Tại hội thảo khoa học quốc gia "Nguồn lực đầu tư cho giáo dục đại học trong bối cảnh tự chủ" do Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ tổ chức ngày 12/5, các chuyên gia giáo dục đã nêu ra nhiều “trăn trở”, cũng như đề xuất giải pháp khả thi tháo gỡ những nút thắt này.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, chính sách, cơ chế về nguồn lực đầu tư cho giáo dục đại học cần hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc này.
Tự chủ đại học đã được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, thể chế hóa thành quy định, hướng dẫn khá đầy đủ. Nhưng trong thực tế dưới góc độ thực thi về quyền tự chủ, chủ yếu mới chỉ dừng lại trên các văn bản hành chính, việc triển khai thực hiện trong thực tế tại các trường trong toàn quốc còn rất hạn chế. Cần tiếp tục có những thảo luận về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và Luật Giáo dục Đại học sao cho phù hợp với những điều kiện thực tiễn và có hiệu quả nhất, bảo đảm chính sách, pháp luật về tự chủ phải đồng bộ, cụ thể.
Tiến sĩ Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên Trợ lý Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng: Hiện nay khung pháp lý về tự chủ không phải chỉ nằm gọn trong Luật Giáo dục Đại học, hoạt động giáo dục đại học còn chịu sự điều chỉnh trực tiếp trong các bộ luật liên quan khác, như: Luật Cán bộ công chức và viên chức, Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, Luật Ngân sách, Luật Khoa học - Công nghệ, Luật Quản lý tài sản công..., dẫn đến chồng chéo, vướng mắc cho các cơ sở giáo dục đại học thực hiện tự chủ.
Trong quá trình triển khai thực hiện tự chủ tại các cơ sở giáo dục đại học đã bộc lộ những hạn chế nhất định, làm ảnh hưởng đến quyền và khả năng tự chủ của các trường, đặc biệt là về lĩnh vực tài chính, như: về mức độ giao quyền tự chủ trên các lĩnh vực; về cơ chế khuyến khích các trường tự chủ; về hoạt động liên doanh liên kết; việc sử dụng tài sản, cơ sở vật chất cho thuê… Tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, cũng cần phải chú ý đến quyền định đoạt đối với các khoản thu và chi tài chính. Đây là bất cập cần phải có những giải pháp tháo gỡ kịp thời.
Đồng quan điểm, nhiều đại biểu cho rằng: các trường công vẫn chưa được quyền tự chủ hoàn toàn trong việc sử dụng cơ sở vật chất đặc biệt là quyền sử dụng đất vẫn phải theo quy định của các cơ quan chủ quản. Các trường vẫn bị hạn chế trong việc liên kết và cho thuê đất nhằm phục vụ cho quá trình đào tạo, liên kết, hợp tác giáo dục trong và ngoài nước, do đó nhà trường bị hạn chế một phần đáng kể về các khoản thu. Với những hạn chế nhất định xuất phát từ nội tại của cơ chế tự chủ tài chính và quản lý tài chính tại các trường đại học công lập, rất cần thiết phải xây dựng hệ thống giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa cơ chế tự chủ tài chính, cũng như hoàn thiện công tác quản lý tài chính theo xu hướng sẽ trao quyền tự chủ hoàn toàn cho các trường đại học công lập ở Việt Nam.
Giáo sư, Tiến sĩ Trình Quang Phú, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, trong xu thế phát triển của giáo dục hiện đại, hợp tác quốc tế của các cơ sở giáo dục diễn ra như một tất yếu khách quan, ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của các trường đại học trên thế giới nói chung, ở Việt Nam nói riêng. Những năm qua, hợp tác quốc tế trong các cơ sở giáo dục đại học đã góp phần đáng kể trong việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho công cuộc xây dựng đất nước, thực hiện chuyển giao công nghệ đào tạo. Bên cạnh đó, cần đổi mới tư duy, tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, quy định về hợp tác quốc tế. Đa dạng hóa các lĩnh vực hợp tác quốc tế; phát huy tính chủ động, tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học trong đa dạng hoá và đẩy mạnh các hoạt động liên kết với các tổ chức, các trường đại học uy tín trên thế giới trong giáo dục và đào tạo.
Cùng bàn về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Minh Tuấn (Trường Cao đẳng Y tế Phú Thọ) cho rằng, hợp tác quốc tế trong giáo dục đại học là xu thế tất yếu đối với mọi quốc gia, cũng như các trường đại học trong bối cảnh toàn cầu hóa và tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay. Do đó, Bộ Giáo dục và Ðào tạo cần có nghiên cứu đánh giá đầy đủ, toàn diện về hợp tác quốc tế trong giáo dục đại học nhằm rút ra những bài học kinh nghiệm để nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục đại học trong nước và hiệu quả của công tác này.