Ông làm điều đó không vì danh lợi, mà bởi lòng trắc ẩn với những mảnh đời bất hạnh. Ông là Ngô Ngọc Bỉnh (tên thường gọi là Sáu Kỳ) nguyên Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tỉnh Vĩnh Long, Chủ tịch danh dự Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin, người khuyết tật và bảo trợ xã hội tỉnh Vĩnh Long.
Từ "ông Sáu 01"
Ông Ngô Ngọc Bỉnh sinh ngày 30-7-1932 trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Long Khánh, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh. Lớn lên trong thời điểm chiến tranh nên chàng thanh niên Ngô Ngọc Bỉnh đã sớm giác ngộ cách mạng. Trong một lần hành quân kháng chiến tại khu vực Cái Nhum (huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long), anh cán bộ trẻ quê Duyên Hải đã xe duyên cùng thôn nữ Trần Thị Mười, con gái của một gia đình nuôi cán bộ cách mạng. Cưới nhau không được bao lâu, ông lại đi biền biệt có khi vài ba tháng, cũng có khi xa cách đến 3-4 năm trời khác nào “vợ chồng ngâu”, nhưng hạnh phúc vẫn sinh sôi đàn con 5 đứa.
Khi đất nước vừa bước qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ với bao ngổn ngang chồng chất khó khăn, thì ập đến chiến tranh biên giới Tây Nam, ông Sáu lại nhận nhiệm vụ làm chuyên gia cho tỉnh bạn Kampong Speu (Campuchia). Vẫn phương châm nói vừa đủ mà thấm ý, đi sát thực tiễn, bám sát quần chúng; nói với hành động và dám chịu trách nhiệm, đã tạo nên một “ông Sáu Kỳ hành động”.
Chính thời gian làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia, ông Sáu Kỳ đã cùng cán bộ tỉnh bạn xây dựng thực lực chính trị: Đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể từ tỉnh, huyện, thị xã đến xã, ấp. Tham mưu cho bạn huy động sức dân mở đường giao thông tới tận xã, ấp; khôi phục sản xuất, ổn định đời sống cho nhân dân... Kết quả trong thời gian ngắn, giao thông tới vùng xa, vùng sâu không còn quá khó khăn, ách tắc; sản xuất, đời sống của người dân được cải thiện.
Nhiệm vụ hoàn thành trở về nước, trên cương vị Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Vĩnh Long, ông đã góp phần gây dựng, chỉ đạo thắng lợi Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và “Xây dựng nếp sống văn minh nơi công cộng” theo Chỉ thị 01 của Tỉnh ủy. Từ phong trào đó, ông được cán bộ và nhân dân thương mến đặt cho cái tên “ông Sáu 01”!
Kể về quá trình ra đời của Chỉ thị 01 và cái tên ông Sáu 01, ông cho biết, tháng 5-1995, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ban hành Thông tư 04 về Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới” ở địa bàn dân cư. Với cương vị Chủ tịch MTTQ Việt Nam tỉnh Vĩnh Long, ông được cử ra Hà Nội để họp triển khai thông tư. Tuy nhiên, đoàn đi đến Nha Trang thì xe bị hỏng phải ở lại hai ngày, khi đến nơi thì mọi chuyện đã xong. Coi như “mù tịt” nên về triển khai sai thành “tổ tự quản” thay vì đơn vị cơ sở phải là ấp, cho đến sơ kết một năm tại An Giang, ông mới vỡ lẽ và... làm lại từ đầu. Khi biết sai, về cơ quan, ông ôm đống tài liệu đóng cửa nghiên cứu. Cũng trong quá trình đó, ông Sáu phát hiện vấn đề là toàn dân, toàn diện, bao trùm, nhưng với 5 nội dung mà riêng mặt trận thì chỉ có vận động, tuyên truyền là không thể làm nổi. Thế nên ông mạnh dạn đề xuất với Thường trực Tỉnh ủy bổ sung thêm một số nội dung. Được sự tán thành của Tỉnh ủy, thế là Chỉ thị 01 ra đời trong đó có 10 tiêu chí xây dựng khu dân cư (ấp, khóm), 8 tiêu chí xây dựng tổ nhân dân tự quản, 6 tiêu chí xây dựng gia đình có cuộc sống mới.
