Tuyển sinh đầu cấp: Ưu tiên phân bổ học sinh học ở gần nơi cư trú nhất

Nhằm tạo thuận lợi trong công tác tuyển sinh đầu cấp, năm học này Thành phố Hồ Chí Minh sẽ ứng dụng Hệ thống thông tin địa lý (bản đồ GIS) trên toàn địa bàn để phân bổ học sinh vào chỗ học gần nhà nhất.

Đặc biệt, việc phân bổ chỗ học cho học sinh chủ yếu dựa vào một tiêu chí là "nơi ở hiện tại" thay vì dựa trên nhiều tiêu chí năm học trước.

tuyen-sinh-dau-cap-uu-tien-phan-bo-hoc-sinh-hoc-o-gan-noi-cu-tru-nhat-1714649107.jpg
Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Bùi Văn Mới (Quận 9, TP Hồ Chí Minh) trong ngày khai giảng (ảnh tư liệu).

Ưu tiên học trường gần "nơi ở hiện tại"

Ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, năm học 2024 - 2025, việc phân tuyến tuyển sinh các lớp đầu cấp chỉ dựa trên tiêu chí chính là "nơi ở hiện tại" của học sinh, thay vì dựa vào nhiều tiêu chí như năm trước về nơi ở, địa chỉ thường trú, chỗ học ở bậc học trước đó. Ngoài ra, Thành phố cũng có thêm phần tuyển sinh theo "lý do khác" để các địa phương chủ động xem xét các trường hợp cụ thể, linh động để phù hợp tình hình thực tế.

Từ kết quả tích cực khi thực hiện thí điểm tại 3 địa phương ở năm trước, năm nay Thành phố mở rộng ứng dụng bản đồ GIS trong tuyển sinh đầu cấp trên toàn địa bàn. Theo đó, các quận, huyện sẽ dựa vào dữ liệu trên bản đồ GIS để phân bổ học sinh vào học ở trường gần "nơi ở hiện tại" nhất, chứ không nhất thiết phân theo địa bàn phường.

Đáng chú ý, năm nay Thành phố Hồ Chí Minh thống nhất sử dụng một hệ thống tuyển sinh đầu cấp tại địa chỉ https//tuyensinhdaucap.hcm.edu.vn, thống nhất sử dụng một nguồn dữ liệu tuyển sinh của ngành Giáo dục, thay vì mỗi địa phương mỗi hệ thống riêng như năm trước. Theo đó, học sinh trong độ tuổi đi học phải được khai báo đầy đủ thông tin lên hệ thống cơ sở dữ liệu về tuyển sinh của ngành Giáo dục Thành phố và được xác thực đầy đủ với dữ liệu dân cư quốc gia.

Phần "nơi ở hiện tại" sẽ được các địa phương rà soát, cập nhật, xác minh chính xác. Lãnh đạo Sở cũng lưu ý, phụ huynh cần cung cấp thông tin nơi ở thực tế để học sinh được phân bổ chỗ học gần nhà, thuận tiện trong việc đi lại.

Thời điểm này, các địa phương đang rà soát dữ liệu học sinh phục vụ cho công tác tuyển sinh đầu cấp. Bà Nguyễn Thị Mỹ Châu, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bình Chánh cho biết, với sự phối hợp của Công an địa phương, việc cập nhật dữ liệu học sinh phục vụ công tác tuyển sinh của huyện thuận lợi. Hiện, huyện còn một số trường hợp học sinh có quốc tịch nước ngoài gặp khó trong việc xác thực mã định danh để cập nhật lên hệ thống.

Bà Châu cho biết thêm, huyện đang trong quá trình sắp xếp lại khu phố, ấp theo chủ trương chung. Để đảm bảo tiến độ cũng tránh sự xáo trộn trong tuyển sinh đầu cấp năm nay, Phòng đã tham mưu UBND huyện phân tuyến tuyển sinh theo địa chỉ ấp cũ. Thời gian tới, Phòng sẽ tiếp tục tuyên truyền để tạo sự đồng thuận về việc triển khai tuyển sinh đầu cấp theo ấp, khu phố mới vào năm tới.

Tương tự, tại quận Bình Tân, việc bố trí chỗ học cho học sinh vào đầu cấp vẫn căn cứ vào đơn vị hành chính cũ, từ năm học 2025 - 2026, địa phương này mới thực hiện theo địa chỉ mới. Bình Tân cũng là một trong những địa phương chịu áp lực lớn trong công tác tuyển sinh đầu cấp mỗi năm, bởi lượng học sinh luôn tăng cao so với tốc độ xây trường lớp. Dự kiến, tổng số học sinh toàn quận trong năm học tới là 124.237 học sinh, tăng 3.455 học sinh.

Ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Bình Tân cho biết, năm học 2024 - 2025, quận sẽ đưa vào hoạt động 7 trường mới, trong đó có 5 trường Tiểu học, 1 trường Mầm non và 1 trường Trung học Cơ sở, với tổng số 204 phòng học. Đây là năm học mà quận có nhiều phòng học mới nhất trong 10 năm gần đây.

Trong năm tới, quận tiếp tục đưa vào sử dụng thêm 9 trường học mới nữa. Kết quả này thể hiện sự quyết tâm rất lớn của lãnh đạo địa phương trong đầu tư xây dựng trường lớp. Qua đó, năm học tới tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày trên địa bàn quận sẽ được tăng lên; đồng thời, sĩ số học sinh/lớp sẽ được kéo giảm ở mức dưới 40 học sinh/lớp ở bậc Tiểu học và cấp Trung học Cơ sở khoảng 45 học sinh/lớp.

Mở rộng khảo sát vào lớp 6

Năm học 2023 - 2024, Thành phố Hồ Chí Minh chỉ có 2 trường tổ chức khảo sát vào lớp 6 là Trường Trung học Cơ sở Trần Quốc Toản 1 (thành phố Thủ Đức) và Trường Trung học Phổ thông chuyên Trần Đại Nghĩa (đang có đề án tách thành 2 trường là Trường Trung học Cơ sở - Trung học Phổ thông Trần Đại Nghĩa và Trung học Phổ thông chuyên Trần Đại Nghĩa). Những năm học trước đó, chỉ có duy nhất Trường Trung học Phổ thông chuyên Trần Đại Nghĩa được áp dụng hình thức khảo sát để tuyển sinh lớp 6.

Kế hoạch tuyển sinh vào các lớp đầu cấp năm học 2024 - 2025 của Thành phố Hồ Chí Minh cho phép tiếp tục mở rộng phạm vi thực hiện tuyển sinh vào lớp 6 bằng hình thức khảo sát năng lực ở các trường Trung học Cơ sở theo mô hình tiên tiến, hội nhập; trường có nhu cầu đăng ký tuyển sinh đầu lớn hơn nhiều lần chỉ tiêu tuyển sinh. Theo đó, dự kiến, năm nay toàn Thành phố sẽ có 7 trường tuyển sinh lớp 6 bằng khảo sát. Thành phố Thủ Đức, Quận 7, Quận 8 và huyện Hóc Môn là các địa phương dự kiến sẽ tổ chức kỳ khảo sát này.

Từ kết quả của năm đầu tiên thực hiện thí điểm khảo sát vào lớp 6 Trường Trung học Cơ sở Trần Quốc Toản 1 ở năm học trước, năm học 2024 - 2025, thành phố Thủ Đức sẽ có thêm 2 trường Trung học Cơ sở tuyển sinh lớp 6 bằng hình thức khảo sát năng lực là Hoa Lư và Bình Thọ. Lãnh đạo ngành Giáo dục thành phố Thủ Đức lưu ý phụ huynh học sinh chọn tham gia khảo sát vào trường gần nơi cư trú nhất để thuận tiện đi học, bởi ba trường này phân bố khá đều trên địa bàn.

Ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thủ Đức cho biết, địa phương dự kiến sẽ khảo sát bằng đề riêng. Cấu trúc đề cũng tương tự cấu trúc đề khảo sát vào lớp 6 của Thành phố cho Trường Trung học Phổ thông chuyên Trần Đại Nghĩa (từ năm học 2023 - 2024 về trước) nhưng ở mức độ dễ hơn.

Công tác ra đề được chuẩn bị từ sớm, giáo viên tham gia soạn thảo đề cũng lựa chọn đảm bảo yêu cầu cả về tính khách quan cũng như bảo mật. Ngoài ra, đề thi thay đổi qua các năm nên phụ huynh không nên cho con đi luyện thi gây thêm áp lực cho các em. Học sinh không trúng tuyển trong kỳ khảo sát các trường này vẫn được phân tuyến vào các trường gần nhà theo kế hoạch tuyển sinh của địa phương.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, ngoài các trường khảo sát năng lực, các trường Trung học Cơ sở khác trên địa bàn vẫn tuyển sinh bằng hình thức xét tuyển. Quy trình tuyển sinh các lớp đầu cấp năm nay được chia làm 2 đợt, trong đó đợt 1 ưu tiên tuyển sinh học sinh đang cư trú thực tế trên địa bàn; đợt 2 tuyển bổ sung căn cứ vào tình hình tuyển sinh thực tế tại mỗi địa phương.