Hoạt động này do lực lượng tổng hợp của toàn dân tiến hành, trong đó lực lượng vũ trang là nòng cốt. Công tác bảo đảm và phục vụ chiến đấu bao gồm nhiều hình thức, biện pháp khác nhau như: Bảo đảm và phục vụ tại chỗ; bảo đảm và phục vụ tại chỗ kết hợp với bảo đảm và phục vụ từ trên xuống; bảo đảm và phục vụ do cấp trên chi viện trực tiếp,...
Hoạt động bảo đảm và phục vụ chiến đấu trong chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc phải trên cơ sở phát huy cao độ thế mạnh của toàn dân đánh giặc. Các địa phương căn cứ vào kế hoạch hoạt động của khu vực phòng thủ để chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể và nhân dân xây dựng phương pháp, cách thức bảo đảm và phục vụ đối với từng lĩnh vực cụ thể. Tùy theo đối tượng, mục đích, nội dung bảo đảm, phục vụ, cần vận dụng các phương pháp, cách thức thích hợp.
Sự chuyển hóa phương thức vận hành nền quốc phòng toàn dân sang phương thức tiến hành chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc ở thời kỳ đầu chiến tranh được thể hiện thành các cấp độ cụ thể tuỳ theo các trạng thái quốc phòng. Trạng thái quốc phòng là hoạt động của các bộ, ngành, địa phương về công tác quốc phòng từ thời bình và các giai đoạn chuyển tiếp sang thời chiến để bảo đảm thực hiện động viên quốc phòng nhằm xử trí các tình huống về quốc phòng khi xảy ra.
Trong trạng thái thường xuyên, là trạng thái đất nước trong thời bình, tình hình chính trị - xã hội cơ bản ổn định, các hoạt động quân sự, quốc phòng chủ yếu được thực hiện theo phương thức vận hành nền quốc phòng toàn dân. Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp cần tranh thủ thời cơ, tích cực chủ động xây dựng địa phương vững mạnh về mọi mặt, chăm lo xây dựng lực lượng và thế trận của khu vực phòng thủ. Đồng thời, cần thường xuyên nắm vững tình hình, kịp thời giải quyết các mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ nhân dân, không để dẫn đến “điểm nóng”.
Hoạt động quân sự, quốc phòng trong trạng thái này cần tập trung vào nhiệm vụ phòng, chống “diễn biến hòa bình”. Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp phải thường xuyên tuyên truyền, giáo dục các tầng lớp nhân dân nêu cao tinh thần cảnh giác trước âm mưu phá hoại của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch. Theo chức năng, nhiệm vụ, phải quản lý chặt chẽ tình hình địa bàn thuộc quyền; chỉ đạo các cơ quan công an, cơ quan quân sự tổ chức lực lượng theo dõi nắm chắc âm mưu và hoạt động chống phá của địch, kịp thời phát hiện các phần tử cơ hội, bất mãn để xử lý, lấy giáo dục thuyết phục là chính.
Khi địa phương xảy ra biểu tình gây rối, cấp ủy, chính quyền phải đánh giá đúng thực chất tình hình, tìm hiểu nguyên nhân, từ đó xác định chủ trương, phương thức đấu tranh phù hợp. Trong xử trí, cần áp dụng các biện pháp tổng hợp, chú trọng biện pháp thuyết phục, tuyên truyền làm cho bộ phận nhân dân bị kích động, lừa gạt, lôi kéo,... tự giải tán. Chỉ sử dụng biện pháp hành chính khi cần thiết, kiên quyết không để địch lợi dụng kích động thành bạo loạn.
Về sử dụng lực lượng, các lực lượng công an và dân quân tự vệ sẵn sàng đối phó với những tình huống xấu có thể xảy ra và nhanh chóng giải quyết hậu quả. Công an là lực lượng nòng cốt, là cơ quan trung tâm hiệp đồng, chủ trì tham mưu cho cấp ủy, chính quyền về chủ trương, biện pháp xử lý biểu tình gây rối. Lực lượng vũ trang địa phương và bộ đội biên phòng là lực lượng răn đe, hỗ trợ cho lực lượng tổng hợp của địa phương xử lý tình huống. Dân quân tự vệ là lực lượng phối hợp cùng công an và lực lượng các ban, ngành, đoàn thể quần chúng,... tích cực triển khai kế hoạch bảo vệ địa bàn.
