Nhiều hoạt động sôi nổi tại Festival dân ca Ví, Giặm năm 2023

Hướng tới kỷ niệm 10 năm dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại (2014-2024), Nghệ An đang tổ chức sự kiện Festival với nhiều hoạt động sôi nổi.
nhieu-hoat-dong-soi-noi-tai-festival-dan-ca-vi-giam-nam-2023-01-1690028218.jpg
Tiết mục biểu diễn của CLB Dân ca xã Châu Nhân, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) (Ảnh: Vanhoanghean)

Kế hoạch tổ chức Festival dân ca Ví, Giặm năm 2023 được UBND tỉnh Nghệ An ban hành trung tuần đầu tháng 6 vừa qua. Chủ đề của liên hoan lần này là ca ngợi Đảng, Bác Hồ, tinh thần lao động, tình yêu cuộc sống; ca ngợi truyền thống đấu tranh bảo vệ đất nước; tuyên truyền, cổ vũ phong trào thi đua xây dựng quê hương, đất nước, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; phản ánh những nét đẹp văn hóa đặc trưng xứ Nghệ.

Ban Tổ chức yêu cầu thể loại tham gia gồm Dân ca Ví, Giặm, Hò và các làn điệu Dân ca Nghệ Tĩnh cải biên, trong đó đảm bảo yếu tố nguyên gốc về giai điệu của làn điệu, tái hiện không gian diễn xướng…

Liên hoan cấp cụm được chia thành 4 cụm với hàng chục câu lạc bộ trên địa bàn toàn tỉnh. Các cuộc thi biểu diễn tại các cụm được tổ chức từ trung tuần tháng 6.

nhieu-hoat-dong-soi-noi-tai-festival-dan-ca-vi-giam-nam-2023-02-1690028218.jpg
Bà Trần Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An, Trưởng ban Tổ chức Liên hoan phát biểu khai mạc liên hoan cụm III tổ chức tại huyện Nam Đàn (Ảnh: Vanhoanghean)

Phát biểu tại lễ khai mạc liên hoan cụm III tổ chức tại huyện Nam Đàn hôm 14/7 vừa qua, bà Trần Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An cho biết, liên hoan lần này là một trong những hoạt động nằm trong chương trình Festival “Ví Giặm - Tinh hoa tỏa sáng” lần đầu tiên được tổ chức tại Nghệ An, đánh dấu sự mở đầu cho chuỗi sự kiện quan trọng trước thềm kỷ niệm 10 năm (2014 - 2024) Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

“Liên hoan cũng là dịp để các nghệ nhân, nghệ sĩ và người dân giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong thực hành, bảo tồn và phát huy giá trị của Ví, Giặm Nghệ Tĩnh trong cuộc sống đương đại. Qua đó tiếp tục đẩy mạnh phong trào hát dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh trong Nhân dân và các ngành, các tổ chức, đoàn thể. Phấn đấu để các tầng lớp nhân dân đều yêu thích, biết hát và cảm thụ được nhiều giá trị của dân ca Ví, Giặm…”, bà Hạnh nhấn mạnh.

Đến nay liên hoan tại các cụm đều đã bế mạc. Từ kết quả thi cấp cụm, Nghệ An chọn 12 câu lạc bộ xuất sắc nhất; mời 8 câu lạc bộ dân ca xuất sắc của tỉnh Hà Tĩnh tham gia Liên hoan cấp liên tỉnh.

Theo Ban Tổ chức, liên hoan cấp tỉnh sẽ diễn ra từ 28/7-5/8. Đây cũng là lần đầu tiên được tỉnh Nghệ An chủ trì phối hợp với tỉnh Hà Tĩnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức.

Điểm nhấn tại đêm khai mạc 28/7 diễn ra ở Quảng trường Hồ Chí Minh (TP. Vinh) sắp tới là chương trình nghệ thuật tại đêm khai mạc này có sự tham gia của các nghệ sĩ, ca sĩ trong nước và quốc tế. Chương trình được chia thành các phần như: Khai từ “Huyền thoại đất Hồng Lam” giới thiệu về xứ Nghệ, miền đất non xanh nước biếc, nghĩa nặng tình sâu trên sân khấu thực cảnh kết hợp với công nghệ led matrix tạo hiệu ứng cảnh diễn tạo nên một điểm nhấn khác biệt và sống động về vùng đất xứ Nghệ đẹp như một bức tranh họa đồ.

nhieu-hoat-dong-soi-noi-tai-festival-dan-ca-vi-giam-nam-2023-03-1690028218.png
Khuôn viên Quảng trường Hồ Chí Minh (TP. Vinh) – nơi sẽ diễn ra lễ khai mạc đêm 27/7 sắp tới (Ảnh: Nguyễn Hải)

