tế). Bệnh viện Đa khoa thành phố Đồng Hới đã ứng dụng phần mềm Hoan Châu được hơn 4 năm. Người dân đến khám chỉ cần mang theo thẻ bảo hiểm y tế, căn trước công dân để nhân viên y tế quét mã thì tất cả bệnh án, kể cả các xét nghiệm, phác đồ điều trị,... thực hiện tại bệnh viện sẽ hiện rõ.

Khi có kho dữ liệu chung như vậy thì các bệnh viện sẽ nắm rõ lộ trình khám của mỗi bệnh nhân, từ đó có những chẩn đoán và đưa ra phác đồ điều trị một cách nhanh chóng, tránh lãng phí thời gian, chi phí làm lại các xét nghiệm cho bệnh nhân. Còn với người bệnh, điều này cũng rất quan trọng khi không phải chờ đợi lâu, mất thời gian làm lại các xét nghiệm và giải thích lại tình trạng bệnh cho bác sỹ.

nlntv-anh-benh-vien-da-khoa-thanh-pho-dong-hoi-ung-dung-cong-nghe-trong-kham-chua-benh-nguon-anh-bao-quang-binh-1684913574.jpg
Bệnh viện Đa khoa thành phố Đồng Hới ứng dụng công nghệ trong khám, chữa bệnh (Ảnh: báo Quảng Bình.

Tuy nhiên, để việc ứng dựng công nghệ thông tin trong bệnh viện được suôn sẻ thì cần có đội ngũ chuyên môn cao. Công nghệ luôn chuyển đổi nên Ban giám đốc Bệnh viện Đa khoa thành phố Đồng Hới luôn cập nhật những cái mơi về công nghệ và cử cán bộ, nhân viên đi tập huấn theo chương trình, hướng dẫn của sở y tế. Bệnh viện cũng đã thành lập được đội ngũ công nghệ thông tin chuyên xử lý các vấn đề trong quá trình đơn vị vận hành phần mềm.

Hiện nay, ngành y tế đang tiếp tục phát triển, ứng dụng các phần mềm quản lý, đặc biệt là tạo sự liên thông dữ liệu giữa các đơn vị trong phạm vi cả nước. Vì vậy, ngành y tế không chỉ cần nguồn nhân lực có chuyên môn khám, chữa bệnh cho người dân mà còn cần những đội ngũ giỏi về công nghệ lẫn chuyên môn. Bác sỹ Đỗ Minh Huệ, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa thành phố Đồng Hới cho biết: “Tôi nghĩ vấn đề là thời gian thôi, còn sớm hay muộn, có muốn hay không muốn thì bắt buộc hệ thống y tế của tỉnh và của cả nước phải liên thông dữ liệu”.

nlntv-anh-bac-sy-do-minh-hue-cung-nhan-vien-y-te-kiem-tra-du-lieu-cua-benh-nhan-1684913626.jpg
Bác sỹ Đỗ Minh Huệ cùng nhân viên y tế kiểm tra dữ liệu của bệnh nhân.

Ngoài kinh phí thì con người là yếu tố tiên quyết quyết định đến hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ trong khám chữa bệnh. Ngành y tế nước ta nói chung và tỉnh Quảng Bình nói riêng đã nhạy bén với công nghệ. Tuy nhiên, để công nghệ phát huy hiệu quả, kết nối suôn sẻ dữ liệu giữa các cơ sở thì đòi hỏi các cấp lãnh đạo tiếp tục có sự trao đổi để thống nhất áp dụng phần mềm mang tính đồng bộ./.

Mạnh Sáu.