Không dừng lại ở khu dân cư, ông tiếp tục tham mưu với Tỉnh ủy tiếp tục mở rộng Phong trào “Xây dựng nếp sống văn minh nơi công cộng”. Như vậy, Chỉ thị 01 đã không để ai đứng ngoài cuộc, từ lãnh đạo cao nhất tỉnh cho đến anh xe ôm, chị tiểu thương, giới tu hành... Mà theo cách nói của ông là chúng ta đã tiến hành theo chiến thuật “leo thang” và cứ hết nấc này đến nấc khác, công cuộc xây dựng thay đổi bộ mặt nông thôn, đô thị sẽ không có “nấc thang cuối cùng”.
Sau thời gian phấn đấu, đời sống văn hóa, xã hội của nhân dân được nâng lên nhưng đời sống sinh hoạt vẫn còn nhiều khó khăn. Ở nông thôn, người dân còn chân trần đạp đất, cầu khỉ dăng dăng, nhà nhà đốt đèn dầu, gió mưa lầy lội. Ông Sáu mạnh dạn đề ra khẩu hiệu: “Đường thông xe hai bánh, điện sáng đến mọi nhà”. Theo đó, đường trước nhà ai nấy đắp, cầu trước nhà ai nấy xây. Cuộc vận động đã được nhân dân đồng tình, hưởng ứng tích cực và thực hiện thành phong trào rộng lớn. Kết quả chỉ 3, 4 năm, Nhà nước và nhân dân cùng thực hiện xây đường, xóa cầu khỉ, xóa cầu vệ sinh trên ao, hồ, kéo điện thắp sáng cho hộ gia đình; xây dựng nếp sống văn minh nơi công cộng..., diện mạo nông thôn Vĩnh Long đã thay đổi rõ nét. Đặc biệt mô hình này được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam bổ sung vào kế hoạch thực hiện cho cả nước.
Đến "ông Sáu bảo trợ"
Đến tuổi 73, ông mới “chính thức” được nghỉ hưu. Nhưng một lần nữa, Tỉnh ủy Vĩnh Long lại yêu cầu ông hỗ trợ cho công tác nhân đạo xã hội. Vậy là bắt đầu cuộc dấn thân mới, mà lạ, khi tuổi càng cao thì sự cống hiến của ông Sáu càng tăng thêm nhiệt huyết, càng lan tỏa rộng và sâu hơn ở nhiều lĩnh vực. Để rồi từ “ông Sáu 01”, Vĩnh Long có thêm “ông Sáu bảo trợ” của hàng nghìn gia đình, cá nhân nghèo, khuyết tật, trẻ em bị tim bẩm sinh...
Nhìn lại buổi khó khăn ban đầu của Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, ông Sáu nói: “Lúc còn đương chức Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, tôi nghe ở TP Hồ Chí Minh có tổ chức Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo hoạt động rất hay. Tôi quyết tâm lên gặp gỡ, tìm hiểu và mời ông Nguyễn Vĩnh Nghiệp-Chủ tịch hội trên đó về nói chuyện và được các vị lãnh đạo tỉnh mình hoan nghênh nhiệt liệt. Vậy là tháng 8-2002, Ban chấp hành lâm thời Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh Vĩnh Long ra đời. Tôi cũng hoạt động kiêm nhiệm từ đó”.