Lực lượng cơ động của các cấp chuyển vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu thích hợp; sẵn sàng đối phó với các tình huống phức tạp; tham gia các tổ công tác tuyên truyền vận động, thuyết phục nhân dân; hỗ trợ công an bắt giữ những tên cầm đầu, các phần tử quá khích,... Các ban, ngành, đoàn thể phải tổ chức lực lượng tự bảo vệ cơ quan, đồng thời nhanh chóng thu thập thông tin, chủ động làm tham mưu cho cấp ủy, chính quyền; tham gia các tổ, đội công tác của địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động quần chúng; cùng các lực lượng giải quyết tình hình theo chức năng, quyền hạn; triển khai công tác bảo đảm, phục vụ cho lực lượng trực tiếp giải quyết tình hình; tham gia khắc phục hậu quả.
Trong trạng thái có tình huống, là trạng thái xảy ra khi tình hình an ninh chính trị, an toàn xã hội diễn biến phức tạp ở một hay nhiều khu vực hoặc cả nước; địch có triệu chứng chuẩn bị lấn chiếm biên giới, biển, đảo, phong tỏa đường biển, đường không, tập kích hỏa lực hoặc chuẩn bị tiến công xâm lược; đồng thời, có thể xảy ra các hoạt động biểu tình, gây rối, khủng bố, bắt cóc con tin, bạo loạn chính trị, bạo loạn vũ trang.
Trong trạng thái có tình huống, các địa phương phải tổ chức thi hành Lệnh động viên của Chủ tịch nước và Mệnh lệnh động viên của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Phải nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện và xử trí các tình huống theo chức năng, quyền hạn, đồng thời báo cáo lên cấp trên. Các cấp thành lập sở chỉ huy thống nhất để chỉ đạo, điều hành chuyển trạng thái quốc phòng và xử trí các tình huống; rà soát, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch động viên quốc phòng.
Để sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu, cần khẩn trương tiến hành mở rộng và bổ sung lực lượng, phương tiện, tăng cường mạng thông tin liên lạc bảo đảm cho chỉ huy, hiệp đồng, thông báo, báo động; cấp phát vũ khí, trang bị cho dân quân tự vệ, tổ chức lực lượng phòng không nhân dân thường trực sẵn sàng chiến đấu. Cần sẵn sàng chuyển địa phương vào tình trạng khẩn cấp, sơ tán, phân tán một số cơ quan, tổ chức, các cơ sở kinh tế then chốt và nhân dân nằm trong vùng bị uy hiếp ra khu vực an toàn. Đặc biệt, cần chuẩn bị mọi điều kiện để chuyển nền kinh tế quốc dân sang bảo đảm nhu cầu quốc phòng, nhiệm vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu.
Khi địa phương xảy ra bạo loạn chính trị, bạo loạn vũ trang, cấp ủy và chính quyền phải phát huy sức mạnh tổng hợp, huy động lực lượng tại chỗ, áp dụng các biện pháp tổng hợp xử lý kịp thời, giải quyết từ cơ sở, không để lây lan, kéo dài, không để xảy ra hậu quả nghiêm trọng. Cấp ủy, chính quyền thông qua cơ quan quân sự, cơ quan công an, các ngành, đoàn thể,... nhanh chóng nắm tình hình, nhận định, đánh giá chính xác âm mưu, đối tượng, lực lượng, thủ đoạn của địch và dự kiến khả năng diễn biến tiếp theo. Trên cơ sở đó, phải kịp thời ra chủ trương lãnh đạo, lựa chọn hình thức, phương pháp đấu tranh phù hợp, chỉ đạo lực lượng công an chủ trì hiệp đồng với các lực lượng triển khai biện pháp trấn áp để dập tắt bạo loạn.
Lực lượng công an là nòng cốt chủ trì phối hợp cùng dân quân tự vệ và một bộ phận bộ đội địa phương nhanh chóng chuyển lên cấp sẵn sàng chiến đấu, mở rộng lực lượng, chốt giữ và bảo vệ các mục tiêu trọng yếu, phối hợp tiêu diệt lực lượng vũ trang phản động và chuẩn bị mọi mặt sẵn sàng đối phó với các tình huống nghiêm trọng hơn. Lực lượng các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể dưới sự điều hành của sở chỉ huy thống nhất, cần vận dụng tổng hợp biện pháp chính trị, hành chính kết hợp với biện pháp quân sự để tiến hành chống bạo loạn; tổ chức lực lượng quần chúng đấu tranh vạch mặt kẻ địch, cô lập lực lượng vũ trang phản động; triển khai công tác bảo đảm cho lực lượng vũ trang chiến đấu và khắc phục hậu quả bạo loạn.