Nhiều ngành nghề cắt giảm đến 75% lao động, giảm tới 20% lương

Đinh Thảo
Theo báo cáo về lương và thị trường lao động năm 2024 của Navigos Search, 56% trong số 555 doanh nghiệp khảo sát đã phải cắt giảm lao động, nhiều ngành nghề cắt đến 75% lao động và phải giảm 15-20% lương.
lao-dong-1702281279.jpg
56% trong số 555 doanh nghiệp khảo sát đã phải cắt giảm lao động, nhiều ngành nghề gặp khó khăn và phải giảm 15-20% lương (Ảnh minh họa: VGP)

Báo cáo được Navigos khảo sát 4.000 người lao động và 555 doanh nghiệp ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam cũng như trải đều các lĩnh vực ngành nghề.

Nhiều doanh nghiệp đã phải cắt giảm lao động

Năm 2023, không nằm ngoài biến động chung của thị trường tuyển dụng trên thế giới, tình hình lao động tại Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn.

Cụ thể, có đến 454/555 doanh nghiệp trả lời có bị ảnh hưởng bởi các biến động thị trường trong năm 2023, chiếm 82,2%.

Trong 311 doanh nghiệp có phương án cắt giảm, cắt giảm lao động mạnh tay là các doanh nghiệp chứng khoán khi 100% doanh nghiệp ngành này cắt giảm 25 - 50% nhân sự.

Không ít doanh nghiệp lĩnh vực xây dựng, bất động sản, dịch vụ tư vấn cắt giảm từ 50 - 75% nhân sự. Trong đó, 5% số công ty ngành dịch vụ tư vấn cắt giảm trên 75% nhân sự.

Các doanh nghiệp bị ảnh hưởng trải dài trong nhiều ngành hàng, với mức độ bị ảnh hưởng khác nhau, có thể kể đến như: Ngân hàng, vận tải, giao nhận, chuỗi cung ứng, sản xuất có vốn đầu tư của Nhật Bản, tự động hóa, ô tô, xây dựng, bất động sản, thực phẩm và đồ uống, ngành hàng tiêu dùng nhanh, thiết bị điện tử, thương mại điện tử, dịch vụ trực tuyến và công nghệ tài chính.

Về biện pháp ứng phó với biến động thị trường của doanh nghiệp, Navigos Group cho biết, có đến 59% trong số 555 doanh nghiệp trả lời sẽ tuyển dụng thêm dưới 25% nhân sự trong một năm tới. 15% có nhu cầu tuyển dụng 25 - 50% nhân sự và 18% không có nhu cầu tuyển dụng.

Quy mô cắt giảm tập trung dưới 25% trong các ngành nghề như: Ngân hàng, vận tải, giao nhận, chuỗi cung ứng, tự động hóa, ô tô, hóa chất, vật liệu xây dựng và bao bì, in ấn...

Rất ít doanh nghiệp lựa chọn cắt giảm nhân sự với quy mô lớn. Cắt giảm từ 50% đến dưới 75% nhân sự xuất hiện trong 2 ngành xây dựng, bất động sản và dịch vụ tư vấn với cùng tỷ lệ là 10% doanh nghiệp. Duy nhất ngành dịch vụ tư vấn có tình trạng cắt giảm trên 75% nhân sự, chiếm 5%.

Lương vẫn là yếu tố hàng đầu mà người lao động quan tâm khi tìm công việc mới

Khảo sát 4.000 người đi làm trong năm 2023, phần lớn không bị mất việc và vẫn làm ổn định với gần 70%. Nhưng vẫn còn một bộ phận có nguy cơ bị mất việc (11,2%).

Gần 20% trong số 4.000 người đã mất việc, chỉ 6,5% tìm được việc làm, hơn 11% vẫn chưa tìm được công việc mới. Các ngành năng lượng, năng lượng tái tạo và dầu khí, may mặc... có nguy cơ bị mất việc cao nhất.

Nhiều ứng viên vẫn được tăng lương và nhận được đầy đủ phúc lợi bắt buộc. 43,3% người lao động cho biết được tăng lương từ 5% đến dưới 10%. Số nhân sự bị giảm lương chỉ chiếm thiểu số với mức giảm từ 15% đến dưới 20%.

83,4% lao động cho biết khi tìm kiếm một công việc mới sẽ ưu tiên trước hết là lương và 70% trong đó cho biết đây là yếu tố có tác động mạnh mẽ nhất tới quyết định từ bỏ công việc hiện tại nếu họ không được thỏa mãn bởi công ty.

Từ đó, Navigos Group cho rằng, trong năm 2024, làm việc linh hoạt đang là xu hướng được nhiều người lao động quan tâm nhất, chiếm 49%. Đồng thời, mối quan tâm đến sức khỏe tinh thần cũng được đề cao khi 43,7% nhân sự lựa chọn ưu tiên cân bằng giữa cuộc sống - công việc.

Tiếp đó, người lao động sẽ quan tâm đến các yếu tố làm việc từ xa, ứng dụng của AI và trao quyền cho nhân viên trong năm tới.

Làn sóng sa thải toàn cầu đang lan rộng sang nhiều lĩnh vực

Theo Navigos Search, làn sóng sa thải toàn cầu lan rộng sang nhiều lĩnh vực. Đánh giá toàn diện về các đợt sa thải của Bloomberg News (2023) cho thấy doanh nghiệp đã sa thải gần nửa triệu nhân viên trên khắp thế giới. Singapore, Canada và Ấn Độ là ba quốc gia ghi nhận sự sụt giảm trong tuyển dụng cao nhất, lên đến hơn 40%.

Làn sóng sa thải đến từ rất nhiều lĩnh vực khác nhau: công nghệ, hàng tiêu dùng không thiết yếu, tài chính, công nghiệp, truyền thông, chăm sóc sức khỏe, tiêu dùng thiết yếu, bất động sản, năng lượng, nguyên vật liệu, điện nước...

Trong đó, ngành công nghệ sa thải nhiều nhất, chiếm khoảng 1/3 tổng số nhân sự bị cắt giảm. An ninh và ổn định việc làm trở thành ưu tiên hàng đầu của nhiều người lao động.

Việc tuyển dụng tại các doanh nghiệp cũng tiếp tục chậm lại. Thay vào đó, sự luân chuyển nội bộ có xu hướng tăng lên ở một số ngành công nghiệp thông qua thăng chức hoặc điều chuyển nội bộ.

Phương Thảo - TH