Thời gian đầu thành lập, hội gặp nhiều khó khăn bởi 4 không: Không có kinh phí, không có nơi làm việc, không có cán bộ chuyên trách, không có cán bộ cấp trên hướng dẫn, chỉ đạo. Không chùn bước trước khó khăn, cuối năm 2005, Đại hội Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo bầu ban chấp hành chính thức, ông được đại hội tín nhiệm bầu làm chủ tịch chuyên trách. Đại hội đề ra nhiều chương trình, mục tiêu như: Mổ mắt cho người mù nghèo; mổ tim bẩm sinh cho trẻ em; cấp xe lăn, xe lắc cho người khuyết tật; bếp ăn miễn phí cho bệnh nhân nghèo ở các bệnh viện; hỗ trợ đột xuất trường hợp đặc biệt khó khăn; phẫu thuật bệnh phụ khoa cho phụ nữ nghèo... Những chương trình nêu trên đều được thực hiện khá tốt, nhất là chương trình mổ mắt miễn phí cho người mù nghèo.
“Qua hơn một năm thực hiện, tôi thấy chương trình mổ tim cho trẻ em là quan trọng nhất, bởi vì bệnh tim không phẫu thuật là không sống lâu được. Tôi đưa vấn đề này ra bàn trong thường vụ hội, trong 6 chương trình nên tập trung vận động đột phá chương trình phẫu thuật tim. Biết rằng phẫu thuật tim chi phí lớn nhất và cũng vận động khó nhất nhưng nếu phẫu thuật thành công một ca tim là cứu mạng sống một con người. Với ý nghĩa này, chương trình được ban thường vụ hội thống nhất”, ông Sáu chia sẻ.
Với ý nghĩa của chương trình, qua vận động được các nhà tài trợ ủng hộ, đến cuối nhiệm kỳ, hơn 500 ca mổ tim thành công, tỷ lệ tăng 10 lần kế hoạch đề ra. Những con số hàng chục, hàng trăm tỷ vận động hỗ trợ hàng nghìn căn nhà, hàng nghìn ca mổ tim ở Vĩnh Long đã san sẻ bớt cho các tỉnh bạn... chỉ mới nói lên “phần nổi” phẩm chất của một Anh hùng Lao động. Có chứng kiến những bước chân của ông lặn lội khắp xã, ấp trên quê hương Vĩnh Long, mới hiểu được một tấm lòng nhân ái, yêu thương cao cả của ông đối với bà con nghèo. Có lúc đi theo đoàn, khi lại ngồi xe ôm vào tận vùng quê nghèo hẻo lánh, lúc lội bộ hàng mấy cây số đến những căn nhà gieo neo giữa đồng sâu nhưng chưa bao giờ ông vắng mặt. Nhiều người ái ngại tỏ ý: “Chú Sáu tuổi cao quá rồi, sao không nghỉ cho khỏe?” thì ông nói: “Bác Hồ dạy mình là cán bộ, là đảng viên, nếu còn sức, còn làm được thì phải cống hiến cho dân, cho nước!” Lời dạy ấy lúc nào cũng thấm nhuần trong ông. Bằng khả năng, uy tín của mình, ông đã dốc hết tâm, hết sức làm cầu nối-nối kết “lòng nhân ái” trong xã hội để vá lành những mảnh đời khiếm khuyết...
Với những hoạt động của mình, ông Ngô Ngọc Bỉnh được nhận nhiều khen thưởng từ Nhà nước: Chiến sĩ Thi đua toàn quốc (1999); Huân chương Lao động hạng Nhất (2012); Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (2021).
Dù không nói ra, không thích tự đề cao mình cũng không cần khiêm tốn giả tạo, gần 70 năm cống hiến cuộc đời cho xã hội-với phương châm sống mà Bác Hồ đã dạy: “Người cán bộ cách mạng trước hết phải lo nỗi lo của dân, đau nỗi đau của dân”-đã mang lại cho ông những giá trị cao quý. Để đến hôm nay, ở tuổi cây cao bóng cả nhưng “ông Sáu 01” hay “ông Sáu bảo trợ” vẫn đang “tỏa sáng” để sống những ngày tháng rất đẹp và đáng quý!