Phát triển giáo dục ở ĐBSCL - Bài 1: Từng bước thu hẹp khoảng cách

Đồng bằng sông Cửu Long gồm 13 tỉnh, thành phố, là địa bàn chiến lược, đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh và đối ngoại của đất nước.

Với quan điểm phát triển bền vững con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực chính để phát triển, quan tâm nhiều hơn đến giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là nhiệm vụ quan trọng các cấp, các ngành đang chung tay thực hiện, tạo sự phát triển toàn diện, bền vững cho vùng đồng bằng châu thổ phía Nam đất nước. Phóng viên TTXVN phản ánh nội dung này trong hai bài viết chủ đề  "Phát triển giáo dục ở Đồng bằng sông Cửu Long”. 

Bài 1: Từng bước thu hẹp khoảng cách

Với tổng diện tích trên 39.190 km², số dân khoảng trên 17,3 triệu người, chiếm 17,6% dân số cả nước, Đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản xuất lúa, gạo và thủy sản lớn nhất cả nước. Quan tâm phát triển sự nghiệp “trồng người”, nâng cao trình độ dân trí, từng bước nâng chất nguồn nhân lực, công tác giáo dục và đào tạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Kết quả khả quan

Thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong hơn 10 năm (từ năm 2011 đến nay), giáo dục và đào tạo ở Đồng bằng sông Cửu Long đã có bước tiến đáng kể, tiếp tục ổn định và phát triển về quy mô mạng lưới trường, lớp. Các ngành học, bậc học được giữ vững, phát triển về quy mô, số lượng, chất lượng. Chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ được đảm bảo, quan tâm bên cạnh việc đầu tư cho giáo dục chất lượng cao. Chất lượng giáo dục đại trà được các địa phương trong vùng duy trì và nâng cao sau từng năm, thu hẹp dần khoảng cách với các địa phương trong cả nước và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Nhiều chỉ số liên quan đến giáo dục tăng mạnh so với giai đoạn trước, tiệm cận và đạt trên mức trung bình chung của toàn quốc, thể hiện nỗ lực khắc phục khó khăn của các cấp ủy Đảng, chính quyền và cơ quan quản lý giáo dục của vùng.

can-tho-1683097090.jpeg
Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2023 tại Trường Đại học Cần Thơ, ngày 5/3/2023. Ảnh: Thu Hiền/TTXVN

Về mạng lưới trường lớp, ở bậc Mầm non, năm 2011, Đồng bằng sông Cửu Long có trên 1.680 cơ sở giáo dục Mầm non. Đến nay, toàn vùng đã có trên 2.000 cơ sở. Tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi mẫu giáo đến trường từ hơn 63% của năm 2011 đến nay đã đạt gần 80%. Với Giáo dục thường xuyên, quy mô mạng lưới các cơ sở giáo dục ở vùng được củng cố, phát triển đều khắp, phù hợp với đặc điểm địa lý, dân cư, ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu cần gì học nấy của người dân trên địa bàn. Năm 2011, toàn vùng có trên 1.700 cơ sở Giáo dục thường xuyên, nay đạt trên 2.100 cơ sở tạo, điều kiện cho mọi người dân các địa phương vừa làm vừa học, góp phần xây dựng xã hội học tập.

Quy mô đào tạo đại học và sau đại học tại khu vực ổn định và tăng dần trong những năm gần đây, góp phần quan trọng nâng cao dân trí, chất lượng nguồn nhân lực Đồng bằng sông Cửu Long. Năm 2000, toàn vùng chỉ duy nhất có Trường Đại học Cần Thơ, đến nay, 10/13 tỉnh, thành phố đã có trường Đại học. Ba tỉnh còn lại là Cà Mau có Chi nhánh Đại học Bình Dương, Bến Tre có Phân hiệu Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, tỉnh Sóc Trăng đã có chủ trương đầu tư trường đại học tư thục trên địa bàn.

Cùng với đó, nhiều chương trình liên kết, đề án đào tạo Đại học, sau Đại học được, các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện. Các đề án đặc thù đào tạo chuyên ngành y dược, kiến trúc, kinh tế… được nhiều trường triển khai, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đồng bằng châu thổ. Trong đó, Đề án “Mê Kông 1.000” (Đề án đào tạo 1.000 cán bộ khoa học kỹ thuật cho 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long) thể hiện sự nỗ lực phối hợp giữa Trường Đại học Cần Thơ cùng với các tỉnh, thành phố trong vùng. Vùng còn có cơ sở đào tạo tiếng Khmer duy nhất cả nước, tại Trường Đại học Trà Vinh. Những kết quả này được ghi nhận là những “điểm sáng” trong giáo dục Đại học của vùng.

Tại Hội nghị phát triển Giáo dục và đào tạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã khẳng định: Căn cứ vào minh chứng các số liệu, có thể nói Đồng bằng sông Cửu Long đã thoát khỏi “vùng trũng” về giáo dục và đào tạo.

