Những ngành nghề đang cắt giảm lao động

Theo tổng hợp từ các Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), do đơn hàng sút giảm nên nhiều lao động tại các địa phương cũng bị ảnh hưởng đến việc làm. Trong đó, các ngành dệt may, sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử, chế biến gỗ... bị tác động nhiều dẫn đến cắt giảm lao động.

Đơn hàng sụt giảm mạnh

Theo khảo sát mới đây của Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng), trong gần 9.560 doanh nghiệp tham gia khảo sát cuối tháng 4 có 82% cho biết sẽ giảm quy mô, tạm dừng hoặc ngừng kinh doanh trong nửa năm còn lại. Hơn 7.300 doanh nghiệp cho biết vẫn hoạt động song 71% số này có kế hoạch cắt giảm lao động (khoảng 5.200 công ty), nhiều nhất ở hai lĩnh vực xây dựng và công nghiệp. Doanh nghiệp cắt giảm phần lớn là ngoài nhà nước và một nửa trong số này hoạt động tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương. Doanh nghiệp phản ánh thách thức lớn nhất đang phải đối mặt là đơn hàng.

thai-nguyen-160522-2-1685606113.jpg
Lắp ráp linh kiện điện thoại tại KCN Điềm Thụy, tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: TTXVN

Theo Ban IV, có thể làn sóng sa thải người lao động tiếp diễn ở các tháng cuối năm 2023 do khó khăn vĩ mô và nội tại của doanh nghiệp. Cùng với cắt giảm nhân lực, gần 30% doanh nghiệp cho biết sẽ giảm một nửa doanh thu, chỉ khoảng 2,5% đơn vị có chiều hướng tăng.

Đánh giá khó khăn một phần do nội tại, doanh nghiệp đề nghị Chính phủ ngoài việc bơm tiền cho nền kinh tế cần tăng đầu tư để cải thiện chất lượng giáo dục đại học theo hướng hiện đại. Đào tạo nghề cần linh hoạt và gắn thực tiễn để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động.

Doanh nghiệp cũng muốn giảm chi phí lao động thông qua giảm tiền đóng bảo hiểm xã hội, kinh phí công đoàn hoặc xem xét mức đóng thuế thu nhập cá nhân mới để phù hợp thực tế. Cuối tháng 4, tám hiệp hội doanh nghiệp đã đề xuất giảm tỷ lệ đóng Quỹ Hưu trí tử tuất từ 22% xuống 16-20%, nhưng nâng nền tiền đóng lên 70-90% để sát thu nhập thực tế của lao động.

Về tiếp cận nguồn vốn vay, doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ giảm mạnh lãi suất vay cho thuê, mua nhà ở xã hội để số đông công nhân, lao động có cơ hội tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Trong quá trình lao động vay vốn, nhà nước xem xét cơ chế để doanh nghiệp tham gia bảo lãnh cho họ thay vì phải trải qua quy trình xét duyệt phức tạp theo diện "chính sách" như hiện nay.

Kết quả khảo sát trên tương đối trùng với dự báo của Bộ LĐTBXH trong báo cáo gửi Chính phủ hồi giữa tháng 5 về việc cắt giảm, cơ cấu lại lực lượng lao động thời gian tới nếu tình trạng lạm phát lẫn khó khăn kinh tế không được cải thiện. Việc cắt giảm lao động có thể kéo dài tới tận cuối năm 2023 thay vì đến hết tháng 6 như nhiều dự báo trước đó.

Tình trạng cắt giảm lao động được công đoàn phản ánh từ giữa năm 2022, khi hàng loạt doanh nghiệp trong nước mất đơn hàng dịp cuối năm vì các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản giảm nhu cầu tiêu dùng; khó khăn nguyên liệu, chi phí tăng cao. Tình trạng cắt giảm chủ yếu xảy ra ở doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, chế biến gỗ, thủy hải sản, gia công linh kiện điện tử, cơ khí. Việc cắt giảm quy mô gây sự chú ý nhất là tại Công ty Pouyuen với 2 lần cắt giảm hơn 8.000 người.

Đầu năm 2023, các chuyên gia và doanh nghiệp dự báo tình trạng khó khăn đơn hàng vẫn tiếp diễn đến giữa năm 2023. Tuy nhiên, trước việc một số doanh nghiệp tiếp tục cắt giảm lao động, ngành LĐTBXH đã tiến hành khảo sát thực tế và điều chỉnh dự báo tình hình khó khăn về đơn hàng vẫn sẽ tiếp diễn và kéo dài đến hết năm 2023.

Đảm bảo quyền lợi của người lao động

Theo báo cáo của Sở LĐTBXH tỉnh Đồng Nai, trong 4 tháng đầu năm 2023, có 181 doanh nghiệp, hợp tác xã bị ảnh hưởng sản xuất, kinh doanh phải cắt giảm lao động, chủ yếu là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Nguyên nhân do tác động, ảnh hưởng tiêu cực của tình hình thế giới, nguồn cung nguyên vật liệu, xuất khẩu hàng hóa bị ảnh hưởng, tình trạng lạm phát tại châu Âu và Bắc Mỹ buộc người dân phải cắt giảm tiêu dùng... Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến việc sản xuất, kinh doanh đơn hàng của các doanh nghiệp sụt giảm mạnh.

Hơn 100 doanh nghiệp đang nỗ lực thực hiện các giải pháp nhằm giữ chân người lao động vượt qua giai đoạn khó khăn như: Giảm giờ làm việc cho khoảng 35.000 người lao động; tạm hoãn hợp đồng lao đồng cho gần 1.500 lao động; trả lương ngừng việc cho 500 người lao động... Qua đánh giá chung, các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến gỗ xuất khẩu, may giày da, phụ trợ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Theo Sở LĐTBXH Bắc Giang, trên địa bàn có hơn 7.200 doanh nghiệp đang hoạt động, tương ứng 286.220 lao động. Điều đáng nói, số lao động giảm 6,5% so với cùng kỳ năm 2022. Một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực gia công lắp ráp linh kiện điện tử, dệt may gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh phải cắt giảm lao động hoặc giảm giờ làm, tạm hoãn hợp đồng lao động. Theo thống kê, trên địa bàn, đã có 27.506 lao động bị ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập, trong đó số lao động mất việc làm là 18.230 người.

Theo các Sở LĐTBXH, trước những khó khăn vì lý do kinh tế, nhiều doanh nghiệp thực hiện thỏa thuận với người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động; cắt giảm thời gian làm thêm giờ, thỏa thuận nghỉ phép năm, một số ít doanh nghiệp cắt giảm lao động.

Các doanh nghiệp đều xây dựng phương án sử dụng lao động theo quy định của pháp luật lao động. Đối với những trường hợp buộc phải chấm dứt hợp đồng lao động, doanh nghiệp đều xây dựng và thực hiện kế hoạch chi trả trợ cấp mất việc làm và cam kết sẽ tuyển dụng những lao động này khi tình hình sản xuất kinh doanh trở lại bình thường. Bên cạnh đó, doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh việc tìm kiếm và ký kết đơn hàng mới, giữ chân người lao động.

Nhìn chung, mặc dù các ngành bị ảnh hưởng nhưng mức độ khó khăn của từng doanh nghiệp phụ thuộc vào thị trường, nhất là các doanh nghiệp gia công, xuất khẩu, nguồn cung cấp nguyên phụ liệu sản xuất...

Theo đánh giá, mặc dù đang gặp khó khăn nhưng cơ bản các doanh nghiệp vẫn cố gắng đảm bảo quyền lợi cho người lao động theo quy định.