Nhìn nhận về tục đốt vàng mã như thế nào cho đúng?

Đinh Thảo
Đốt vàng mã là phong tục cổ truyền của người Việt. Trong ngày cúng rằm tháng Giêng phong tục này lại càng phổ biến. Bởi vì, nhiều người quan niệm, đốt vàng mã là phương tiện kết nối giữa người sống và người chết, cõi dương và cõi âm,... Chuyên gia nghiên cứu văn hóa Phạm Huy Khang, PGĐ TT NC và Bảo trợ văn hóa, kỹ thuật truyền thống Việt Nam đã có chia sẻ với PV Tạp chí điện tử Nhân lực Nhân tài Việt về tục lệ này.
h2-1675393088.jpg
Người dân chuẩn bị vàng mã để cúng rằm tháng Giêng

PV: Thưa ông! Theo một số thống kê, mỗi năm, nước ta đốt khoảng 50.000 tấn vàng mã. Ông nghĩ gì về con số này?.

Chuyên gia nghiên cứu văn hóa Phạm Huy Khang: Tôi nghĩ con số đó quá lớn so với nền kinh tế của Việt Nam. Đốt vàng mã là tục lệ du nhập từ Trung Quốc từ hàng nghìn năm rồi. Chính vì vậy, phong tục ấy đã ăn sâu vào từng lớp người Việt Nam. Đến Tết, đi lễ đền, chùa không đốt mấy nén nhang, vàng mã thì nhiều người lại cảm thấy áy náy. Nhưng rõ ràng, tục lệ này đang gây ra nhiều hệ lụy khôn lường.

PV: Không chỉ gây tốn kém tiền bạc, đốt nhiều vàng mã còn gây ô nhiễm môi trường. Ai cũng hiểu điều này, nhưng vì nghĩ đây là tục lệ truyền thống nên không bỏ. Vậy dưới góc độ nghiên cứu của ông thì sao?

Chuyên gia nghiên cứu văn hóa Phạm Huy Khang: Mấy năm trước, bên Phật giáo có ra một chỉ thị là tất cả chùa, phật tử không nên đốt vàng mã. Bởi vì, khói vàng mã làm ô nhiễm môi trường, gây nên tình trạng khó thở cho người đi lễ. Tại Hà Nội và các thành phố lớn khác thường xuyên bị ô nhiễm không khí do hoạt động của giao thông, thời tiết, biến đổi khí hậu... Tình trạng này sẽ càng nghiêm trọng hơn khi chúng ta đốt vàng mã.

Ở góc độ văn hóa thì đốt vàng mã cũng không phù hợp lý giáo lý nhà Phật đâu. Bởi vì khói vàng mã sẽ làm hỏng kiến trúc chùa, tượng pháp. Như vậy, chúng ta đã vô tình phá hoại nơi thờ tự. Theo tôi thì người dân phải tuyệt đối tuân thủ khuyến cáo của cơ quan chức năng và các chuyên gia văn hóa, chứ đừng mê tín quá mà lạm dụng tục lệ đốt vàng mã.

h1-1675393097.jpg
Trong dịp đầu xuân, năm mới, vàng mã được nhiều người bày khắp các đền, phủ

Tất nhiên, tục lệ nào cũng có cái hay của nó. Ở góc độ văn hóa thì việc đốt vàng mã thể hiện sự thành kính, mong muốn sự ấm, no đối với người đã khuất. Nhưng ngày xưa, các cụ chỉ đốt ít vàng mã, mang tính chất tượng trưng thôi. Tôi nghĩ khi chúng ta làm điều đó ở mức vừa phải, đúng chuẩn với truyền thống thì đáng trân trọng. Tuy nhiên, việc đua nhau đốt vàng mã gây ra nhiều hệ luy thì không nên. Vì vậy, đối với những người đã quen với tục lệ này rồi thì nên chú ý giảm lượng vàng mã đốt lại, rồi một ngày nào đó chúng ta không đốt nữa càng tốt. Khi đi lễ đền, chùa, người dân nên giữ tâm thái thật an yên, hướng đến việc sống thiện.

PV: Ông vừa nói đến chữ ‘Tâm” trong lễ bái. Vậy, khi đi lễ chùa thì tâm của ta nên được thể hiện như thế nào cho đúng, chứ không phải là đốt vàng mã, thưa ông?

Chuyên gia nghiên cứu văn hóa Phạm Huy Khang: Chữ "Tâm" trong đạo Phật có phạm trù rất rộng. Chúng ta đi lễ với tâm bình thì mới tiếp nhận được năng lượng của đất trời, cũng như năng lượng của Phật pháp. Người hành hương có tâm thế vui vẻ thì cả không khí của mùa xuân sẽ tươi vui.

Lòng thành tâm của chúng ta được thể hiện ở việc suy nghĩ đến những điều tốt đẹp và làm những điều có ích cho đời. Đi lễ chùa không cần vàng mã, lễ mặn mà tất cả chỉ nên là đồ chay và không cần phải mang quá nhiều. Ai cũng mang rất nhiều đồ lễ sẽ rất chật chội, đặt chèn lên nhau rồi rơi xuống đất thì càng mất đi sự linh thiêng.

h3-1675393087.jpg
Lễ Phật cốt ở trong tâm - nguồn ảnh từ kienthucvui.vn

Tôi thấy hiện nay, nhiều đền, chùa đã làm tốt việc quản lý nơi thờ tự nhằm hạn chế, chấm dứt tình trạng đốt vàng mã. Nhưng để giải quyết cái gốc của vấn đề thì cần đưa nội dung thực hành tín ngưỡng một cách văn minh, hiện đại vào trong giáo dục ở trường học. Các cháu nhỏ chính là những người tiếp theo loại bỏ những biến tướng của tục lệ trong cúng bái.

Xin cảm ơn Chuyên gia nghiên cứu văn hóa Phạm Huy Khang với những chia sẻ vừa rồi./.

Nguyễn Hà