Hay như phần “Mạch nguồn di sản - Mạch nguồn của dân ca Ví, Giặm” chính là đời sống lao động, sinh hoạt đời thường của người dân xứ Nghệ. Các tiết mục nghệ thuật trong phần này sẽ tái hiện những nét đời sống đặc trưng của vùng đất gió Lào nắng cháy, nơi những dòng chảy của Ví, Giặm hình thành đồng thời cũng cho thấy sự hoàn thiện, tinh tế, uyên bác của Ví, Giặm là nhờ tri thức uyên bác và trực tiếp can dự thực hành của các bậc tài danh như Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Phan Bội Châu….Ví, Giặm nuôi dưỡng tâm hồn những danh nhân kiệt xuất, mà đại diện tiêu biểu là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ân tình Ví, Giặm - là những ca khúc truyền đi thông điệp nhân văn qua những ca từ dung dị, trữ tình, gợi nhớ, gợi thương, nơi neo đậu một hồn quê sâu thẳm. Trí tuệ, tâm hồn, khí chất trong con người Nghệ Tĩnh vô cùng đẹp đẽ được kết tinh trong những sản phẩm văn hóa dân gian Ví, Giặm. Dù không gian và thời gian có biến chuyển thì Ví, Giặm luôn thấm đẫm ân tình, để ai đi xa cũng nhớ, cũng thương. Phần này có sự tham gia biểu diễn của các nghệ sĩ, ca sĩ người Nghệ trên mọi miền tổ quốc và 2 ca sĩ người nước ngoài là Kyo York (Mỹ) và Cee Jay (Nigeria).

Tinh hoa tỏa sáng - là sự gặp gỡ, giao thoa, gắn kết và lan tỏa của Ví, Giặm tới khắp mọi miền của Tổ quốc và các quốc gia. Chương này có sự tham gia biểu diễn của các ca sĩ, nghệ sĩ người Nghệ đang sinh sống, học tập và làm việc tại một số quốc gia trên thế giới thông qua hình ảnh được các nghệ sĩ, ca sĩ quay gửi về từ Đức, Nga, Mỹ, Slovakia…

Trong khuôn khổ Festival sẽ có các hoạt động như: Liên hoan dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh lần thứ V với chủ đề “Đôi bờ Ví, Giặm” với sự tham gia của 20 câu lạc bộ Dân ca Ví, Giặm của Nghệ An và Hà Tĩnh; Hội thi Đàn và Hát dân ca 3 miền (dự kiến có 30 đoàn nghệ thuật quần chúng của các tỉnh, thành phố trong nước tham gia); Lễ hội đường phố “Sắc màu các miền di sản” và Giải Marathon “Hành trình về miền Ví, Giặm”.

Các hoạt động tập trung tôn vinh, giới thiệu và mở rộng vòng tay kết nối di sản từ Nghệ An tới các tỉnh, thành phố trong nước. Qua đây, Nhân dân và du khách sẽ có cơ hội tiếp cận nhiều loại hình nghệ thuật đặc sắc, độc đáo, mang dấu ấn của nhiều miền văn hóa khác nhau trong cả nước.

nhieu-hoat-dong-soi-noi-tai-festival-dan-ca-vi-giam-nam-2023-04-1690028219.jpg
Năm 2014, Dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (Ảnh : Vanhoanghean)

Dân ca Ví, Giặm là di sản văn hóa phi vật thể được thực hành rộng khắp trong các cộng đồng ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Ví, Giặm là 2 lối hát dân ca không có nhạc đệm trong khi đang lao động sản xuất và trong đời sống thường nhật như lúc ru con, khi làm ruộng, chèo thuyền, lúc dệt vải, xay lúa, ngồi đan nón... Vì vậy, các lối hát cũng được gọi tên theo các hoạt động như Ví phường vải, Ví đò đưa, Ví phường nón, Giặm ru, Giặm kể, Giặm khuyên... Hàng trăm năm đã qua, dân ca Ví, Giặm luôn chiếm vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Nghệ Tĩnh và là phương tiện để biểu đạt tư tưởng, tình cảm, tăng cường giao lưu, gắn kết cộng đồng…

Năm 2014, dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Tại lễ đón bằng của UNESCO công nhận dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh tổ chức đêm 31/1/2015, bà Katherine Muller Marin, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội khẳng định: “Dân ca ví giặm là ví dụ hoàn hảo về việc di sản phi vật thể luôn ngân vang và sống động trong lòng người dân. Nó rất đặc biệt bởi lẽ làn điệu âm hưởng và lời ca đã được các nghệ nhân truyền miệng từ thế hệ này qua thế hệ khác. Phương thức này đã giúp đảm bảo những bài ca được hát với lối chân thực đặc sắc và với ngữ điệu tâm hồn của người xứ Nghệ”.

Nguyễn Hải - Lâm An