Hình ảnh chú Lợn trong tranh dân gian Đông Hồ biểu tượng của sự ấm no, sung túc

Huyền Văn
Cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về, người dân Việt Nam lại nô nức tìm mua những bức tranh đẹp về treo trong nhà. Trong những thú chơi tao nhã thì: “Nhất chữ, nhì tranh, tam sành, tứ mộc”. Trong đó, tranh dân gian Đông Hồ được nhiều người chọn mua trong dịp tết bởi nó gần gũi với những sinh hoạt, tập tục của người Việt xưa.
nlntv-tranh-hoa-1674116848.jpg
  Hình ảnh bức tranh dân gian Đông Hồ lợn ăn cây ráy

Cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về, người dân Việt Nam lại nô nức tìm mua những bức tranh đẹp về treo trong nhà. Trong những thú chơi tao nhã thì: “Nhất chữ, nhì tranh, tam sành, tứ mộc”. Trong đó, tranh dân gian Đông Hồ được nhiều người chọn mua trong dịp tết bởi nó gần gũi với những sinh hoạt, tập tục của người Việt xưa.

Những con vật gần gũi với cuộc sống hàng ngày của người Việt Nam như con trâu, dê, gà, lợn… được các nghệ sĩ dân gian thể hiện rất sinh động. Về tranh lợn trong tranh dân gian Đông Hồ đều có đặc điểm chung là những chú Lợn béo tròn thể hiện sự no đủ, được vẽ theo dáng trông nghiêng. Nghệ nhân sáng tác theo chiều này nhằm làm nổi bật hình dáng béo tốt của con lợn. Trên thân mình lợn đều có hai hình xoáy âm dương nằm phía trên ngang mình lợn, vị trí gần vai và mông, phía trên của hai chân trước và sau, thu hút sự chuyển động, làm cho ta càng có cảm giác như thấy con lợn có dáng sinh động thể hiện sự sinh sôi, phát triển. Nó vừa là cái đẹp hữu hình, vừa ẩn chứa quan niệm ngũ hành. Tất cả các hình ảnh vừa có bố cục khỏe mạnh và giản dị, giàu chất trang trí, cách điệu đậm đà, chứa đựng ước muốn của nông dân về tăng gia sản xuất, về cuộc sống sung túc, đông vui hòa thuận, hạnh phúc, con cháu đầy đàn, no đủ. Chẳng hạn, tranh “Đàn lợn âm dương” (lợn mẹ và đàn con vây bên cạnh), “Lợn độc” (một con lợn đang ăn bên bồn), tranh “Lợn ăn cây ráy” (con lợn đang nhai cây ráy). Trong mỗi bức tranh, cái đuôi lợn có những thay đổi linh hoạt, nhưng có điểm chung nhất là lông cuối đuôi đều được cách điệu như một chiếc quạt hình lá đề và đều quay ra phía trước.

nlntv-tranh-lon-1674116879.jpg
Tranh Đông Hồ “Lợn đàn”.

Các nghệ nhân thường thể hiện đảo ngược điểm nhìn của lông đuôi và mũi lợn, kể cả tai lợn – đều theo hướng trông thẳng, trên toàn thân lợn trông nghiêng pha chút kiểu nghệ bản năng nguyên thủy – vẽ mặt nghiêng nhưng mắt lại cho quay ra phía trước, làm cho hình tượng trong tranh thêm sinh động. Các chú lợn trong tranh thường có mắt to, tai lớn, mắt có vành mi. Mõm lợn nghiêng nhưng mũi lại gần như quay ra hướng chính diện, tạo dáng ngồ ngộ và sinh động. Chú lợn nào cũng đều có ba ngấn ở mõm. Các nghệ nhân bao giờ cũng không quên vẽ thêm hai ngấn mép để thể hiện hình dung chú lợn đang ăn ngấu nghiến. Bàn chân lợn có 3 móng, trông rất vững. Lưng lợn với độ cong hơi võng, được thể hiện bằng một hoặc hai nét to bản. Điều mà các nghệ nhân vẽ tranh, bao giờ cũng tuân thủ nghiêm ngặt đó là luôn chú ý vẽ nét to, dầy ở ngấn thủ (phần đầu lợn), chân trước, vòng bụng và nét ngấn của bắp đùi sau.

Những chú lợn thực tế đã là rất dễ thương, nhưng trong nghệ thuật điều này còn được nhân lên gấp nhiều lần bởi các nghệ sĩ dân gian đã thể hiện nó bằng các hình khối, mầu sắc, đường nét thật linh hoạt và sinh động. Hình dáng và đường nét to dầy đã tạo nên những con lợn có dáng béo, khỏe, vững chãi, thể hiện ý tưởng ước muốn về phồn thịnh của tăng gia sản xuất, đời sống ấm no hạnh phúc thanh bình.

Huy Nhân