Những Luật nào có hiệu lực từ ngày 1/7/2023?

5 Luật dưới đây được Quốc hội khóa XV thông qua sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023.
luat-co-hieu-luc-tu-1-7-1687400879.png
5 Luật dưới đây được Quốc hội khóa XV thông qua sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023 (Ảnh: VGP)

Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2022 

Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2022 đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 14/11/2022 có hiệu lực từ ngày 01/7/2023 và thay thế Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2007.

Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2022 quy định về phòng ngừa, ngăn chặn, bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm trong phòng, chống bạo lực gia đình; điều kiện bảo đảm phòng, chống bạo lực gia đình; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong phòng, chống bạo lực gia đình; bổ sung quy định để tăng tính khả thi áp dụng Luật 2022 đối với người nước ngoài cư trú ở Việt Nam.

Luật Thanh tra 2022

Luật Thanh tra 2022 đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 14/11/2022 có hiệu lực từ ngày 1/7/2023 và thay thế Luật Thanh tra 2010.

Các cuộc thanh tra có quyết định thanh tra được ban hành trước ngày 1/7/2023 thì tiếp tục thực hiện theo quy định của Luật Thanh tra 2010.

Điểm mới đáng chú ý của Luật Thanh tra 2022 là tổng cục, cục thuộc bộ được thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành.

Điều 18 quy định, thanh tra tổng cục, cục là cơ quan của tổng cục, cục thuộc bộ thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành trong phạm vi quản lý Nhà nước mà tổng cục, cục được giao phụ trách; thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật.

Thanh tra tổng cục, cục được thành lập trong 3 trường hợp: theo quy định của luật; theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; tại tổng cục, cục thuộc bộ có phạm vi đối tượng quản lý Nhà nước chuyên ngành, lĩnh vực lớn, phức tạp, quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội theo quy định của Chính phủ.

Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở 2022

Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở 2022 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 10/11/2022 có hiệu lực từ ngày 1/7/2023.

Luật quy định về nội dung, cách thức thực hiện dân chủ ở cơ sở, quyền và nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Theo Khoản 1, điều 2 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở 2022: Cơ sở là xã, phường, thị trấn (cấp xã) và cộng đồng dân cư trên địa bàn cấp xã; cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập (sau đây gọi chung là cơ quan, đơn vị); tổ chức có sử dụng lao động.

Theo Khoản 2, điều 2 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở 2022: Thực hiện dân chủ ở cơ sở là phương thức phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, để công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được thông tin, thể hiện ý chí, nguyện vọng, chính kiến của mình thông qua việc thảo luận, tham gia ý kiến, quyết định và kiểm tra, giám sát các vấn đề ở cơ sở theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Luật Dầu khí 2022

Luật Dầu khí 2022 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 14/11/2022 có hiệu lực từ ngày 1/7/2023 và thay thế Luật Dầu khí 1993.

Nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trước ngày 1/7/2023 thì tiếp tục thực hiện theo hợp đồng dầu khí đã ký kết và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã cấp.

Đề án, báo cáo, kế hoạch, chương trình dầu khí đã phê duyệt trước ngày 1/7/2023 có hiệu lực thi hành thì tiếp tục thực hiện theo các nội dung đã được phê duyệt và không phải bổ sung các nội dung quy định tại Luật Dầu khí 2022.

Báo cáo, kế hoạch, chương trình, hợp đồng dầu khí đã trình cơ quan có thẩm quyền trước ngày 1/7/2023 thì không phải trình lại và được thẩm định, phê duyệt theo quy định của pháp luật trước ngày 1/7/2023.

Hoạt động vận hành khai thác tận thu theo cơ chế điều hành đã được phê duyệt trước ngày 1/7/2023 thì tiếp tục thực hiện theo quyết định đã được ban hành và quy định của pháp luật trước ngày 1/7/2023.

Luật Tần số vô tuyến điện sửa đổi 2022

Luật Tần số vô tuyến điện sửa đổi 2022 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 09/11/2022 có hiệu lực từ ngày 1/7/2023.

Giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện đã cấp trước ngày 1/7/2023 thì được tiếp tục sử dụng cho đến hết thời hạn được ghi trong giấy phép. Chứng chỉ vô tuyến điện viên đã cấp trước ngày 1/7/2024 thì được tiếp tục sử dụng cho đến hết thời hạn được ghi trong chứng chỉ.

Tổ chức đã được cấp giấy phép sử dụng băng tần để thiết lập mạng viễn thông công cộng di động mặt đất mà hết hạn sử dụng trước ngày 6/9/2023 thì được xem xét gia hạn theo quy định tại Điều 16 của Luật Tần số vô tuyến điện 2009 và các điểm a, b, c khoản 1 Điều 22 của Luật Tần số vô tuyến điện 2009 được sửa đổi, bổ sung theo khoản 9 Điều 1 của Luật Tần số vô tuyến điện sửa đổi 2022 tối đa đến hết ngày 15/9/2024 và không phải nộp tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện cho thời gian được gia hạn.

Tổ chức đã được cấp giấy phép sử dụng băng tần để thiết lập mạng viễn thông công cộng di động mặt đất mà hết hạn sử dụng trước ngày 16/9/2024 thì không phải nộp tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện cho đến hết thời hạn được ghi trong giấy phép và không được gia hạn, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật Tần số vô tuyến điện sửa đổi 2022.

Đối với khối băng tần được xem xét cấp lại mà sử dụng chung tần số vô tuyến điện theo giấy phép sử dụng băng tần đã cấp trước ngày 1/7/2023 thì được xem xét cấp lại theo hiện trạng sử dụng.

Việc đào tạo, cấp chứng chỉ vô tuyến điện viên tiếp tục được thực hiện theo quy định của Luật Tần số vô tuyến điện 2009 đến hết ngày 30/6/2024.

Phương Thảo - TH