Từ góc độ một địa phương thuộc vùng, Giám đốc Sở  Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kiên Giang Trần Quang Bảo cho biết: Ở phía Tây Nam Tổ quốc, hiện nay, mạng lưới các cơ sở giáo dục đã được trải rộng đến khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng khó khăn, biên giới, hải đảo trong tỉnh. Kiên Giang hiện có trên 620 đơn vị sự nghiệp giáo dục, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân. Các điểm trường lẻ được phát triển theo nhằm đáp ứng công tác huy động học sinh đến trường, phù hợp với đặc thù địa hình ở địa phương. Chất lượng giáo dục ở các cơ sở giáo dục ngày càng được nâng lên. Tỷ lệ học sinh thi đỗ tốt nghiệp Trung học Phổ thông của Kiên Giang được duy trì và nâng cao qua các năm, năm 2022, tỷ lệ này là 98,7%.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Cà Mau Nguyễn Thanh Luận thông tin: Là tỉnh ở cực Nam đất nước, có tới 3 mặt giáp biển, nhiều địa bàn sông rạch, đi lại khó khăn, giáo dục và đào tạo địa phương gặp rất nhiều thách thức. Để bảo đảm cơ sở vật chất, phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu dạy và học, trong điều kiện ngân sách còn khó khăn, UBND tỉnh đã quan tâm bố trí  kinh phí để đầu tư xây dựng trưởng lớp, mua sắm trang thiết bị giáo dục. Hiện tỷ lệ phòng học kiên cố ở cấp học Mầm non và Phổ thông ở Cà Mau đã đạt chiếm trên 66,6% (bình quân chung cả nước là 62,5% ). Chất lượng giáo dục và đào tạo ở địa phương có nhiều khởi sắc. Năm 2022, tỷ lệ học sinh thi đỗ tốt nghiệp Trung học Phổ thông của Cà Mau đạt trên 99%.

Khó khăn còn nhiều

Kết quả trên thể hiện nỗ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền và cơ quan quản lý giáo dục của vùng. Song thực tế, hiện nay, công tác giáo dục đào tạo, chất lượng và thu hút nguồn nhân lực ở Đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn nhiều khó khăn.

Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận định, do nhiều nguyên nhân như vị trí địa lý của vùng có đặc trưng nhiều sông nước kênh rạch, hệ đất nền yếu do đó việc đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng trường lớp tốn kém và khó khăn hơn so với các vùng khác trong cả nước. Nguồn lực phát triển của nhiều địa phương còn hạn chế nên mới đáp ứng yêu cầu ở mức tối thiểu cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Việc kêu gọi các dự án đầu tư ở một số địa phương còn khó thực hiện do chưa có cơ chế chính sách đặc thù đủ mạnh để thu hút xã hội hóa. Chưa có nhiều nhà đầu tư cho lĩnh vực giáo dục, nhất là đối với việc mở trường ngoài công lập ở tất cả các bậc học. Bên cạnh đó, còn tồn tại thực trạng, nhận thức của một bộ phận cha mẹ học sinh trong định hướng nghề nghiệp, thực trạng về sự thiếu cân bằng về cung - cầu lao động và yếu tố thu nhập khiến cho công tác giáo dục, phân luồng học sinh cũng như nâng cao trình độ, thu hút nhân lực ở Đồng bằng sông Cửu Long còn nhiều khó khăn.  

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện ở Đồng bằng sông Cửu Long, tỷ lệ huy động học sinh các cấp học phổ thông đi học đúng độ tuổi vẫn thấp hơn tỷ lệ chung của cả nước. Đặc biệt, cấp Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông vẫn có khoảng cách so với tỷ lệ chung của cả nước. Số trường ở các cấp học có cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia còn thấp hơn nhiều so với bình quân chung cả nước. Nhiều đơn vị chưa đủ phòng học để tổ chức dạy 2 buổi/ngày, nhất là cấp học Mầm non, một số phòng học phải mượn từ cơ sở giáo dục Tiểu học và Trung học Cơ sở. Một số điểm trường, vùng khó khăn thiếu nhà vệ sinh đạt chuẩn. Trong khi đó, nguồn ngân sách được cấp cho ngành hạn hẹp, thiếu kinh phí đầu tư thiết bị dạy học, xây dựng trường, lớp theo kế hoạch. Vẫn còn tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở các cơ sở giáo dục Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông.

Liên quan đến giáo dục và chất lượng nguồn nhân lực, theo Báo cáo Kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long năm 2022 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố, Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực có tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đạt 14,9% và tỷ trọng lực lượng lao động có trình độ đại học trở lên 6,8%, thấp nhất cả nước. Đây chính là một trong những là “rào cản” trong phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong vùng.

Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Cà Mau Nguyễn Thanh Luận, giáo dục của tỉnh vẫn còn những khó khăn, bất cập như chất lượng giáo dục ở một số vùng khó khăn còn thấp. Cơ sở vật chất, trang thiết bị đã được tăng cường đầu tư. Tuy nhiên, việc đầu tư sở vật chất, trang thiết bị dạy học chỉ ở mức đáp ứng nhu cầu tối thiểu, vẫn còn thiếu so với nhu cầu của các trường. Số trường đạt chuẩn quốc gia ở Cà Mau thấp so với khu vực, nhất là cấp Trung học Phổ thông mới đạt 9,3%. Một số nơi trên địa bàn tỉnh còn thiếu phòng học để triển khai dạy 2 buổi/ngày, thiếu phòng chức năng, phòng học bộ môn...

Từ thực tế trên, có thể thấy, đánh giá đúng những kết quả, nhận diện thực trạng, xác định giải pháp phù hợp để khắc phục và phát triển giáo dục đào tạo, nâng chất nguồn lực nhân lực, góp phần phát triển bền vững ở Đồng bằng sông Cửu Long là rất cần thiết.

Bài cuối: Chú trọng chất lượng và hiệu quả